Ấm áp gia đình nghệ sĩ: Những gia tộc ăn cơm tổ nghệ thuật tới trăm năm
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 17:30, 28/06/2021
Tú Sương (vai vua) và con gái Hồng Quyên (vai Trần Quốc Toản) trong trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân
1. Hồi tháng 5.2021, rất nhiều khán giả xúc động khi chứng kiến các thế hệ con cháu của đại gia đình hát bội - cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng với cả trăm năm ăn cơm tổ nghiệp trong đêm diễn ra mắt đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ tại sân khấu nhỏ cải lương Sen Việt.
Gần tháng trời tập tuồng cho đêm diễn, các nghệ sĩ đã ngoài 70 tuổi như Xuân Yến, Trường Sơn, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh... nhẫn nại sửa từng câu văn cho đúng cách nói cách hát gốc của cải lương tuồng cổ, chỉnh từ cái xòe quạt, vuốt râu... cho thế hệ con cháu như Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Điền Trung...
Sức nặng tuổi tác khiến họ bước lên bậc cao cũng khó nhưng trong thời buổi khó khăn của sàn diễn, tranh thủ được buổi tập nào họ ráng kèm cặp để truyền lại những tinh hoa cho con cháu.
Nhớ ngày NSND Thanh Tòng còn sống, khi người viết đến nhà ông để phỏng vấn, thấy có hai dãy kệ trên tường xếp từng lớp bó hoa khô nên thắc mắc, ông cười trả lời đó là những bó hoa tươi thắm khán giả tặng ông và con gái (nghệ sĩ Quế Trân) sau mỗi đêm diễn. Hoa héo ông không nỡ vứt đi, cứ xếp lại thành những bó hoa khô.
"Khán giả thương yêu mới dành dụm mua hoa tặng mình, quý lắm!" - ông nói. Rồi năm 2009, Quế Trân đề nghị làm liveshow riêng cho ba, nghệ sĩ Thanh Tòng suy nghĩ rồi đề nghị con gái đừng làm riêng cho ông mà dành đêm diễn cho ông bà, cha mẹ, con cháu trong đại gia đình cùng hát cho vui.
Vậy là đêm diễn Dòng nghề tâm sử, một đêm diễn khó quên mang màu sắc cải lương tuồng cổ đã gặp gỡ khán giả tại rạp Hưng Đạo.
2. NSND Kim Cương từng tâm sự khi đoàn kịch nói Kim Cương đã khẳng định thương hiệu với nhiều vở diễn. Trong đó, vở Lá sầu riêng diễn không biết bao nhiêu suất, má bà, NSND Bảy Nam (vai bà Tư) và bà vai cô Diệu lấy hết nước mắt của khán giả.
Vậy mà sau mỗi đêm diễn, bà Bảy Nam đều "kiểm điểm" lại. Bữa nào diễn tốt, hai mẹ con phấn khích đến sáng. "Bữa nào mà diễn chệch chút là má rầy cũng... tới sáng khỏi ngủ" - Kim Cương cười kể.
Về NSND Bảy Nam, nghệ sĩ Hữu Châu chia sẻ được học rất nhiều từ kỷ luật làm việc của ngoại Bảy (bà Bảy Nam - NV). 20 giờ diễn thì 18 giờ bà đã có mặt, hóa trang, chuẩn bị trang phục, tịnh tâm để bước vào nhân vật. Vì vậy, có những vở như 12 bà mụ đến 22 giờ đêm vai Hữu Châu mới xuất hiện nhưng cứ khoảng 19 giờ là anh đã có mặt ở sân khấu để chuẩn bị.
Anh kể về kỷ niệm nhớ đời với ngoại Bảy: "Tôi nhớ hồi đó đoàn Kim Cương đi diễn ở miền Trung, tôi đóng vai Sang lúc lớn trong Lá sầu riêng. Ở cảnh chót má Diệu giao cho tôi cặp đôi bông mù u. Xong vở là tôi giữ luôn để tối sau đưa cho ngoại.
Hồi đó còn trẻ không cẩn thận tôi làm mất đôi bông. Tôi rất sợ vì đang lưu diễn kiếm ở đâu mà mua. Tôi rụt rè đến gặp ngoại, ngoại "giảng" cho một bài dài: Đạo cụ giúp cho vai diễn của con hay.
Đạo cụ cũng là diễn viên, con phải biết trân quý vì đạo cụ cùng con kiếm cơm để con có cái ăn, quần áo mặc, con phải biết giữ gìn chứ... Nói rồi, ngoại mở tủ lôi ra... một bịch đôi bông mù u. Tôi mừng mà toát hết mồ hôi!".
3. NSƯT Thành Lộc từng tâm sự gia đình anh không có lợi thế về thanh sắc vì đa số nhỏ con. Tuy nhiên, ba anh - NSND Thành Tôn - luôn dạy các con điều đó không sao, vì tài năng sân khấu mới là yếu tố quan trọng.
Chính vì lời ba dạy mà Thành Lộc luôn nỗ lực không ngừng với những sáng tạo để hôm nay anh được xem là "phù thủy sân khấu". Còn nhớ khi vào vai ông Tư trong Dạ cổ hoài lang, Thành Lộc đã cất công tìm hiểu, học hát bài Dạ cổ hoài lang.
Cách ca của Thành Lộc khiến bài Dạ cổ hoài lang trở nên đặc biệt vì anh nghiên cứu cách "đổ hột" pha giữa đổ hột của hát bội và đờn ca tài tử khiến từng giai điệu chở nặng tâm tư, giàu cảm xúc.
4. NSND Thanh Tòng ở ngoài hiền khô nhưng trên sàn tập ông khó giàn trời khiến anh chị em, con cháu, học trò sợ khiếp vía.
Sự nghiêm khắc của ông xuất phát từ mong muốn giữ nghề, truyền những gì tốt đẹp cho con cháu nên các thế hệ sau đều hiểu và cứ thế, ông như tấm gương cho con cháu noi theo để đến hôm nay gia tộc này đã giữ được nghề hát đi đến đời thứ 6.
Sự tỉ mẩn, chăm chút cho từng đêm diễn của bà Bảy Nam đã dạy cho nghệ sĩ Kim Cương những kinh nghiệm quý báu để lèo lái một trong những đoàn thoại kịch lừng lẫy của miền Nam.
Nghệ sĩ ngoài tài năng còn phải cần sự khổ luyện, đạo đức, trân trọng nghề, trân trọng khán giả. Thật ấm áp khi có những gia tộc nghệ thuật như thế, luôn nâng niu, uốn nắn con cháu từ những bài học nhỏ.
Nếu như xem nghệ thuật là cơ thể thì những gia đình nghệ sĩ như thế là những tế bào tốt, vun đắp hình thành những tế bào mới để cùng góp phần duy trì, phát triển một cơ thể nghệ thuật khỏe mạnh, đẹp đẽ.
Theo Tuổi trẻ