Phát hiện 2 tấm bia cổ ở Nam Sách
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 15:09, 29/06/2021
Bia “Hậu Thần bi ký” có niên hiệu năm Gia Long thứ 17 (1818)
Trong quá trình khảo sát, điền dã cùng Viện Khảo cổ học thực hiện đề tài: “Điều tra, khảo sát di tích sản xuất gốm sứ tại Hải Dương” (thế kỷ XV), Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm (Bảo tàng tỉnh) đã phát hiện 2 bia đá tại thôn Mỹ Xá, xã Minh Tân (Nam Sách).
Tháng 4.2013, trong quá trình đào ao, gia đình ông Vương Văn Chuật phát hiện 2 tấm bia ở độ sâu 115 cm. Gia đình ông Chuật đã đưa bia lên bờ, gần khu đất canh tác. Mảnh đất của ông Chuật nằm ở đầu thôn (gần tả ngạn đê sông Thái Bình).
Tấm bia thứ nhất: Hậu Thần bi ký, niên hiệu: tháng 6, năm Gia Long thứ 17 (năm 1818). Bia được làm bằng đá xanh hình trụ bốn mặt, mái đỉnh trụ, cao 115 cm, rộng 42 cm, dày 29 cm. Khắc chữ chân, khoảng 400 chữ, trán và diềm xung quanh bia trơn. Tên bia được đặt trong ô tròn cách điệu. Bia hiện còn khá nguyên vẹn, chỉ mờ một số chữ.
Trên bia có ghi: xã ??, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách. Mọi người trong làng từ trên xuống dưới có: Hương lão Vũ (Võ) Sung Địch, hương trưởng Đặng Danh Hỹ, ấp mục Đặng Văn Vực, Ngô Văn Tụng, Nguyễn Văn Duy, Phạm Văn Kỳ, Đoàn Văn Truyền (Truyện), Võ (Vũ) Thiện Tứ, Đặng Đình? Đặng Đình Đản. Xã trưởng Phạm Văn Hộc, Đặng Đức Cô, Vũ Duy Năng cùng toàn xã công đức tiền, ruộng để tu sửa đình vũ vào năm Bính Tý. Trong đó có Đặng Thị Lão tự mình bỏ ra 30 quan tiền cổ; ruộng 1 mẫu 5 sào. Về sau, những người có công được phong làm hậu thần, lập bia ghi lại để truyền mãi về sau.
Ngày giỗ của các thần, lễ gồm có xôi 1 mâm, rượu 1 bầu, trầu cau, kim ngân.
Những vị thần trăm tuổi, hằng năm ngày giỗ, bản xã làm lễ cúng phải có lợn (1 con nặng 1 tạ); đưa đến từ đường, quan viên cùng nhau hành lễ, các trưởng tộc cứ thế mà theo trước sự chứng giám của trời đất để mong yên ổn.
Bia “Bản thôn tạo bi ký” có niên hiệu Duy Tân (1907)
Tấm bia thứ hai: Bản thôn tạo bi ký, ghi lại việc thôn tu sửa đình. Niên hiệu: tháng giêng năm Ất Mão, niên hiệu Duy Tân (1907).
Bia được làm từ đá xanh, hình dẹt, đỉnh vòm, bia hai mặt, có kích thước cao 100 cm, rộng 60 cm, dày 20 cm. Khắc chữ chân, khoảng 500 chữ. Trán bia chạm lưỡng long chầu nguyệt, trang trí đao hỏa, vân xoắn, diềm xung quanh trơn. Tên bia được đặt trong ô vuông cách điệu. Hiện trạng: phần chân bên phải và bên trái bia vỡ mất góc, đã mờ một số chữ.
Nội dung bia như sau: Xã Uông Hạ, tổng Thượng Triệt, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách. Thôn Hạ lập bia ghi lại.
Thôn của ta, trước kia đình cỏ mọc um tùm, mùa mưa bị ngập lụt. Hằng năm, đình lại là nơi tụ họp nên mọi người trong thôn cùng các quý bà (những người đàn bà giàu sang) cùng xuất tiền bạc để sửa sang cho đình được trang nghiêm hơn. Xong việc, mọi người cùng nhau đem lễ vật đến cúng thần. Trời đất hòa hợp, đức của người cha làm cho con lâu dài, rộng không bến bờ. Sáng mãi đời sau hợp tỏ cùng với người có công.
Vị trí phát hiện 2 tấm bia
Về sau, để ghi nhớ những người có công làm đình đến các quý bà đã xuất hằng tâm nên họ, tên của các vị được ghi lại phía sau bia để truyền cho đời sau được biết.
Họ, tên, số tiền và tên được liệt kê mặt sau bia, nhưng do bia quá mờ nên không đọc được.
Căn cứ kết quả khảo sát và nội dung văn bia có thể nhận định: Bia thứ nhất được tạo dựng năm 1818, cách ngày nay hơn 200 năm. Nội dung: ghi về địa danh phủ Thanh Lâm, huyện Nam Sách và các tầng lớp nhân dân từ hương lão, xã trưởng cùng toàn dân trong xã đóng góp tiền, ruộng để tu sửa đình. Những người có công được bản xã phong làm hậu thần và lập bia ghi lại cho người đời sau biết.
Thông qua nội dung 2 tấm bia, chúng ta có thể biết về sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong việc phát tâm công đức để tu sửa di tích đình làng, góp phần vào việc gìn giữ những giá trị di sản của địa phương.
PHƯƠNG LAN - HOÀNG HƯƠNG