Hiến kế quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8%
Tin tức - Ngày đăng : 07:50, 30/06/2021
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu gợi ý thảo luận, đề nghị các đại biểu tập trung đề xuất những giải pháp để quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2021.
Sau phần gợi ý thảo luận cởi mở, đề nghị chỉ rõ những điểm nghẽn, nút thắt, những vấn đề bức xúc ở cơ sở của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu đã phát biểu sôi nổi, tâm huyết với những giải pháp, kiến nghị rất thiết thực. Nhiều đại biểu đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành phát huy cao độ trách nhiệm, đặc biệt nêu cao trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; tăng cường kiểm tra, khắc phục hạn chế, vướng mắc trong cải cách hành chính; tỉnh cần sớm quy hoạch vùng tỉnh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư; sớm xúc tiến việc mua vaccine để tiêm cho nhân dân...
Quyết tâm hoàn thành vượt mức các mục tiêu
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện tập trung giải quyết các kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh
11 giờ: Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến, đồng thời giải trình làm rõ hơn một số nội dung, đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2021.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã khái quát làm rõ hơn một số kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm, đồng thời chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém cần phải tập trung khắc phục.
Đồng chí nhấn mạnh 6 tháng còn lại của năm 2021 là thời gian nước rút để các cấp, các ngành hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021, trong điều kiện dự báo tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục còn nhiều khó khăn, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. UBND tỉnh xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành là: Tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành các đề án, chương trình, nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính để giải quyết kịp thời các thủ tục cho người dân và doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công và thực hiện có hiệu quả các biện pháp để điều hành thu, chi ngân sách, phấn đấu vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2021; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các quy định của Trung ương về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng nội dung các Nghị quyết của kỳ họp cuối năm 2020 HĐND tỉnh khoá XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra và nghiêm túc tiếp thu, tập trung giải quyết những kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh, ý kiến, kiến nghị của cử tri đã nêu có liên quan đến ngành, địa phương.
Với tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các địa phương sẽ quyết tâm hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, tạo tiền đề thuận lợi trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. (Xem toàn văn bài phát biểu của đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)
Chiều nay, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc tại hội trường và bế mạc kỳ họp.
Giảm các khâu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết UBND tỉnh sẽ kiến nghị HĐND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng
10 giờ 50: Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày làm rõ những kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng để tạo sự bứt phá phát triển từ nay đến cuối năm thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là phòng chống dịch Covid-19 thật tốt và tiếp tục chú trọng đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, phát triển dịch vụ.
Để phát triển dịch vụ, cần đẩy mạnh đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, các khu công nghiệp và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp như đường trục Đông-Tây, đường vành đại 1 TP Hải Dương, đường tỉnh 394B, các nút giao cao tốc Hà Nội-Hải Phòng ở các huyện Bình Giang, Thanh Hà... để kết nối các vùng huyện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là công nghiệp của tỉnh.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản nhận định Hải Dương đứng trước nhiều nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào. Để phòng chống dịch hiệu quả cần tiếp tục có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và sự đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các lực lượng chức năng cần tiếp tục làm tốt công tác phát hiện, sàng lọc, cách ly, không để mầm bệnh phát sinh trong cộng đồng; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, nhà máy...
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần điều chỉnh quy chế làm việc của tỉnh và các địa phương để giảm các khâu xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, trong đó nêu cao trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tạo sự phối hợp đồng bộ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tiếp tục minh bạch, công khai các quy trình, các bước để nhà đầu tư nắm chắc, bám sát thực hiện. Làm tốt công tác cán bộ để bảo đảm phòng ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn với những lĩnh vực chuyên sâu...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lưu Văn Bản đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh, trong đó cần chú trọng quy hoạch theo hướng mở, tạo quỹ đất để mời gọi những nhà đầu tư chất lượng đến đầu tư, nâng sức cạnh tranh cho tỉnh. Đối với những vướng mắc, khó khăn khách quan liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh sẽ kiến nghị HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh để tạo điều kiện thuận lợi giải phóng mặt bằng nhanh nhất.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị tỉnh khẩn trương giải quyết dứt điểm việc chậm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho người có công; quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhà ở cho công nhân. Khi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phải quy hoạch nhà ở và các thiết chế xã hội kèm theo để bảo đảm giải quyết vấn đề nhà ở, các điều kiện sinh hoạt, học tập cho công nhân và con em công nhân.
Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh gây ra nhiều nghịch lý
Đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng hạn chế về cơ sở vật chất giáo dục là do đầu tư nhỏ giọt, dàn trải, khó khăn trong mua sắm tập trung
10 giờ 33: Đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giải đáp một số ý kiến liên quan đến kiến nghị về định mức biên chế giáo viên, chỉ tiêu tuyển sinh các cấp… Theo đó, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành là còn thiếu hơn 2.600 giáo viên các cấp, trong khi đó quy mô, số học sinh, số lớp tăng không ngừng tăng. “Giáo viên không thể giảm biên chế cơ học như ngành khác được”, đồng chí Giám đốc sở khẳng định, vì giáo viên phải dạy theo tiết, theo lớp, theo quy định “cứng” nên không thể giảm về số lượng "cứng" như các ngành.
Cho rằng hạn chế về cơ sở vật chất kéo dài nhiều năm luôn gây khó khăn cho toàn ngành, đồng chí Lương Văn Việt chỉ rõ nguyên nhân chính là do đầu tư nhỏ giọt, dàn trải, khó khăn trong mua sắm tập trung. Ngành đề nghị thực hiện nghiêm đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt về bổ sung hỗ trợ xây dựng phòng học; bổ sung hỗ trợ mua sắm máy móc cho các nhà trường…
Về những khó khăn của các địa phương nêu về giao chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô tuyển sinh vào các cấp học…, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng “thực tế hiện nay biên chế chỉ có giảm không tăng, trong khi học sinh thì tăng liên tục do dân số phát triển” nên việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đã gây ra nhiều nghịch lý. Ví dụ như tỷ lệ tuyển sinh ở Cẩm Giàng luôn biến động mạnh qua từng năm. Khẳng định vấn đề mấu chốt chính là biên chế, ngành sẽ rà soát và sớm đề xuất HĐND tỉnh xem xét theo hướng tăng biên chế cho khu vực dân số tăng lớn.
Trả lời ý kiến của đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng về việc cần phân luồng mạnh mẽ học sinh tốt nghiệp THCS, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng do học sinh tốt nghiệp THCS còn nhỏ, hệ thống trường nghề chưa bảo đảm, chưa tạo yên tâm nên phụ huynh không cho con theo học. “Phải nâng cao chất lượng đào tạo của các trường nghề mới giải quyết được vấn đề này”, đồng chí Lương Văn Việt đề nghị.
Hạn chế chấp thuận các dự án ngoài khu, cụm công nghiệp
Đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết vấn đề ô nhiễm hệ thống sông Bắc Hưng Hải liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành nên giải quyết gặp khó khăn
10 giờ 20: Phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, đồng chí Hoàng Văn Thực, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường đã tồn tại kéo dài và ngày càng phức tạp. Đối với ô nhiễm hệ thống sông Bắc Hưng Hải, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh đã có nhiều văn bản đôn đốc khắc phục. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên ngành, liên cấp, liên tỉnh nên việc giải quyết gặp nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Hoàng Văn Thực, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh gửi công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan và các địa phương trong tỉnh tăng cường phối hợp giải quyết. Sở cũng đã xây dựng hệ thống quan trắc tự động, đang xây dựng quy chuẩn cụ thể để áp dụng khi cấp phép cho doanh nghiệp xả thải ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết chi phí chôn lấp rác thải lớn hơn chi phí vận chuyển chuyển rác thải đến các nhà máy xử lý. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan phối hợp xây dựng đề án thu gom, xử lý rác thải, triển khai thực hiện, giải quyết vấn đề xử lý rác thải. Đồng chí đề nghị tỉnh cần hạn chế chấp thuận các dự án ngoài khu, cụm công nghiệp để bảo đảm việc xử lý rác thải, nước thải theo đúng yêu cầu, quy định...
Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để trình Hội đồng thẩm định tỉnh và HĐND tỉnh đề triển khai thực hiện. Sở sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành chỉ thị để tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. "Đối với công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương nên xây dựng phương án với từng dự án cụ thể, bám sát hướng dẫn của tỉnh đã ban hành để chủ động triển khai thực hiện", đồng chí Hoàng Văn Thực đề nghị.
Thu ngân sách đạt cao
Đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh nhất trí với ý kiến đề nghị của các huyện về việc cần điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất
10 giờ 7: Đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thông tin về nhiều tín hiệu vui trong thu chi ngân sách toàn tỉnh 6 tháng đầu năm. “Tuy là năm đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng rất phấn khởi vì đây là những tháng đầu tiên ngành thuế có mức thu đỉnh cao từ trước đến nay”, đồng chí Nguyễn Năng Hoàn cho biết. Đây là tín hiệu rất đáng mừng do có sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn như Công ty Ford Hải Dương, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, Công ty CP Thép Hòa Phát…
Trả lời một số ý kiến hỏi về dư địa nguồn thu trên địa bàn tỉnh còn hay không, đồng chí Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng còn nhiều dư địa khả thi. Cụ thể, số doanh nghiệp nộp ngân sách trên 100 tỷ không nhiều, nhưng còn nhiều doanh nghiệp có thể nộp ở mức cao. Đồng chí đề nghị tỉnh cần phối hợp với các bộ, ngành để mở rộng, thu hút các doanh nghiệp có thuế suất cao như sản xuất bia, thép… để tạo nguồn thu lớn trong tỉnh. Cần có tầm nhìn, chiến lược phát triển phù hợp để phát huy nguồn lực nội tại từ các doanh nghiệp hiện có trong khi chưa hoặc khó thu hút đầu tư mới.
Nhất trí với ý kiến đề nghị của các huyện về việc cần điều chỉnh lại tỷ lệ điều tiết nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, đồng chí Nguyễn Năng Hoàn cho rằng với tình hình lạc quan về nguồn thu như 6 tháng đầu năm nay có thể có điều kiện để tháo gỡ khó khăn này. “Tin tưởng với sự vào cuộc, trách nhiệm, kịp thời tháo gỡ khó khăn của tỉnh sẽ tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế ổn định, đạt mục tiêu đề ra”, đồng chí Nguyễn Năng Hoàn nhận định.
9 giờ 50: Các đại biểu nghỉ giải lao.
Chưa có sự thống nhất về giá bồi thường giải phóng mặt bằng
Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng cho rằng việc xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng chưa thể hiện "5 rõ"
9 giờ 27: Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng cho biết 25 trong tổng số 27 dự án ở huyện triển khai năm 2021 mới đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm do việc bố trí tái định cư khó khăn, tình trạng khiếu kiện nhiều, việc công khai quy hoạch còn hạn chế... Đồng chí Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng phản ánh: "Nguyên nhân tình trạng trên là cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, gây khó khăn thực hiện và dẫn đến phát sinh đơn thư, khiếu nại. Đơn giá bồi thường đất nông nghiệp còn thấp so với các địa phương lân cận. Chưa có sự thống nhất về giá bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa thống nhất giữa các dự án do doanh nghiệp và nhà nước làm chủ đầu tư. Việc xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng chưa thể hiện "5 rõ", chưa phát huy được vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội ngay từ khi triển khai dự án...".
Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đề nghị HĐND tỉnh hằng năm đưa nội dung giải phóng mặt bằng vào chương trình giám sát, nhất là giám sát việc phối hợp giữa các sở, ngành với các địa phương trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng cần có quy trình thực hiện các bước, ban hành một số nguyên tắc cụ thể trong việc quy định mức giá hỗ trợ, bồi thường, tiêu chuẩn tái định cư... trong toàn tỉnh để các địa phương thực hiện thống nhất.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, giao biên chế giáo viên phù hợp số lượng học sinh; sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, phòng học do số lượng học sinh tăng.
"Huyện Cẩm Giàng còn thiếu 250 giáo viên. Nguyên nhân là việc tuyển giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu, một số giáo viên nghỉ việc do thu nhập thấp, số lượng học sinh tăng cơ học. Tỉnh cần quan tâm, có cơ chế hỗ trợ về kinh phí, cơ sở vật chất đối với các địa phương", Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đề nghị.
Xem xét lại tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất giữa 3 cấp
Đồng chí Hồ Ngọc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Sách cho rằng chủ trương hỗ trợ 100 tỷ đồng cho Quỹ Phát triển đất tỉnh là quá ít
9 giờ 10: Đồng chí Hồ Ngọc Lâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Sách cho biết qua nắm bắt ý kiến cử tri, đồng chí đề xuất tỉnh cần nghiên cứu lại chủ trương điều tiết thu từ đấu giá quyền sử dụng đất giữa 3 cấp để tạo động lực cho các xã thực hiện, tránh tình trạng cấp xã triển khai cầm chừng vì không được hưởng nhiều từ nguồn này.
Về tăng thu thường xuyên, từ năm 2020 giữ lại tỷ lệ 70% số thu cho cải cách tiền lương (tăng 20% so với những năm trước), 20% số thu cho phòng chống dịch, để lại 10% số thu cho huyện sử dụng vào chi thường xuyên nên rất khó khăn cho cấp huyện. Đồng chí đề nghị tỉnh nghiên cứu tăng phần để lại cho huyện.
Về chủ trương hỗ trợ 100 tỷ đồng cho Quỹ Phát triển đất tỉnh, đồng chí cho rằng nguồn vốn hỗ trợ quá ít.
Giải đáp một số kiến nghị của đồng chí Hồ Ngọc Lâm, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần hiểu đúng về Quỹ Phát triển đất của tỉnh. 100 tỷ đồng tỉnh hỗ trợ quỹ là để tiến hành giải phóng mặt bằng ở một số khu vực đất công do tỉnh quản lý để tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Tương tự ở cấp huyện cũng cần phải tự tạo nguồn để tạo ra quỹ đất sạch thu hút nguồn lực phát triển.
Liên quan đến những kiến nghị về thu chi ngân sách, HĐND tỉnh có thể sẽ họp bất thường để xem xét lại tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất giữa 3 cấp đối với các dự án đấu giá quyền sử dụng đất.
Chấn chỉnh tình trạng công nhân phải trả tiền điện sinh hoạt giá cao
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Mai Xuân Anh phản ánh tình trạng nhà ở cho công nhân không có các thiết chế thiết yếu như trường học, chợ...
8 giờ 56: Đồng chí Mai Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh thông tin trong đợt dịch lần thứ 3 có trên 30.000 công nhân phải nghỉ việc tạm thời để phòng chống dịch nên thu nhập bị ảnh hưởng, đời sống gặp khó khăn. Liên đoàn Lao động các cấp đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp nhưng chỉ mang tính hỗ trợ công nhân, người lao động vượt qua khó khăn tức thời. Đề nghị tỉnh tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ công nhân, nhất là về vấn đề nhà ở.
"Toàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên do không có các thiết chế thiết yếu như trường học, chợ... nên công nhân, người lao động chưa thiết tha, chỉ ở một thời gian ngắn rồi chuyển ra ngoài thuê trọ. Đối với nhà ở xã hội thì giá cao, công nhân không đủ sức mua. Đề nghị tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để bán trả góp, thuê với giá phù hợp với thu nhập công nhân", Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh kiến nghị.
Đồng chí Mai Xuân Anh cũng phản ánh tình trạng công nhân phải trả tiền điện sinh hoạt giá cao vẫn tồn tại. Tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng trên. Tỉnh cũng cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp để bảo đảm an toàn sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Xuân Thăng đồng tình với đánh giá điều kiện sinh hoạt của công nhân tại các khu nhà trợ còn nhiều khó khăn. Trong khi đó đây là lực lượng chính tạo động lực phát triển, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực đồng bằng phía Bắc.
"Thời gian tới khi tỉnh đầu tư, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp mới thì cần có những chính sách cụ thể để thu hút công nhân, người lao động đến Hải Dương làm việc. Trong chương trình hoạt động của HĐND tỉnh cần có nghị quyết chuyên đề để giải quyết vấn đề trên", đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh. Đồng chí cũng yêu cầu ngành điện lực sớm có biện pháp cụ thể để hỗ trợ công nhân.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đồng chí Lê Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thảo luận tại hội trường
8 giờ 42: Với góc độ doanh nghiệp, đồng chí Lê Hồng Phúc, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị: "UBND tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ chỉ đạo không dùng tiền mặt trong nhiều giao dịch, đưa tiêu chí này vào đánh giá công tác hằng năm vì đây là giải pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, thúc đẩy giao dịch tiền tệ".
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, đồng chí Lê Hồng Phúc cho rằng “chúng ta hoàn toàn có thể đạt được nếu tập trung bứt tốc mạnh mẽ vào cuối năm khi đã có vaccine”. Đồng chí Phúc phân tích, hằng năm với khoảng 5.000 tỷ đồng kiều hối qua cả hệ thống ngân hàng trong tỉnh đã đóng góp rất nhiều vào kinh tế của tỉnh. Năm nay, tuy lượng kiều hối dự kiến giảm 40% so với các năm trước do ảnh hưởng dịch nhưng đề nghị tỉnh cần đánh giá thêm nguồn vốn này vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đánh giá “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp hiện rất đáng lo ngại, đồng chí Lê Hồng Phúc đề nghị tỉnh cần có giải pháp đồng bộ, tháo gỡ, kích thích, “phục hồi sức khỏe” của doanh nghiệp, đưa các dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh nhiều hơn. Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép.
Sớm quy hoạch vùng tỉnh
Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc đề nghị tăng nguồn lực cho Quỹ phát triển đất để khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai
8 giờ 32: Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, trong đó có việc giảm nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực dịch vụ, công tác giải phóng mặt bằng một số dự án lớn, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất ở những dự án đã đủ điều kiện...
Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy Gia Lộc, các địa phương cần nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Đề nghị tỉnh có cơ chế đặc thù đối với một số dự án để tạo nguồn lực cho huyện, xã phục vụ đầu tư phát triển. Khi nguồn thu ngân sách tăng, tỉnh cần tiếp tục bổ sung kinh phí cho Quỹ phát triển đất để phát huy tối đa việc khai thác nguồn lực đất đai. Tỉnh cần sớm quy hoạch vùng tỉnh để sớm công khai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ở những cơ quan, đơn vị ở các sở, ban, ngành để tạo môi trường thông thoáng trong giải quyết công việc và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
"Tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ các địa phương, nhất là cấp xã nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức tại các bộ phận "một cửa" để phục vụ mục tiêu cải cách hành chính", đồng chí Đặng Xuân Thưởng kiến nghị.
Hỗ trợ xã phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao
Đồng chí Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Kinh Môn đề nghị tỉnh có các giải pháp phát huy thế mạnh sản xuất nông nghiệp
8 giờ 20: Đồng chí Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Kinh Môn đánh giá cao kết quả phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua. Dù chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh nhưng kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm vẫn có nhiều điểm sáng, là tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu cả năm 2021.
Nhất trí giữ vững mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 8%, Bí thư Thị ủy Kinh Môn cho rằng nông nghiệp vẫn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bình ổn cuộc sống của người dân. Cùng với vải thiều, tỉnh cần quan tâm, có chính sách ưu đãi thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, phát huy lợi thế sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng cần quan tâm, tiếp tục xem xét hỗ trợ liên kết sản xuất, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh, nhất là những sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị nông sản. Cùng với hỗ trợ 7 xã khó khăn về đích nông thôn mới, đề nghị tỉnh xem xét có cơ chế hỗ trợ, động viên các địa phương đang phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Bày tỏ lo lắng trước tình trạng gia tăng tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng, ma túy, môi trường, đồng chí Bí thư Thị ủy Kinh Môn đề nghị tỉnh cần đánh giá đúng nguy cơ, đề ra những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò lực lượng công an chính quy ở các xã, thị trấn; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, trong đó gắn với trách nhiệm từng sở, ngành, địa phương.
Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, sở, ngành phát huy cao độ trách nhiệm
Đồng chí Nguyễn Hữu Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Giang đề nghị tỉnh sớm giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước trung thủy nông Bắc Hưng Hải
8 giờ 5: Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, đồng chí Nguyễn Hữu Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Giang cơ bản đồng tình, nhất trí với các báo cáo trình tại kỳ họp. Đồng chí đề nghị tỉnh cần tăng cường thêm giải pháp phòng chống dịch Covid-19, xúc tiến việc mua vaccine để tiêm cho nhân dân. Về cải cách thủ tục hành chính, đề nghị tăng cường các biện pháp, giải pháp kiểm tra, khắc phục hạn chế, vướng mắc để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành phát huy cao độ trách nhiệm, đặc biệt nêu cao trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động.
Đối với huyện Bình Giang, đại biểu đề nghị tỉnh sớm tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng, cải tạo một số công trình giao thông như: cầu Cậy, cầu qua sông Sặt, đường 394B… Đề nghị Sở Xây dựng quan tâm, hướng dẫn huyện phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV và huyện lên thị xã trước năm 2030, xây dựng khu hành chính tập trung của huyện… “Với nội dung được cử tri Bình Giang phản ánh rất nhiều lần về ô nhiễm nguồn nước sông trung thủy nông Bắc Hưng Hải, đề nghị tỉnh, các sở, ngành phối hợp sớm tháo gỡ”, đồng chí Nam đề nghị.
Thẳng thắn chỉ rõ những điểm nghẽn, nút thắt
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
7 giờ 45: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tham gia thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để HĐND tỉnh có những quyết sách sát với thực tiễn, hiệu quả, có tác dụng ngay sau kỳ họp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm.
Nhấn mạnh còn nhiều khó khăn, thử thách trong 6 tháng cuối năm, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung đề xuất những giải pháp bám sát chủ đề năm 2021 của tỉnh là "vượt khó, tăng tốc", trong đó tập trung đưa ra những giải pháp, quyết sách tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội để quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2021 đã đề ra. Các đại biểu cần thảo luận về những dư địa, nguồn lực phát triển; dư địa thu ngân sách; thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển... gắn với chức năng, trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương; thẳng thắn chỉ rõ những điểm nghẽn, nút thắt là rào cản trở phát triển để tập trung thảo luận những giải pháp khắc phục, giải quyết. Tập trung thảo luận những giải pháp xử lý những vấn đề bức xúc ở cơ sở như xử lý rác thải ở nông thôn, tình trạng thiếu giáo viên...
Các đại biểu cũng cần tập trung đề xuất, kiến nghị những giải pháp nâng cao chất lượng của các đại biểu, các ban và HĐND tỉnh.
Quang cảnh phiên họp
7 giờ 30: Các đại biểu nghe thư ký kỳ họp báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ chiều 29.6.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu thảo luận tại hội trường.
PV