Đừng lãng phí rơm rạ sau thu hoạch
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:57, 02/07/2021
Dễ hiểu vì sao Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây đã phải đề nghị UBND nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Hải Dương phải tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ. Các địa phương tuyên truyền, vận động không để người dân đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Đáng quan tâm là việc này lặp đi lặp lại nhiều năm mà vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Vậy tại sao người dân lại lãng phí nguồn tài nguyên này? Trước đây, rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp được dùng làm thức ăn cho đàn gia súc, làm nhiên liệu đun nấu. Ở những vùng có truyền thống trồng cây vụ đông, nhất là vùng trồng hành tỏi thì rơm rạ được sử dụng để ủ mục làm phân bón, đậy trên nền đất nhằm giữ ẩm, hạn chế cỏ dại sau hoai mục giúp đất tơi xốp... Ngày nay, rơm rạ được dùng để phục vụ sản xuất nông nghiệp không nhiều. Nhiều gia đình đã không còn đem rơm về nhà, chất thành đống lớn tích trữ dành cho gia súc hay đun nấu nữa. Vì thế, ngày nay họ đem đốt để gọn và sạch ruộng chuẩn bị làm đất gieo cấy lúa.
Tác hại của việc đốt rơm rạ thấy rõ, trước hết ảnh hưởng đến môi trường sống, bầu không khí trở nên ngột ngạt hơn, nhất là trong những ngày hè oi bức. Tiếp đó, đất đai sẽ bị chai. Thậm chí, việc đốt rơm rạ gần đường đi còn gây mất an toàn giao thông...
Để giải quyết tình trạng đốt rơm rạ, không chỉ bằng tuyên truyền mà cần những cách làm cụ thể, biến rơm rạ thành tài nguyên, tăng thu nhập cho nhà nông. Rơm rạ hoàn toàn có thể trở thành nguyên liệu để sản xuất phân bón. Nhiều doanh nghiệp sản xuất phân vi sinh trong nước đang có nhu cầu thu mua rơm rạ để phục vụ sản xuất. Do đó, nông dân hoặc Hội Nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp các địa phương có thể làm đầu mối liên kết với họ để thu mua, cung ứng, từ đó thêm thu nhập cho nông dân, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch. Ngay tại xã Thúc Kháng (Bình Giang) cũng đã có người dân mạnh dạn tự chế máy cuộn rơm để bán cho các trang trại chăn nuôi bò. Nhờ bán rơm cuộn mà nông dân này đã thu lợi hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Đây cũng là cách làm hay để nhiều nông dân có thể học tập.
Những năm trước, UBND tỉnh đã có chương trình hỗ trợ nông dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Nhà nông được hỗ trợ chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ thành phân bón. Cách làm này vừa góp phần cải tạo đất vừa giúp nông dân giảm chi phí sản xuất. Lợi ích lâu dài của cách làm trên còn giúp tỉnh ta xây dựng nền nông nghiệp an toàn, gắn với bảo vệ môi trường. Nhiều vùng chuyên canh cây trồng theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch sẽ ngày càng được phát triển dựa trên nguồn phân bón hữu cơ từ rơm rạ. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc... rơm rạ còn được sáng tạo thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bán với giá khá cao. Tuy lượng rơm để phục vụ sản xuất lĩnh vực này chưa nhiều nhưng cũng là một cách để biến rơm rạ thành tiền.
Để làm được điều này, trước hết phải thay đổi nhận thức của người dân, các địa phương cần chỉ cho người dân biết cách sử dụng hợp lý rơm rạ, nhận thấy tác hại của việc đốt sản phẩm này. Chương trình hỗ trợ chế phẩm sinh học cho người dân ủ thành phân bón cần được tiếp tục triển khai và nhân rộng. Một số ngành liên quan của tỉnh có thể nghiên cứu cử cán bộ tìm nguồn tiêu thụ rơm rạ cho nông dân sau thu hoạch. Về lâu dài tỉnh có thể nghiên cứu thu hút một số nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm rạ dư thừa, từ đó họ có thể trực tiếp thu mua rơm rạ cho nông dân.
Việc xử lý rơm rạ hiệu quả sau thu hoạch cần được triển khai sớm tránh để lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng không khí và lãng phí nguyên liệu.
HẢI MINH(Gia Lộc)