Thụy Sĩ vs Tây Ban Nha: Sống lại những ký ức Durban
Quốc tế - Ngày đăng : 10:09, 02/07/2021
Đó là hôm 16.6.2010, tại TP Durban, Thụy Sĩ bước vào trận ra quân của họ ở bảng H World Cup 2010 gặp Tây Ban Nha, thời điểm ấy đang là đội đương kim vô địch châu Âu. Tương quan giữa đôi bên chẳng khác trận Thụy Sĩ gặp Pháp vừa qua là mấy, và kết quả cũng thế. Thụy Sĩ gây sốc khi đánh bại Tây Ban Nha 1-0 bằng bàn thắng đầu hiệp 2 của Gelson Fernandes.
Chân lý “biết mình, biết người”
Trận thắng lịch sử vừa qua trước Pháp của Thụy Sĩ xứng đáng là một tấm gương cho mọi đội bóng cửa dưới noi theo, khi họ dám chơi sòng phẳng, dám tấn công và ghi nhiều bàn thắng trước một đối thủ rất lớn. Câu chuyện của 11 năm trước thì không như vậy, Thụy Sĩ áp dụng một lối đá phòng ngự khá tiêu cực nhưng hợp lý vô cùng, khiến cho báo chí Tây Ban Nha sau trận đồng loạt công kích “Họ đã chơi thứ bóng đá gì vậy? Đó là lối chơi hoàn toàn phản bóng đá”. Để dễ hình dung, Thụy Sĩ đã đối mặt Tây Ban Nha giống như cách Áo vừa làm khó Italy ở sân Wembley cuối tuần qua. Tây Ban Nha sút rất nhiều, đến 25 cú dứt điểm, nhưng hầu hết là ra ngoài, bởi Thụy Sĩ không cho họ cơ hội nào rõ rệt cả.Đó cũng chính là chiến thắng duy nhất của Thụy Sĩ trước Tây Ban Nha trong lịch sử đối đầu giữa hai đội tuyển. Còn lại, họ thua tới 16 trận, hòa 5 trận. Năm ngoái, hai đội đã đụng mặt nhau tại UEFA Nations League, Thụy Sĩ thua 0-1 tại Madrid nhưng cầm hòa 1-1 tại Basel, trong trận đấu mà họ dẫn trước cho đến phút 89.
Đúng như nhận xét của thủ môn Yann Sommer, Pháp đã thua vì quá ngạo mạn, và Thụy Sĩ giành chiến thắng nhờ nắm được điểm yếu đó của đối thủ. 11 năm trước, đội quân của huấn luyện viên lừng danh Ottmar Hitzfeld cũng lập nên chiến công nhờ thấu hiểu chân lý “biết mình, biết người, trăm trận, trăm thắng”. Đó đang là thời điểm Tây Ban Nha cực thịnh với lối chơi tiki-taka trứ danh và đội ngũ cầu thủ với dàn ngôi sao nòng cốt của Barcelona lúc đó đang mạnh nhất châu Âu. Nếu Thụy Sĩ chơi đôi công, hay lựa chọn một cách tiếp cận mở, họ chắc chắn sẽ bị nghiền nát. Thế nên, Thụy Sĩ sẵn sàng “phản bóng đá” để giành chiến quả. Thắng lợi xứng đáng cho một lối chơi hợp lý và tinh thần quả cảm, nhưng nó không phản ánh sức mạnh của Thụy Sĩ. Họ nhanh chóng ra về sau vòng bảng sau khi thua Chile và hòa với Honduras, những đối thủ khiêm tốn hơn nhiều.
Chứng nhân Shaqiri
Tây Ban Nha hiện nay không còn cầu thủ nào sót lại từ trận đấu 11 năm trước, nhưng Thụy Sĩ thì có. Xherdan Shaqiri, khi đó mới 18 tuổi, đã ngồi cả trận trên ghế dự bị để chứng kiến các đồng đội của anh lập kỳ tích. 11 năm sau, Shaqiri giờ đây đã là trụ cột, là ngôi sao đẳng cấp nhất của Thụy Sĩ, cũng là người đã có những đóng góp to lớn để đưa đội đến vòng tứ kết. Anh ghi 2 bàn, kiến tạo 1 bàn ở vòng bảng. Sự xông xáo và lối đá kỹ thuật của Shaqiri giúp Thụy Sĩ chơi ngang cơ với Pháp trong phần lớn thời gian anh có mặt trên sân, ở cuộc đấu tại vòng 1/8 vừa qua.
Trận tứ kết gặp Tây Ban Nha sắp tới, Thụy Sĩ sẽ không có tiền vệ đội trưởng Granit Xhaka do án treo giò, hiển nhiên Shaqiri sẽ được đặt nhiều kỳ vọng và trách nhiệm hơn. Anh rất có thể cũng sẽ đeo luôn chiếc băng đội trưởng. Những năm tháng khoác áo Liverpool, dù chỉ là với vai trò dự bị, đã giúp ngôi sao 29 tuổi này trưởng thành hơn rất nhiều. Huấn luyện viên Jurgen Klopp từng không tiếc lời khen cậu học trò: “Nếu có cầu thủ nào luôn sẵn sàng lúc tôi cần cậu ta, thì đó chính là Shaqiri”. Đội tuyển Thụy Sĩ đang cần Shaqiri hơn lúc nào hết, cho trận đấu mà anh chính là gạch nối giữa hai chiến thắng đáng nhớ của bóng đá xứ đồng hồ.
Và nếu Shaqiri có thể mang được tinh thần, triết lý và sự tự tin của Thụy Sĩ 11 năm trước đến với các đồng đội của anh hôm nay, biết đâu đấy, điều kỳ diệu có thể đến thêm một lần nữa.
6 cầu thủ Tây Ban Nha dự Olympic Tokyo |
Theo Thể thao & Văn hóa