Vai trò tối thượng của luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông

Tin tức - Ngày đăng : 13:55, 02/07/2021

Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) vào 7.2016 đã trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Ngày 1.7, trang tin của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) đăng bài viết với nhan đề “5 năm phán quyết Toà trọng tài về Biển Đông: Nơi giao thoa của địa chính trị và luật pháp quốc tế” của Tiến sỹ Alexander Korolev và Tiến sỹ Irina Strelnikova thuộc Trường Kinh tế cao cấp (Nga), trong đó khẳng định phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) vào 7.2016 đã trở thành cột mốc quan trọng trong lịch sử tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và luật pháp quốc tế có vai trò tối thượng trong giải quyết các tranh chấp này.

Các tác giả trích dẫn phán quyết của Toà trọng tài cho rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với "quyền lịch sử" và quyền tài phán của nước này đối với các khu vực biển ở Biển Đông là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS-1982) và vượt quá ranh giới địa lý và thực chất các quyền của Trung Quốc.

Bài phân tích khẳng định các lý lẽ Trung Quốc sử dụng không được phản ánh trong các quy tắc của luật pháp quốc tế, và do đó không thể được coi là lý do bào chữa cho việc không thi hành quyết định của Tòa trọng tài.

Các tác giả nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông, khẳng định UNCLOS có tính ràng buộc pháp lý cao nhất đối với tất cả các bên ký kết, cũng như vai trò của phán quyết mà Tòa trọng tài đã đưa ra 5 năm trước. Theo các chuyên gia Nga, UNCLOS là nguồn luật thay thế bất kỳ quyền lịch sử hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán nào mà Trung Quốc vận dụng trong giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Các học giả Nga cũng đánh giá cao việc các nước ASEAN đang tích cực thảo luận về sự cần thiết phải thay thế Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) vốn đã lỗi thời bằng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) - một công cụ có tính ràng buộc về mặt pháp lý, từ đó đóng vai trò nền tảng trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.

Theo TTXVN