Ngôi đền thờ 7 anh em họ Phạm
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 15:20, 02/07/2021
Di tích đền Ngư Uyên
Di sản quý giá
Theo thần tích được lưu lại, ở trang Vụ Nông, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, thuộc trấn Hải Dương xưa có một gia đình họ Phạm tuy nghèo khó nhưng đức độ. Họ sinh được 7 người con gồm 6 nam, 1 nữ là: Phạm Luận, Phạm Thọ, Phạm Thành, Phạm Tường, Phạm Tụng, Phạm Kế và em gái út Phương Nương. Cả 7 người vừa giỏi văn vừa giỏi võ.
Thời gian đó, nhà Trần vận suy, Hồ Quý Ly tiếm ngôi. Giặc Minh tràn sang xâm lược nước ta, nhà Hồ thất bại khiến đất nước rơi vào tay giặc.
Trước loạn xâm lăng, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa từ Lam Sơn-Thanh Hoá. 7 anh em họ Phạm vào Lam Sơn yết kiến Lê Lợi, bày tỏ mong muốn gia nhập hàng ngũ chống giặc Minh xâm lược. Lê Lợi thấy 7 anh em tướng mạo đường đường, thần uy lẫm liệt, liền chiêu nạp và phong cho làm tướng, cấp cho ba ngàn quân trấn ải miền Đông Bắc.
Được nhân dân khắp nơi ủng hộ, đội quân ngày càng tăng mạnh, xung trận giành được thắng lợi liên tiếp khiến quân giặc tổn thất nặng nề. Sau đó giặc Minh cho quân tiếp viện, sức quân địch tăng mạnh. Sau nhiều trận chiến khiến quân lực mỏng dần, trận chiến ác liệt diễn ra ở trang Ngư Uyên, quân ta bị quân địch bao vây. Tướng quân Phạm Luận và 6 người em hy sinh oanh liệt nhưng cũng đã khiến quân giặc hao tổn không ít, góp công lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược.
Sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh giành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua. Tưởng nhớ và truy công 7 vị anh hùng, vua ban sắc chủ đến bản trang làm lễ điếu và truyền cho ba trang Vụ Nông, Ngư Uyên và An Thuỷ lập đền thờ để ngàn năm hương hoả. Cả 7 vị được vua phong mỹ tự và hai chữ: Ngọc Thanh.
Đền Ngư Uyên được xây dựng vào thời Lê Vĩnh Trị, nằm trên khu đất cao ráo, thoáng đạt. Thời Nguyễn trùng tu lại nhưng vẫn giữ được nhiều mảng kiến trúc thời Lê. Đền có mặt bằng hình chữ Đinh (J), kiến trúc chồng giường đấu sen, toà tiền tế 5 gian hai hồi bít đốc. Trên thượng lương toà tiền tế còn ghi: "Đại đền khởi tạo tự Lê Vĩnh Trị Đinh Tỵ niên chế, Nguyễn triều Bảo Đại Giáp Thân niên quý xuân, tráp lục hợp tác thụ trụ thượng lương".
Như vậy, đền được xây dựng năm 1677 và được trùng tu vào năm 1944. Đầu dư và một số mảng điêu khắc, chạm bong kênh theo mô típ rồng và đề tài thời Lê. Trên xà ngang gian trung tâm được bài trí cửa võng: "Lưỡng long chầu nguyệt", tiếp đến là đại tự "Thượng đẳng tối linh từ".
Hậu cung có 3 gian kiến trúc con chồng đấu sen, cùng các mảng điêu khắc trang trí mang đậm sắc thái thời Nguyễn. Các bức cốn chạm nổi tứ quý thông, trúc, cúc, mai. Hậu cung đặt khám thờ và tượng của tướng Phạm Luận.
Trải qua biến cố lịch sử, hiện đền còn lưu giữ một số cổ vật như 4 bia đá, trong đó có 1 bia thời Lê, 1 bia thần phả thời Nguyễn, tượng tướng công Phạm Luận bằng gỗ được tạc thời Nguyễn, tượng vua bà Phạm Thị Phương, tượng tướng công Phạm Thành... Cùng với đền thờ, trong thôn hiện còn giữ được 2 miếu thờ nguyên vẹn của hai người em Phạm Luận. Đây là những di vật giá trị gắn liền với di tích, khẳng định tầm vóc lịch sử của ngôi đền mà nhân dân địa phương bao đời nay gìn giữ được.
Với những giá trị văn hoá lịch sử, kiến trúc, đền Ngư Uyên được Bộ Văn hoá-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1990.
Tượng thờ tướng quân Phạm Luận đặt trong di tích
Trân trọng giữ gìn
Theo ông Lương Văn Huân, 74 tuổi, ở khu dân cư Ngư Uyên thì trước đây di tích được sử dụng như đình làng, là nơi tổ chức hội họp của thôn làng. Đến năm 1990 khi được công nhận là di tích cấp quốc gia thì di tích được trả về nguyên trạng.
Cũng theo ông Huân, lễ hội đền ngày trước diễn ra đơn giản nhưng luôn mang không khí vui tươi, rộn rã khắp xóm làng. Lễ hội diễn ra từ ngày 16-18 tháng giêng hằng năm nhằm tưởng nhớ công lao của 7 vị danh tướng, với nhiều nghi lễ như lễ tế mở đền, lễ tế thần, lễ rước...
Việc lựa chọn đội tế lễ trước đây được thực hiện rất kỹ lưỡng. Người làm chủ tế thường là những người cao tuổi, có tước vị, có đức, uy tín với dân làng, gia đình khá giả, hạnh phúc. Trước đây chủ tế thường là lý trưởng, chánh tổng, hương lý hoặc người của Hội Tư văn. Tiêu chuẩn này đến nay vẫn được duy trì, giữ gìn theo đúng truyền thống để nghi lễ được diễn ra trang nghiêm.
Trong 3 ngày lễ hội, phần lễ rước được coi là nghi lễ quan trọng và cũng là nghi lễ đẹp nhất. Sau khi kết thúc lễ dâng hương mở đền, nhân dân địa phương tổ chức lễ rước từ đền chính đi một vòng qua vị trí 6 miếu thờ và trở lại đền. Lễ rước với cờ, lọng, kiệu thánh, các mâm lễ do các dòng họ ở địa phương chuẩn bị đầy màu sắc, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Không chỉ ở phần lễ, phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo như bịt mắt bắt dê, đập niêu, vật dân tộc, cờ tướng... cũng góp phần làm tăng sức hút của lễ hội. Đặc biệt là hội vật dân tộc trở thành "đặc sản" của lễ hội đền Ngư Uyên khi vào mỗi năm tổ chức lại thu hút hàng chục đô vật cả trong và ngoài xã tham gia thi đấu.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Bí thư Chi bộ khu dân cư Ngư Uyên, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Ngư Uyên, từ năm 1990 đền Ngư Uyên đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Gần đây nhất là trong năm 2020, di tích được mở rộng thêm sân trước và xây dựng một số hạng mục như nhà bảo vệ, nhà khách, công trình vệ sinh... với kinh phí trên 1 tỷ đồng do nhân dân địa phương công đức. Ngôi miếu thờ bà Phương Nương nằm ở vị trí giữa làng cũng đang được phục dựng, dự kiến hoàn thành vào tháng 7 năm nay với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng cũng do nhân dân địa phương đóng góp.
"Mong rằng di tích sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân để trong thời gian tới có thể tu bổ, phục dựng 3 ngôi miếu đã mất của 3 anh em họ Phạm còn lại. Có như vậy mới thoả lòng mong mỏi, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của người dân, đồng thời có thể tôn vinh, giúp cho nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ mãi mãi tự hào, nhớ đến công lao của 7 vị tướng anh dũng", ông Lương Văn Huân chia sẻ.
TRƯỜNG NGUYỄN