Đồng Xuân Lan và bài thơ "Về ngôi nhà đang xây"

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 09:42, 03/07/2021

Vừa rồi, tôi nhận được điện thoại của một học sinh cấp 2 ở tận Hải Dương gọi xin số điện thoại của nhà thơ Đồng Xuân Lan. Khi đó, tôi ngạc nhiên vô cùng, vì nhà thơ đã qua đời lâu rồi, từ năm 1994.


Ảnh minh họa

Hỏi ra mới biết, cô bé từ nơi xa xôi kia đang tìm hiểu về tác giả của bài thơ “Về ngôi nhà đang xây” để bổ sung tư liệu cho bộ sưu tập những bài thơ hay mà mình yêu thích. Theo cô bé, hồi học lớp 5, khi đọc được bài thơ này trong sách Tiếng Việt lớp 5, cô thích lắm, nhưng đến phần giới thiệu tác giả thì rất ngắn gọn: Đồng Xuân Lan, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa.

Nhà thơ Đồng Xuân Lan sinh năm 1944, quê ở Quảng Ngãi. Năm 1955, ông theo gia đình đi tập kết ra Bắc, rồi học đại học ngành tài chính. Vì mê văn chương nên ra trường một thời gian, ông xin chuyển sang làm việc ở ngành văn hóa. Sau năm 1975, ông về làm việc tại Sở Văn hóa và Thông tin Phú Khánh (sau đó là Khánh Hòa) và là một trong những người sáng lập Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa.

Những năm sống và làm việc ở Nha Trang, Đồng Xuân Lan luôn quan tâm đến mọi người, đặc biệt là các cây bút trẻ. Mỗi khi có bài thơ hay tác phẩm văn xuôi nào hoàn thành, ông đều đọc cho anh em quen biết nghe để góp ý. Trong sáng tác, ông làm thơ, viết truyện và vẽ cả tranh biếm họa. Ông có nhiều bài thơ rất hay, được anh em văn nghệ đánh giá khá cao. Năm 1978, bài thơ “Âm điệu mùa mưa” của ông được trao tặng thưởng bài thơ hay nhất trong năm của báo Văn Nghệ. Đến năm 1985, chùm thơ viết về Trường Sa của ông được tặng giải ba cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức... Ở lĩnh vực tranh biếm họa, ông có rất nhiều tranh đăng trên các báo và được tặng giải B tại cuộc thi tranh biếm họa do báo Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 1986.

Ngoài một số tác phẩm là truyện tranh vẽ theo nội dung các truyện nước ngoài, nhà thơ Đồng Xuân Lan đã xuất bản hơn 10 cuốn sách, đa phần về đề tài thiếu nhi, trong đó có 6 cuốn về văn xuôi, số còn lại là thơ. Điều đáng chú ý, thơ ông viết cho các em rất ngộ nghĩnh và giàu cảm xúc. Đặc biệt, bài thơ “Về ngôi nhà đang xây” của ông nếu không gần gũi, yêu thương, không nắm bắt được tư duy của trẻ em thì khó có thể làm được. Từ giữa thập niên 90, bài thơ này đã được tuyển vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 và từ đó được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy ở nước ta: “Chiều đi học về/Chúng em qua ngôi nhà xây dở/Giàn giáo tựa cái lồng che chở/Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây/Bác thợ nề ra về còn huơ huơ cái bay: Tạm biệt!”. Sau đoạn mở đầu tưởng chừng như chỉ miêu tả về một ngôi nhà đang xây, bài thơ đã mở ra nhiều chân trời liên tưởng sinh động với thủ pháp so sánh khá tự nhiên: “Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc/Thở ra mùi vôi vữa nồng hăng/Ngôi nhà giống bài thơ sắp làm xong/Là bức tranh còn nguyên màu vôi, gạch/Nắng đứng ngủ quên/Trên những bức tường/Làn gió nào về mang hương/Ủ đầy những rãnh tường chưa trát vữa/Bao ngôi nhà đã hoàn thành/Đều qua những ngày xây dở/Ngôi nhà như trẻ nhỏ/Lớn lên với trời xanh…” Để gửi một triết lý, một ý nghĩa sâu xa như vậy trong một đề tài tưởng như khô cứng, quả thật không dễ viết thành thơ, song Đồng Xuân Lan đã làm được điều đó. Cũng do vậy, bài thơ nhận được sự đồng cảm không chỉ ở độc giả nhỏ tuổi mà đông đảo bạn đọc nói chung.

Văn học Khánh Hòa từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay không ngừng phát triển với sự đóng góp của nhiều thế hệ cầm bút và Đồng Xuân Lan là một trong số tác giả đã tạo nên nhiều dấu ấn. Rất tiếc, vì bệnh nặng, ông mất khi mới ở tuổi 50, giữa lúc mơ ước, dự tính thực hiện thêm những tác phẩm viết cho thiếu nhi chưa được hoàn thành.

Theo báo Khánh Hòa điện tử