Thi tốt nghiệp THPT: Các kiến thức trọng tâm cần nhớ của môn Giáo dục công dân

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:45, 04/07/2021

Thời điểm nước rút, thí sinh phải rà soát, hệ thống kiến thức trọng tâm. Bên cạnh đó, các em phải có được chiến thuật làm bài hợp lý, đồng thời chuẩn bị thật tốt về mặt tinh thần và sức khỏe để có được kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Đó là lời khuyên của thầy Trần Văn Năng, giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI dành cho các thí sinh đang trong giai đoạn ôn thi nước rút kì thi tốt nghiệp THPT 2021.

Nắm chắc kiến thức trọng tâm

Thầy Năng cho biết, theo ma trận đề tham khảo đã được công bố, đề thi năm nay sẽ có số lượng câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11 chiếm khoảng 10%, tập trung ở các bài 1, 2, 3 và 4. Kiến thức lớp 12 chiếm tới 90% cấu trúc đề thi với số câu hỏi nhiều nhất nằm ở bài 2, bài 6 và bài 7. Thí sinh lưu ý một số câu hỏi thuộc bài 1 và bài 5.


Thầy Trần Văn Năng đưa ra một số lời khuyên khi ôn tập, làm bài thi môn Giáo dục công dân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Các chuyên đề mà học sinh cần đặc biệt lưu ý vì chứa nhiều câu hỏi nhất bao gồm: thực hiện pháp luật, công dân với các quyền tự do cơ bản và công dân với các quyền dân chủ.

Theo thầy Năng, chuyên đề Thực hiện pháp luật vẫn là một trong những chuyên đề chiếm nhiều câu hỏi nhất. Theo đó, ngoài khái niệm thực hiện pháp luật, các hình thức thực hiện pháp luật và các loại vi phạm cũng như trách nhiệm pháp lí đi kèm, học sinh cần lưu ý những điều sau: Khi nào vi phạm hành chính chuyển thành vi phạm hình sự. Phân biệt những việc làm vi phạm hành chính, dân sự, hình sự, kỷ luật. Các hình thức thực hiện pháp luật. Những dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Đối với chuyên đề Công dân với các quyền tự do cơ bản, học sinh cần nắm vững và phân biệt quyền bất khả xâm phạm về thân thể công dân với quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, quyền tự do ngôn luận với quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Chuyên đề Công dân với các quyền dân chủ, thí sinh cần nắm vững và phân biệt được ba nhóm quyền: Những biểu hiện vi phạm quyền bầu cử, ứng cử, trường hợp không được quyền bầu cử. Nội dung cơ bản của quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội ở phạm vi cả nước, ở phạm vi cơ sở, phân biệt những việc "dân biết", "dân bàn", "dân làm", "dân kiểm tra"; Phân biệt quyền khiếu nại và tố cáo.

“Ngoài những chuyên đề trên, học sinh cũng không nên bỏ qua việc ôn tập, hệ thống lại kiến thức của các chuyên đề còn lại. Đặc biệt trong đề thi tham khảo xuất hiện những câu hỏi trong chuyên đề 1: Pháp luật là gì? Và chuyên đề 5: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc và tôn giáo, là những chuyên đề từ năm 2018 đến nay chưa xuất hiện trong đề thi dễ gây tâm lý chủ quan dẫn đến mất điểm trong quá trình làm bài.

Sau khi nắm được hệ thống kiến thức sẽ xuất hiện trong đề thi, điều các em cần làm là phải rà soát xem bản thân mình còn đang yếu và thiếu ở phần kiến thức nào, từ đó tìm cách khắc phục ngay lập tức trong giai đoạn nước rút này”, thầy Trần Văn Năng chia sẻ.

Tránh những lỗi sai đáng tiếc trong quá trình làm bài thi

Theo quan sát của thầy Năng, rất nhiều thí sinh hay làm sai những câu hỏi dễ ở mức độ nhận biết và thông hiểu, bởi vì các em cho rằng câu hỏi tương đối dễ nên không đọc kĩ, và thường đọc lướt qua rất nhanh, dẫn đến sai đáp án. Thêm nữa, đa phần học sinh sai nhiều ở các câu hỏi vận dụng cao, với những tình huống đưa ra gắn liền với đời sống thực tế của xã hội. Và các nhân vật được viết tắt A, B, C, khiến học sinh dễ bị rối mắt. Nếu không có cách học đúng thì các em rất dễ nhầm lẫn ở các câu hỏi này.

Cách để khắc phục được lỗi sai ở những câu hỏi này là phải thật bình tĩnh và đọc thật kĩ đề bài, đến khi hiểu đúng vấn đề mà đề bài hỏi, dùng bút để gạch chân các từ khóa, phân tích tình huống. Nếu câu hỏi quá khó và không hiểu hết được thì thí sinh sử dụng phương pháp loại trừ để đưa ra được đáp án đúng nhất. Khi làm xong bài, nếu còn thời gian, các em nên quay trở lại những câu chưa chắc chắn về đáp án, rà soát và đối chiếu lần cuối.

Nói về cách ôn tập hiệu quả với môn Giáo dục công dân nói riêng và các môn khác nói chung, theo thầy Trần Văn Năng, trong thời gian này, thí sinh cần phân chia thời gian sao cho hợp lí, ăn uống đầy đủ chất, đầu tư thời gian ôn luyện cho những môn còn cảm thấy đuối.

Thầy Năng dặn dò thí sinh không nên quá căng thẳng hay chủ quan khi bước vào phòng thi. Môn Giáo dục công dân là môn thi cuối cùng trong tổ hợp Khoa học xã hội và cũng là môn thi kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, tâm thế của các thí sinh thường sẽ rất vui mừng. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan khi làm bài thi.

“Các em hãy bình tĩnh làm bài, nếu làm hết trước thời gian thì cố gắng dành thời gian xem lại bài, không xin ra khỏi phòng thi trước khi kết thúc thời gian thi.

Thời điểm này, các em hãy thật thư giãn về mặt tinh thần, và cảm giác học là một niềm vui thì các em sẽ lĩnh hội được kiến thức một cách nhẹ nhàng và hiệu quả hơn”, thầy Năng dặn dò thí sinh.

Theo VOV