"Trộn vắc xin" COVID-19: 1+1=3?
Bình luận - Ngày đăng : 11:34, 04/07/2021
Các nhà khoa học đang nghiên cứu liệu tiêm kết hợp các vắc xin ngừa COVID-19 có phải là giải pháp hiệu quả ngừa virus. Ảnh: FINANCIAL TIMES/REUTERS
Tuần này, Ủy ban thường trực về tiêm chủng (STIKO) của Đức cho biết những người được tiêm liều vắc xin đầu tiên của hãng AstraZeneca "nên tiêm liều thứ hai là vắc xin mRNA (vắc xin của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), bất kể tuổi tác".
Khuyến nghị mạnh mẽ nhất
Đài CNN đánh giá đây là khuyến nghị mạnh mẽ nhất trên thế giới cho đến nay về tiêm kết hợp vắc xin ngừa COVID-19.
Theo STIKO, "các kết quả nghiên cứu hiện nay" cho thấy phản ứng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm kết hợp vắc xin AstraZeneca với vắc xin công nghệ mRNA "vượt trội rõ ràng" so với khi tiêm hai liều đều của AstraZeneca.
Chính Thủ tướng Đức Angela Merkel (66 tuổi) đã góp phần mở đường cho khuyến nghị tiêm kết hợp vắc xin COVID-19. Hồi tháng 6, bà Merkel được tiêm mũi vắc xin thứ hai của hãng Moderna, sau khi tiêm mũi đầu tiên của AstraZeneca.
Hôm 17.6, Ủy ban Cố vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada đưa ra khuyến nghị tương tự nhưng ít mạnh mẽ hơn. Họ cho biết "với những người đã tiêm liều đầu tiên vắc xin của AstraZeneca hoặc Covishield (phiên bản AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất) thì lựa chọn được ưa chuộng hơn với liều thứ hai lúc này là một vắc xin mRNA".
Khuyến nghị của Đức được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo châu Âu có nguy cơ đối mặt đợt bùng dịch mới vào tháng 8, căn cứ vào việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, biến thể Delta lây nhiễm nhanh hơn và tỉ lệ tiêm chủng còn thấp.
Đến nay, đã có một số bằng chứng bước đầu cho thấy hiệu quả của phương pháp trên. Chẳng hạn thử nghiệm có tên Com-COV của Đại học Oxford (Anh) cho thấy những người đã tiêm liều đầu tiên của AstraZeneca và liều thứ hai của Pfizer-BioNTech (khoảng 4 tuần sau liều đầu tiên) sinh kháng thể cao hơn những người tiêm hai liều AstraZeneca. Khoảng 830 người độ tuổi trung bình trên 50 tham gia thử nghiệm này.
Một nghiên cứu của Tây Ban Nha với hơn 600 người công bố hồi tháng 5 cho thấy việc tiêm liều thứ hai vắc xin của Pfizer-BioNTech cho người đã tiêm liều đầu tiên của AstraZeneca là an toàn và hiệu quả cao.
Một nghiên cứu nhỏ hơn của Đại học Saarland (Đức) cũng cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở những người tiêm kết hợp vắc xin của AstraZeneca (liều 1) và Pfizer (liều 2) so với người tiêm 2 liều AstraZeneca.
Tuy nhiên, các thử nghiệm hiện vẫn chưa xác định được kết hợp những loại vắc xin nào sẽ tạo ra miễn dịch dài nhất và giúp bảo vệ tốt nhất trước các biến thể virus.
Mũi tên trúng nhiều đích?
Các nhà khoa học gọi hình thức kết hợp vắc xin như trên là "tiêm nhắc lại khác loại" (heterologous prime-boost). Theo báo New York Times, đây không phải ý tưởng mới, các nhà nghiên cứu từng thử nghiệm phương pháp này với một vài bệnh khác như Ebola.
Năm 2019, hơn 200.000 người Rwanda đã được tiêm vắc xin ngừa virus Ebola bằng cách kết hợp hai liều của Hãng Johnson & Johnson và Bavarian Nordic A/S.
Từ lâu giới khoa học đã cho rằng việc tiêm hai liều vắc xin khác nhau có thể tạo miễn dịch mạnh hơn. Có thể vì các vắc xin này sẽ kích thích các phần khác nhau của hệ miễn dịch, hoặc chỉ cho hệ miễn dịch cách nhận biết các thành phần khác nhau của một mầm bệnh đang xâm nhập.
"Lý lẽ đó là 1 cộng 1 bằng 3" - nhà virus học John Moore tại Trường Y Weill Cornell ở New York (Mỹ) giải thích. Ông cho rằng trong trường hợp COVID-19, sẽ cần thêm các dữ liệu thực để đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp.
Theo báo Washington Post, với tình trạng thiếu vắc xin hiện nay, việc tiêm kết hợp các loại có thể trở thành chiến lược giúp chấm dứt đại dịch COVID-19. Ở các nước nguồn cung vắc xin còn khan hiếm, cách làm này có thể khắc phục tình trạng thiếu hụt và không làm đứt gãy chương trình tiêm chủng.
Theo ông Zhou Xing - nhà miễn dịch học tại Đại học McMaster (Canada), ngoài các lợi ích miễn dịch, tiêm kết hợp vắc xin còn "mang lại sự linh hoạt rất cần thiết, khi nguồn cung không đồng đều hoặc hạn chế". Theo Đài ABC (Úc), hiện một vài quốc gia như Canada, Tây Ban Nha và Hàn Quốc đã cho phép tiêm kết hợp vắc xin.
Cần thêm nghiên cứu
Với việc nhiều nơi đang xem xét "trộn vắc xin", Đài CNN đặt câu hỏi: "Liệu việc tiêm kết hợp vắc xin có thực sự bảo vệ con người tốt hơn và điều đó có cần thiết?". Nhiều nghiên cứu vẫn đang thực hiện nhằm hiểu rõ hơn lợi ích và rủi ro của phương pháp này.
Theo thử nghiệm Com-COV của Đại học Oxford, khoảng 30-40% người tiêm kết hợp hai vắc xin bị sốt sau khi tiêm liều thứ hai, so với 10-20% người tiêm hai liều cùng loại. Tuy nhiên, sốt không kéo dài.
Ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cảnh báo không tiêm kết hợp vắc xin khi sự an toàn và hiệu quả của phương pháp này chưa được đánh giá đầy đủ.
Theo Tuổi trẻ