The Truman Show: Bộ phim tiên tri và ám ảnh về số phận người nổi tiếng
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 18:12, 04/07/2021
Không chỉ là một tưởng tượng hoang đường, bộ phim đang trở thành sự thật trong thời hiện đại.
Jim Carrey đóng vai chính trong phim The Truman Show - Ảnh: PARAMOUNT
Nhìn thoáng qua, Truman Burbank có vẻ là người đàn ông hạnh phúc với công việc bán bảo hiểm ổn định, cô vợ y tá xinh đẹp Meryl (Laura Linney), hàng xóm thân thiện và cuộc sống yên bình trong ngôi nhà xinh xắn trên hòn đảo Seahaven.
Nhưng thực chất, Truman là nhân vật chính của The Truman Show, một chương trình truyền hình thực tế phát sóng 24/24 trên toàn thế giới.
Với 5.000 máy quay gắn khắp hòn đảo mà anh không hề hay biết, Truman sống một cuộc đời bị phơi bày và thao túng bởi vị đạo diễn Christof (Ed Harris). Sự hiếu kỳ của hàng triệu khán giả đã làm giàu cho chương trình trong suốt 30 năm kể từ khi Truman chào đời.
Phim The Truman Show
Những Truman giữa đời thực
Trong The Truman Show có một cảnh phim phải nói là kinh khủng nhằm thể hiện sự nghiệt ngã của truyền hình thực tế.
Đó là khi Truman bắt đầu nghi ngờ toàn bộ cuộc đời anh chỉ là sự sắp đặt giả dối. Anh nghi ngờ vợ và theo dõi cô ta, đột nhập vào tận phòng mổ ở bệnh viện để kiểm chứng.
Trước mắt Truman là một đám bác sĩ, y tá, bệnh nhân giả mạo do các diễn viên đóng, bao gồm cả Meryl. Họ vốn chỉ diễn trò phẫu thuật chứ không thể làm thật, vì tất cả đều không có chuyên môn y học.
Nhưng để Truman tin cuộc sống giả dối đó là thật, vị "bác sĩ" đã run rẩy rạch dao vào đùi cô "bệnh nhân" đang hoàn toàn tỉnh táo nằm trên giường phẫu thuật trong sự kinh hoàng của cô này.
Nguồn cảm hứng của Truman chính là công nương Diana - người đã qua đời do tai nạn vào tháng 8.1997 khi bộ phim đang trong khâu hậu kỳ.
Đạo diễn Peter Weir cho biết "vua nhạc pop" Michael Jackson cũng là một hình mẫu của Truman. Công nương Diana và Michael Jackson là hai trong số những nhân vật nổi tiếng bị chụp ảnh và săn ảnh nhiều nhất trong thế kỷ 20.
Ra đời năm 1998, cách đây 23 năm, The Truman Show chưa bao giờ thời sự như lúc này. Tạp chí Vanity Fair gọi đây là một trong những "bộ phim tiên tri ám ảnh nhất thời hiện đại".
Phơi bày và thao túng - những thứ từng khiến người ta cảm thấy đau lòng và nghiệt ngã - thì nay phổ biến khắp mọi nền tảng và lĩnh vực, mang lại lợi lộc cho rất nhiều người nhưng cũng gây ra những tổn thương không thể đo đếm.
Có những người biến mình thành "Truman" một cách tự nguyện như gia đình Kardashian và chương trình thực tế siêu lợi nhuận của họ.
Khắp Facebook, TikTok, YouTube, đầy rẫy những con người tự mình ghi lại mọi hoạt động trong cuộc sống của mình và trở nên nổi tiếng nhờ đó. Họ tự phơi bày, tự thao túng, hoặc bị mạng xã hội và sự nổi tiếng thúc đẩy làm điều đó.
Tài tử Jim Carrey nhận vai diễn Truman vào cuối thập niên 1990 khi đã là sao hạng A ở Hollywood. Anh có những trải nghiệm tương đồng với Truman. Đó là việc thợ săn ảnh bám theo anh khắp mọi nơi, gắn cả máy ảnh ở vườn nhà hay bám theo anh trong chuyến nghỉ mát riêng tư với vợ.
Phơi bày, nhạo báng và nghịch lý
Ở Hollywood, anh không phải là ngôi sao duy nhất khốn khổ vì những trải nghiệm này. Một trong những nạn nhân điển hình nhất là Britney Spears.
Cuộc đời Britney không khác nào một chương trình truyền hình thực tế như The Truman Show, dù không phát 24/24 trên toàn thế giới.
Thợ săn ảnh bám riết Britney từ khi cô nổi tiếng và chụp cô trong những khoảnh khắc "kinh khủng" nhất. Đó là bức ảnh Britney cạo đầu khi khủng hoảng tâm lý vào năm 2007 và bức ảnh Britney ôm con khóc vào năm 2006.
Năm 2006, trong một lần bế con trai Sean Preston ra ngoài, Britney bị hơn 300 thợ săn ảnh bám theo.
Cô bế con chạy khỏi đám đông, vào một quán cà phê xin giúp đỡ nhưng trước sự ngỡ ngàng của cô, những người trong quán cũng bỏ mặc và cười nhạo mẹ con cô. Hình ảnh Britney ôm con nhỏ, mắt đỏ hoe đầy bơ vơ khiến ai cũng phải đau lòng về cách một người mẹ bị phơi bày và nhạo báng trước thế giới.
Và đến nay, cuộc đấu tranh giành tự do, chống lại quyền bảo hộ của Britney cũng tương tự: nó diễn ra trước toàn thế giới.
Người ta đang cổ vũ Britney như các khán giả trong bộ phim từng cổ vũ Truman, nhưng có chắc là chúng ta chân thành mong muốn cho họ một tương lai tốt đẹp, hay đó cũng chỉ là sự hiếu kỳ mong được xem một người "vượt lên nghịch cảnh"?
Cũng như Truman, điều Britney khao khát là được sống cuộc sống của chính mình, có quyền kiểm soát chính cuộc đời mình.
Trước những điều đang diễn ra mỗi ngày, nhất là khi con người bị kìm kẹp bởi dịch bệnh, bị tước đi những cơ hội từng rất lớn lao, chúng ta càng nhận ra rằng đôi khi quyền kiểm soát của mình thật ít ỏi.
Một nghịch lý khác từ The Truman Show là cuộc đời bị bó buộc của Truman hóa ra lại có sức mạnh truyền cảm hứng tới hàng triệu khán giả trong bộ phim ấy. Nhìn từ bên ngoài, họ cảm thấy anh có một cuộc đời hoàn hảo.
Britney Spears cũng vậy, cô là "công chúa pop" được hàng triệu người hâm mộ và lấy làm hình mẫu. Cuộc sống và danh tiếng của cô từng là mơ ước của hàng triệu cô gái trẻ. Và bên trong "cuộc đời hoàn hảo" ấy là rất nhiều đau khổ, bất công.
Những kẻ thao túng khổng lồ
Bên cạnh Truman, nhân vật Christof - vị đạo diễn tài năng, giỏi thao túng và có nhân cách méo mó - cũng là một hình tượng điển hình xuất sắc của The Truman Show.
Tạp chí Far Out so sánh Christof với các gã khổng lồ công nghệ ngày nay, những người có thể tạo ra thế giới rộng lớn của riêng họ, khiến tất cả chúng ta đều bị cuốn vào và bị thao túng.
Trong phim, Christof có thể phải cúi đầu. Nhưng ngoài đời, những con người như ông ta đang chi phối mọi mặt của đời sống.
Theo Tuổi trẻ