Doanh nhân 9X với những sản phẩm da thủ công cao cấp
Công nghiệp - Ngày đăng : 18:35, 04/07/2021
Bằng bàn tay, khối óc, sự kiên trì theo đuổi đam mê, anh Cao Văn Quynh đã làm giàu từ sản xuất những sản phẩm cao cấp trên chính quê hương mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tìm hướng đi mới
Để thu được “trái ngọt” từ nghề chế tác, thiết kế da thủ công, anh Cao Văn Quynh (sinh năm 1991) đã trải qua không ít gian nan.
Anh tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa của Trường Đại học Hòa Bình, và đã có một thời gian ngắn theo đuổi giấc mơ trở thành họa sĩ sáng tạo tranh sơn mài nhưng không thành công. Sau đó, anh quyết định rẽ sang hướng mới, làm thêm cho một cơ sở chế tác da thủ công. Đây là bước ngoặt thay đổi cả cuộc đời, đưa anh đến với con đường sản xuất da thủ công cao cấp.
Bước đầu làm quen với da, anh đã học cách cắt, mài, khâu, thiết kế từ những sản phẩm đơn giản nhất như ví, dây lưng. Anh có thể ngồi hơn chục tiếng đồng hồ liên tục để cắt, mài, khâu, gửi những ý tưởng độc đáo của mình vào từng sản phẩm. Từ những tấm da trơn đơn giản, qua hàng trăm giờ lao động miệt mài, anh đã tạo ra rất nhiều sản phẩm có mẫu mã, phong cách nghệ thuật độc đáo, khiến nhiều người đi trước trong nghề phải trầm trồ, khen ngợi. Trong thời gian học nghề, anh Quynh may mắn được tiếp xúc với một nguyên liệu khá đặc biệt, đó là da thuộc thảo mộc. Đây là loại da cao cấp, thân thiện với môi trường. Da lấy từ gia súc nhưng không thuộc bằng phương pháp truyền thống mà thuộc bằng các chất thảo mộc. Vì thế loại da này có hương thơm dễ chịu, độ bền cao, lên màu tự nhiên trong quá trình sử dụng. Sản phẩm từ da thuộc thảo mộc có giá cao do nguyên liệu đắt đỏ, sản xuất hoàn toàn thủ công, thị trường chưa nhiều người biết đến.
Dù thấy rõ khó khăn ở phía trước nhưng anh Quynh vẫn quyết tâm, nhanh chóng xác định cơ hội cho riêng mình và mạnh dạn đi theo con đường sản xuất sản phẩm này. Theo đuổi một nghề khá mới lạ và có tiềm năng, anh Quynh những tưởng sẽ được gia đình ủng hộ nhưng trái lại vì lo lắng cho tương lai của con nên bố mẹ anh một mực phản đối. Giống như nhiều bậc sinh thành khác, bố mẹ luôn muốn anh có một công việc ổn định tại một doanh nghiệp. Gia đình không muốn anh mạo hiểm dành cả tuổi trẻ của mình để đeo đuổi một nghề đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như phải am hiểu thương trường. Bởi ai cũng hiểu giai đoạn đó ngành da thủ công trong nước còn nhiều khó khăn về nguyên liệu, phụ liệu, công cụ... “Có lần tôi muốn làm một chiếc túi mà chỉ riêng đặt mua nguyên liệu với dụng cụ sản xuất từ nước ngoài đã mất cả tháng trời. Lúc đó đúng là khó thật, vốn thì không có, đơn hàng lúc có, lúc không nhưng bản thân tôi luôn muốn thử thách chính mình, làm những việc mà người khác không dám”, anh Quynh cười nhớ lại giai đoạn bước vào nghề gian khổ ấy.
Thỏa sức sáng tạo
Vượt qua những khó khăn trước mắt, quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn, anh sử dụng nguồn vốn ít ỏi tích cóp được từ khi đi học nghề, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, đọc, tìm hiểu nghề qua sách báo. Là một người chỉn chu, tỉ mỉ, anh Quynh cho rằng khi làm đồ da thủ công cũng chính là khi người thợ sáng tạo nghệ thuật vì sản phẩm hoàn toàn được làm bằng những đôi tay khéo léo, mang nét tinh tế và sáng tạo. Mỗi sản phẩm có một vẻ đẹp riêng, khác biệt, không lặp lại như các sản phẩm sản xuất hàng loạt bằng máy móc. Mỗi sản phẩm hoàn thành anh đều đăng tải lên Facebook, Zalo, Instagram... để giới thiệu, quảng bá nên dần nhiều khách hàng biết tới.
Khi đơn đặt hàng nhiều hơn, anh mở xưởng sản xuất tại thị trấn Thanh Hà, thuê thêm người về làm. Anh Quynh yêu cầu mỗi người thợ phải chăm chút cho sản phẩm của mình hoàn hảo trước khi đến tay người sử dụng nên các sản phẩm của xưởng ngày càng được nhiều người yêu thích. Năm 2018, sau 4 năm cung cấp những sản phẩm chất lượng tốt, có đầu ra ổn định, anh quyết định thành lập Công ty CP TD Quyn chuyên chế tác, sản xuất sản phẩm từ da thủ công như túi xách, thắt lưng, dây đồng hồ, ví... và nhiều phụ kiện khác. Từ vài người thợ lúc đầu, đến nay công ty đã có hơn 30 thợ lành nghề tại xưởng sản xuất ở xã Thanh Xá và đội ngũ văn phòng, quảng cáo lên đến hơn 20 người làm việc tại TP Hà Nội.
Anh Quynh đã tỉ mỉ tự mình thiết kế xưởng sản xuất theo một phong cách riêng để có thể kích thích sự sáng tạo của mỗi người. Đến thăm xưởng sản xuất của công ty, ngay từ cổng vào đã nghe thấy âm thanh lộc cộc của những chiếc búa gõ vào tấm da trong công đoạn chế tác túi, ví... Xưởng gồm 2 phòng làm việc với hơn 30 người thợ. Mỗi người có một không gian sáng tạo riêng trên chiếc bàn của mình với đầy đủ thước, kim, chỉ, kéo, búa, kìm… Họ cần mẫn như những con ong chăm chỉ. Bên cạnh dãy bàn ghế là góc tủ xinh xắn, gọn gàng đặt những tấm da thảo mộc. Trên mỗi chiếc bàn, những người thợ cẩn thận đo, cắt, kỹ càng lựa chọn màu chỉ phù hợp với màu da sản phẩm, tỉ mỉ khâu từng mũi kim, đường chỉ đều tăm tắp… Ai ai cũng miệt mài, kiên nhẫn. Thời gian sản xuất một sản phẩm từ 2-20 ngày, một số sản phẩm với yêu cầu khác biệt có thể mất nhiều tháng mới hoàn thiện.
Ngoài sản phẩm sẵn có đáp ứng đa số khách hàng thì công ty cũng nhận đặt hàng theo yêu cầu nhằm thỏa mãn “gu” thẩm mỹ của người tiêu dùng. Nhờ sự nỗ lực của cả tập thể, sản phẩm của công ty đã được bảo hộ, có thương hiệu. Nếu ai sành về đồ da sẽ không còn xa lạ với các sản phẩm của công ty mang nhãn hiệu Quyn. Với yêu cầu cao, đòi hỏi sức sáng tạo trong chế tác, thiết kế nên các sản phẩm của công ty hướng đến thị trường cao cấp. Có nhiều sản phẩm được đặt với giá từ vài triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng; một số sản phẩm trở thành tâm điểm săn đón của các “tín đồ” thời trang.
Mỗi sản phẩm da thủ công nhãn hiệu Quyn có giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng
Tạo cơ hội cho người yếu thế
Không chọn những thành phố lớn, anh Quynh chọn về quê Hải Dương để phát triển tình yêu của mình với sản phẩm da. “Quê tôi người dân quanh năm vất vả trồng vải. Ngoài ngày mùa, đa số mọi người có thời gian mà không có việc làm ổn định. Vì vậy tôi thực lòng muốn mang nghề về quê để chia sẻ với những người khác, giúp nhiều người có công việc ổn định ngay tại quê nhà”, anh Quynh chia sẻ.
Đồng hành cùng với anh Quynh, các thợ thủ công ở đây không chỉ được anh tận tình truyền nghề mà còn được tạo mọi điều kiện để thỏa sức sáng tạo nghệ thuật trên những tấm da. Họ làm việc 8 giờ/ngày, với mức thu nhập từ 8-20 triệu đồng/người/tháng tùy từng vị trí và bậc thợ. Các thợ nghề làm cho anh chủ yếu là thanh niên, những người mắt sáng, tay nhanh, nhưng trong đó có 2 người thợ đặc biệt là người khuyết tật. Dạy nghề cho người thợ bình thường cần 1 phần công sức thì dạy nghề cho người khuyết tật anh Quynh phải cố gắng gấp nhiều lần để họ có thể làm tốt nghề. Thế nhưng anh Quynh không nản mà càng dành nhiều thời gian hướng dẫn, khuyến khích họ hơn.
“Thời gian đầu học nghề tôi chỉ biết ôm mặt khóc vì nhìn vào tấm da vô tri, vô giác, không biết nên bắt đầu từ đâu, phải làm gì dù đã được hướng dẫn tỉ mỉ. Được anh Quynh chỉ dạy, dành sự quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, từng bước hỗ trợ, động viên nên tôi đã vượt qua mặc cảm, trở thành thợ lành nghề với mức thu nhập đáng mơ ước”, một người thợ khuyết tật tại công ty nhớ lại những ngày đầu đến làm việc tại công ty của anh Quynh.
Không chỉ dạy nghề cho người khuyết tật, anh Quynh cũng nhận người từng vướng vòng lao lý, trao cơ hội cho người đó làm lại cuộc đời. Và giờ đây, những người như vậy lại trở nên hiền lành, điềm tĩnh, kiên trì với từng sản phẩm do chính mình làm ra. Khi những người yếu thế đã vượt qua được mặc cảm của bản thân thì họ toàn tâm toàn ý với công việc. Họ chăm chút cho sản phẩm của mình như nuôi dưỡng một đứa con tinh thần. Nhiều người đã thành thợ giỏi trong xưởng. Đối với anh, giúp được một người cũng như giúp chính mình và ở nơi luôn đề cao nghệ thuật này, anh cũng luôn trân quý những người dồn tâm sức cho tác phẩm của mình, quan tâm họ như người thân trong nhà.
Mỗi tháng doanh thu của công ty đạt từ 4-5 tỷ đồng. Hiện cơ sở tuy không lớn nhưng anh Quynh luôn yên tâm vì lượng khách ổn định. Anh cũng mong muốn thời gian tới có thể mở rộng xưởng để chế tác, sản xuất với quy mô lớn hơn.
MINH NGUYỆT