Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Người dân mong sớm được nhận tiền

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:34, 06/07/2021

Dịch Covid-19 kéo dài làm nhiều người lao động và sử dụng lao động lâm vào cảnh khốn khó. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ sẽ phần nào giúp họ vơi bớt khó khăn.


Nhiều lao động tự do mong sớm nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68

Dịch Covid-19 kéo dài đang ảnh hưởng xấu đến mọi mặt đời sống xã hội. Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1.7 đã đáp ứng mong mỏi của người dân.

Chính sách nhân văn

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 tập trung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, bảo đảm đời sống cho người dân. Đây không phải lần đầu tiên Đảng và Nhà nước có quyết sách mang tính nhân văn như vậy. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng nhằm ổn định cuộc sống cho 20 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Số tiền từ gói hỗ trợ tuy không lớn nhưng rất ý nghĩa, giúp những người nghèo, mất việc làm, thu nhập bấp bênh... có thể vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ông Mai Huy Bình (59 tuổi) ở phố Bắc Sơn, phường Quang Trung (TP Hải Dương) lái xe ôm đã 14 năm nay. Trước khi xảy ra dịch Covid-19, mỗi ngày ông có thu nhập khoảng 70.000 đồng. Từ khi có dịch, nhu cầu đi lại của người dân hạn chế nên thu nhập của ông Bình giảm 70-80%. Trong đợt hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ông được nhận 1 triệu đồng. "Biết thông tin sắp tới diện lao động như tôi tiếp tục được nhận hỗ trợ, tôi rất phấn khởi. Số tiền này bằng tôi lái xe ôm cả tháng", ông Bình nói.

Do dịch bệnh, các hộ kinh doanh như bán hàng ăn uống, làm đẹp, giải trí... cũng bị ảnh hưởng. Nhiều hộ không có thu nhập, nhân viên phải nghỉ việc trong khi vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh. Chị Vương Thị Hường (38 tuổi) bán hàng ăn sáng ở 161 phố Bạch Đằng (TP Hải Dương) cho biết từ đầu năm đến nay, cửa hàng phải đóng cửa 3,5 tháng để phòng chống dịch. Thu nhập không có trong khi vẫn phải trả tiền thuê nhà 8 triệu đồng/tháng. Chị là mẹ đơn thân, 2 con còn nhỏ. Chị Hường cho biết mấy hôm nay quán được mở cửa trở lại nhưng lượng khách giảm 60-70% so với khi chưa có dịch. "Đợt trước tôi được hỗ trợ 1 triệu đồng. Lần này nghe tin sẽ được hỗ trợ tiếp 3 triệu đồng, tôi mừng lắm. Ít nhiều cũng giúp tôi thêm thắt để trả tiền thuê nhà", chị Hường chia sẻ.

Theo Nghị quyết 68, gói hỗ trợ lần này đã mở rộng ra nhiều đối tượng hơn như đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch... Trong đó, sẽ hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn... Chị Đỗ Thị Hào (28 tuổi) công tác tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh 10 năm nay. Hiện chị Hào là diễn viên múa hạng IV. "Do dịch Covid-19 nên hơn 1 năm nay chúng tôi không đi biểu diễn được, thu nhập giảm sâu. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, chúng tôi thấy rất vui và mong sớm nhận được tiền hỗ trợ", chị Hào nói.


Nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng

Không bỏ sót đối tượng

Hải Dương đã có 172.926 người nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ với hơn 210 tỷ đồng. Trong đó có 10.941 người thuộc các nhóm lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động...

Ông Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ một cách đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Việc triển khai hỗ trợ kịp thời, chặt chẽ, minh bạch, không xảy ra trục lợi chính sách. Từ kinh nghiệm đợt hỗ trợ theo Nghị quyết 42, thời gian tới khi có hướng dẫn cụ thể của Trung ương, ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ phối hợp tham mưu cho tỉnh nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68. "Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo đúng các nguyên tắc là bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không bỏ sót, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách", ông Tùng nói.

TP Hải Dương có số người được chi trả theo Nghị quyết 42 nhiều nhất tỉnh với trên 21.000 trường hợp, trong đó có hơn 5.700 người thuộc nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, lao động bị mất việc làm; hộ kinh doanh.

Theo ông Trương Văn Lừng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hải Dương, thời gian tới thành phố sẽ tích cực tuyên truyền tới người dân về nội dung của Nghị quyết 68. Đối với lao động tự do, các thôn, khu dân cư sẽ tích cực rà soát, lập danh sách, bình xét và niêm yết công khai. UBND các phường, xã sẽ trình danh sách để UBND thành phố thẩm định trên tinh thần bảo đảm công bằng, minh bạch. Các đối tượng còn lại, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ lập danh sách gửi về UBND thành phố để các phòng, ban liên quan phối hợp thẩm định và hỗ trợ kịp thời theo quy định.

THẾ ANH