Cách xử lý môi trường trong chăn nuôi
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:23, 07/07/2021
Chăn nuôi có vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp và có ý nghĩa thiết thực với đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân, góp phần tăng thu nhập và là cơ hội làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, nếu không biết xử lý thì chất thải trong chăn nuôi sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe của con người. Để chăn nuôi phát triển bền vững, công tác xử lý môi trường phải được thực hiện tốt và triệt để.
Dưới đây là một số biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi:
Thứ nhất là xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas (công trình khí sinh học): Xử lý chất thải chăn nuôi bằng công trình khí sinh học được đánh giá là giải pháp hữu ích đối với chăn nuôi nông hộ. Hiện nay, việc sử dụng hầm biogas đang được người chăn nuôi quan tâm vì vừa bảo vệ được môi trường, vừa có thể thay thế chất đốt, hay có thể được sử dụng để tạo ra điện dùng trong sinh hoạt. Người chăn nuôi cần chú ý đến quy mô, diện tích trang trại để quyết định lựa chọn công nghệ hầm xây hoặc hầm nhựa, hoặc hồ phủ bạt cho phù hợp.
Thứ hai là xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học như men sinh học hoặc chăn nuôi trên đệm lót sinh học: Có một số loại men được sử dụng để trộn vào thức ăn, nước uống vừa làm tăng tỷ lệ tiêu hóa thức ăn, vừa giảm mùi hôi thối trong phân và nước tiểu, hoặc có loại được dùng để phun, rắc vào nền chuồng hoặc nước thải để giảm ô nhiễm môi trường. Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là dùng nguyên liệu gồm mùn cưa, trấu, phoi bào trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm.
Thứ ba là xử lý chất thải bằng ủ phân hữu cơ (Compost): Nguyên liệu ủ phân gồm phế phụ phẩm trồng trọt, phân động vật để làm phân bón cho cây trồng. Phân sau khi ủ hảo khí trở nên tơi xốp và không có mùi hôi thối. Đây được coi là một trong những hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp hữu cơ.
Thứ tư là xử lý bằng công nghệ ép tách phân: Đây là công nghệ xử lý phân hiện đại dựa trên nguyên tắc “lưới lọc”. Khi hỗn hợp chất thải đi vào máy ép qua lưới lọc thì các chất rắn được giữ lại, ép khô và ra ngoài để xử lý, còn lượng nước theo đường riêng chảy ra ngoài hoặc cho xuống bể khí sinh học để xử lý tiếp. Độ ẩm của phân khô có thể được điều chỉnh tùy theo mục đích sử dụng. Máy ép có thể tách các tạp chất rất nhỏ trong chất thải chăn nuôi, tùy theo tính chất của chất rắn mà có các lưới lọc phù hợp.
Ngoài ra, người chăn nuôi còn có thể sử dụng một số biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi khác như: xử lý nước thải sau biogas bằng hệ thống tưới; xử lý chất thải chăn nuôi bằng biện pháp nuôi giun quế; xử lý nước thải bằng biện pháp sục khí cũng cho kết quả tốt và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
MINH HỒNG (tổng hợp)