Thành Rome không thể xây trong 1 ngày... và đội tuyển Anh cũng vậy

Quốc tế - Ngày đăng : 11:11, 10/07/2021

Việc Tam sư có lần đầu tiên góp mặt ở chung kết một giải đấu lớn kể từ năm 1966 đương nhiên có thể xem là thành công, và thành công ấy là hệ quả của cả một quá trình dài.

Cách đây hơn 500 năm, nhà soạn kịch người Anh John Heywood từng có câu nói nổi tiếng “Thành Rome không thể xây trong một ngày”. Câu nói trên đại ý nhắc nhở mọi người về thời gian cần thiết để đạt được những thứ tuyệt vời chắc chắn không thể diễn ra một sớm một chiều.

Điều này hoàn toàn đúng với đội tuyển Anh của huấn luyện viên (HLV) Gareth Southgate vào thời điểm hiện tại. Để có thể vượt qua tất cả các chướng ngại vật trên hành trình dẫn đến trận chung kết, điều tiên quyết là tuyển Anh cần phải có đội hình chất lượng cao được xây dựng một cách công phu, chứ không thể dựa vào mỗi yếu tố may mắn. 

Đội hình ấy gồm rất nhiều cầu thủ trẻ nhưng không hề non kinh nghiệm. Đơn cử như trường hợp của tiền vệ Mason Mount vừa cùng Chelsea vô địch Champions League 2020/21, hay chuyên gia chạy cánh Jadon Sancho sau vài năm tung hoành ở Bundesliga sẽ rời Dortmund để chuyển sang khoác áo MU khi EURO 2020 kết thúc.

ĐT Anh đã giành vé tham dự trận chung kết một giải đấu lớn sau nhiều năm chờ đợi

Đội tuyển Anh đã giành vé tham dự trận chung kết EURO 2020

Nên biết, Sancho mới 21 tuổi nhưng đã được nhiều người biết đến từ 2017, là năm đại thành công với bóng đá Anh. Đó là năm mà anh cùng với người đồng đội cũ ở Man City là Phil Foden cùng đội tuyển U17 Anh lần đầu tiên đăng quang tại giải trẻ thế giới.

2017 cũng là năm chứng kiến đội U19 Anh của Reece James và Mason Mount cuối cùng cũng thỏa ước mơ "lên đỉnh" châu Âu. Chưa hết, đây còn là năm Dominic Calvert-Lewin ghi bàn duy nhất vào lưới Venezuela trong trận chung kết giải U20 thế giới giúp đội U20 Anh vô địch.

Chỉ riêng việc các đội U17, U19 và U20 Anh giành đến 3 danh hiệu lớn trong năm 2017 đã cho thấy nền bóng đá nước này rất chú trọng công tác đào tạo trẻ và về cơ bản thì mọi thứ đã đi đúng hướng.

4 năm sau thành công bước đầu ở các đội trẻ, những Foden, Sancho, Mount hay Reece James đã trưởng thành hơn để bây giờ trở thành nòng cốt của tuyển Anh sắp được đá trận chung kết giải đấu lớn đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi.

ĐT Anh đá với Đan Mạch với đội hình có độ tuổi trung bình chỉ là 25

Đội tuyển Anh đá với Đan Mạch với đội hình có độ tuổi trung bình chỉ là 25

Người ta thống kê được rằng, khi đội tuyển Anh bước vào trận bán kết với Đan Mạch, HLV của họ đã tung ra sân đội hình xuất phát với độ tuổi trung bình chỉ là 25. So với đội hình tuyển Anh đá bán kết EURO 1996 với Đức, độ tuổi trung bình của Tam sư trận vừa rồi trẻ hơn đến 3 tuổi. Cách đây 3 năm, tuyển Anh đá bán kết World Cup 2018 với đội hình xuất phát cũng khá trẻ, nhưng độ tuổi trung bình vẫn cao hơn trận đấu vừa rồi 1 tuổi.

Nói vậy để thấy, HLV Southgate của tuyển Anh là người thích đặt niềm tin vào thế hệ trẻ đến thế nào. Vấn đề là ông không thể sử dụng những quân bài với độ tuổi trung bình thấp đến vậy nếu Tam sư thiếu vắng lực lượng trẻ thực sự tài năng. 

Với thế hệ cầu thủ này, tuyển Anh có cơ hội thay đổi định kiến nặng nề rằng họ chỉ là con hổ giấy do truyền thông bơm thổi bao năm nay, qua đó chính thức bước vào hàng ngũ tinh hoa của bóng đá thế giới.

Có thể thể khẳng định, thuyền trưởng tuyển Anh may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khi có trong tay những quân bài đang trong giai đoạn cự kỳ sung sức như Saka, Foden, Sancho, James hay Bellingham. Tuy nhiên, may mắn không từ trên trời rơi xuống mà nó được tạo ra từ những bước đi đúng đắn của FA và các câu lạc bộ hàng đầu nước Anh trong công tác xây dựng lực lượng trẻ.

Theo Bongdaplus