Ý kiến về Hội nghị Trung ương 3: Hoàn thiện pháp luật, xóa bỏ "cơ chế xin-cho"
Tin tức - Ngày đăng : 16:00, 10/07/2021
Toàn cảnh bế mạc Hội nghị Trung ương 3. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Từ ngày 5.7 đến ngày 8.7, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ 3 để thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng.
Đảng viên và nhân dân ở Hà Nội đã bày tỏ sự ủng hộ cao đối với những nội dung được đưa ra bàn bạc, thảo luận và quyết nghị tại Hội nghị.
Những nội dung có ý nghĩa quan trọng
Theo dõi diễn biến, nội dung Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa XIII), Bí thư Đảng ủy xã Phú Thị (huyện Gia Lâm) Trần Kiên bày tỏ sự tin tưởng vào những giải pháp mà Hội nghị đưa ra để thực hiện các kế hoạch nhằm đạt được những mục tiêu tổng quát cho cả nhiệm kỳ.
Cụ thể là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, để đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế…
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, trước hết là do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm.
Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa XIII) cũng đã chỉ rõ những khó khăn, thách thức do dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm hơn trước, có thể còn tiếp tục lan rộng, kéo dài, tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thị trường tài chính-tiền tệ, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng, địa bàn và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Từ đó nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với mỗi Ủy viên Trung ương Đảng phải nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu thực hiện và lãnh đạo tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này.
Theo ông Trần Kiên, những nội dung được Trung ương đưa ra xem xét, quyết định tại Hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm, coi đây là một bước cụ thể hóa sớm và kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đặc biệt ấn tượng với phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị “Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xóa bỏ cơ chế 'xin, cho'; chống tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong đầu tư công; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc giải ngân thực hiện dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình...," ông Trần Kiên cho biết đây là những nội dung có ý nghĩa rất quan trong được cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức quan tâm.
Theo ông Trần Kiên để xóa kẽ hở, "cơ chế xin-cho," phòng, chống tham nhũng, Đảng đoàn Quốc hội cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ "cơ chế xin-cho” trong quản lý kinh tế-xã hội; tiếp tục cụ thể hóa, quy định rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước.
Bên cạnh đó, công tác giám sát, tập trung giám sát những vấn đề lớn trong đời sống kinh tế-xã hội liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tập trung đôn đốc theo dõi, giám sát việc thực hiện kết luận sau giám sát.
Trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế-xã hội
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự bế mạc Hội nghị Trung ương 3. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Theo ông Trương Minh Tiến, Ủy viên Hội đồng Tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trung ương đã có những trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế-xã hội.
Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa XIII của Đảng diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5.7 đến ngày 8.7 đã thành công tốt đẹp.
Là một đảng viên, ông Trương Minh Tiến luôn dõi theo diễn biến, kết quả của hội nghị và rất phấn khởi, tin tưởng vào những quyết sách của Đảng. Hội nghị lần này là sự cụ thể hóa một bước nhiều nội dung quan trọng nhằm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Ông Trương Minh Tiến cũng như các đảng viên và nhân dân nhận thức rằng ngoài việc quyết nghị những vấn đề quan trọng của Đảng sau mỗi kỳ đại hội, Nghị quyết Trung ương 3 lần này là cơ sở để định hướng, lãnh đạo cho kỳ họp Quốc hội lần thứ nhất tiếp tục thảo luận, quyết nghị những vấn đề quan trọng để điều hành đất nước như: kiện toàn, sắp xếp bộ máy nhà nước ở Trung ương; quyết nghị kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và 5 năm tới (2021-2025).
Đặc biệt, trong bài phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Hội nghị đã thống nhất trong 6 tháng đầu năm, phát triển kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Trung ương cũng thẳng thắn lưu ý và chỉ rõ rằng trong 6 tháng đầu năm vừa qua, lĩnh vực kinh tế-xã hội vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra; đất nước vẫn đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn.
Việc xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia cần thấy hết những thuận lợi, thời cơ cũng như những khó khăn, thách thức để xác định một cách đúng đắn, khoa học và có cơ sở thực tế mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể về tài chính-ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội.
Đáng chú ý, về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, Tổng Bí thư đề nghị cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm cho được các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu để đề ra các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; giải ngân chậm, nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, thua lỗ, thất thoát, lãng phí... Cần tập trung rà soát, loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết để ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách của quốc gia và các ngành, lĩnh vực.
Ông Trương Minh Tiến nhận thức rằng Trung ương xác định, để đạt mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì thực hiện đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Vì vậy, trong triển khai lần này tiếp tục loại bỏ "cơ chế xin-cho," đầu tư có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, chống tiêu cực, lãng phí.
Theo TTXVN