Sự kiện nổi bật ngày 10.7

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 18:37, 10/07/2021

Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc là sự kiện nổi bật ngày 10.7.

TRONG NƯỚC


Ngày 10.7, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc, được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành, 7 quân khu cùng các bộ, ngành. Phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi mỗi người dân coi việc thực hiện tiêm chủng phòng chống Covid-19 là quyền lợi và trách nhiệm công dân. Việc tiêm chủng không chỉ để bảo vệ chính chúng ta, mà còn để bảo vệ gia đình, cộng đồng và xã hội. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Lễ phát động triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn quốc. Ảnh: Dương Giang-TTXVN


Ngày 10.7, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự Hội nghị công bố Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của Tỉnh uỷ Bình Dương. Theo đó, Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bình Phước nhiệm kỳ 2020 - 2025, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong ảnh: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao Quyết định của Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Lợi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Chí Tưởng - TTXVN


Ngày 10.7, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2021 tiến hành phiên họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng. Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, để bảo đảm yêu cầu phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Quyết định về đặc xá năm 2021 được ban hành vừa bảo đảm quy định của Luật Đặc xá năm 2018 nhưng vẫn phải chặt chẽ như đặc xá các lần trước đây. Đợt đặc xá lần này được thực hiện trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, do đó Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải phân công cụ thể trách nhiệm để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm an toàn, khách quan, nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra sai sót. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Ngày 10.7, ngay sau khi nhận hơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 do Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội), Bộ Y tế đã yêu cầu chuyển gấp 1 triệu liều vào TP Hồ Chí Minh để kịp thời giúp địa phương này chống dịch đang diễn biến rất phức tạp. Trong ảnh: Hơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sáng 10.7. Ảnh: Cương Quyết – TTXVN


Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn thành phố giám sát, quản lý chặt người đến/về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có dịch, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc. Với những người đã đến TP Hồ Chí Minh từ 23.6 - 7.7 và đã khai báo y tế trên phần mềm https://tokhaiyte.vn hoặc được rà soát thực tế tới thời điểm lấy mẫu trên địa bàn, cơ quan y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, khuyến cáo người dân tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc đến khi đủ 14 ngày kể từ ngày cuối cùng rời TP Hồ Chí Minh và có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong ảnh: Sáng 10.7, Trung tâm y tế quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người trở về từ TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN


Liên quan đến vụ vận chuyển trái phép 51 kg vàng qua biên giới, bị Công an tỉnh An Giang phát hiện, triệt phá vào tháng 10.2020, sáng 10.7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đã bắt giữ theo quyết định truy nã đặc biệt nguy hiểm đối tượng Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường), sinh năm 1969, ngụ tại ấp Phước Thọ, xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang. Ngoài ra, cơ quan Công an cũng bắt giữ 7 đối tượng liên quan trong vụ án "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới". Trong ảnh: Các đối tượng liên quan đến vụ án Mai Thị Ngọc Phấn, Nguyễn Văn Lê và Phạm Thanh Sang bị công an bắt giữ. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

QUỐC TẾ


Ngày 9.7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã gia hạn nghị quyết cho phép vận chuyển hàng cứu trợ cho Syria qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi Nga và Mỹ, hai trong năm nước ủy viên thường trực, nhất trí một thỏa hiệp vào phút cuối phiên đàm phán nhằm bảo đảm cho hàng triệu người dân Syria được viện trợ trong 12 tháng tới. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc gia hạn nghị quyết vận chuyển hàng cứu trợ cho Syria, tại New York (Mỹ) ngày 9.7. Ảnh: THX/TTXVN


Liên minh châu Âu (EU) và Anh vẫn đang "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" về chi phí dàn xếp "ly hôn" Brexit. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 9.7, Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ liên minh đã hoàn tất việc ước tính chi phí "ly hôn", trong bối cảnh cả Brussels và London đều đưa ra những tính toán khác nhau. Theo đó, tháng trước EU thông báo Chính phủ Anh nợ Brussels 47,5 tỷ euro (56,5 tỷ USD) và cần phải trả trong nhiều năm. Tuy nhiên, người phát ngôn của Chính phủ Anh cho rằng ước tính của nước này về Brexit vẫn chỉ ở mức từ 41-45 tỷ euro. Theo quan chức trên, London sẽ không công nhận con số cao hơn mà EU đưa ra. Trong khi đó, người phát ngôn EU xác nhận Anh đã trả đúng hạn và đầy đủ khoản tiền đầu tiên trong hóa đơn trị giá 6,8 tỷ euro, phải thanh toán cho năm 2021. Trong ảnh (tư liệu): Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) trong cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen để thảo luận về thỏa thuận hậu Brexit tại Brussels, Bỉ ngày 9.12.2020. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngày 9.7, Chính phủ Haiti đã đề nghị Liên hợp quốc và Mỹ gửi binh sĩ giúp quốc gia này bảo vệ an ninh, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng quan trọng, sau khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hôm 7.7 vừa qua. Bộ trưởng phụ trách bầu cử Haiti Mathias Pierre cho biết Chính phủ nước này đã đề nghị Mỹ cử khoảng 500 binh sĩ bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng gồm hải cảng, sân bay và hệ thống năng lượng. Haiti lo ngại lực lượng lính đánh thuê có thể sẽ phá hủy các cơ sở hạ tầng để gây bất ổn cho nước này. Trong ảnh: Các vũ khí thu giữ được trong vụ sát hại Tổng thống Haiti Jovenel Moise được trưng bày trong cuộc họp báo tại Port-au-Prince. Ảnh: THX/TTXVN


Chính quyền một số tỉnh miền Nam Nhật Bản đã phát lệnh sơ tán đối với hơn 120.000 người trong bối cảnh khu vực này có mưa lớn trong ngày 10.7. Quyết định trên được đưa ra sau khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản phát đi cảnh báo mưa lớn ở cấp độ cao nhất đối với 3 tỉnh thuộc đảo Kyushu là Kagoshima, Miyazaki và Kumamoto. Mưa lớn được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trên đảo Kyushu trong bối cảnh Nhật Bản đang vào cuối mùa mưa. Cách đây một tuần, đợt mưa lớn đã gây sạt lở đất tại thành phố duyên hải Atami, thuộc tỉnh Shizuoka (miền Trung Nhật Bản). Có ít nhất 9 người thiệt mạng trong vụ sạt lở này, hơn 130 ngôi nhà bị phá hủy hoặc vùi lấp, trong khi vẫn còn 20 người mất tích. Trong ảnh: Nhà cửa bị phá hủy trong vụ lở đất ở Atami, tỉnh Shizuoka ngày 4.7. Ảnh: THX/TTXVN