"4 nên, 2 tránh" khi hướng dẫn trẻ tập viết
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:38, 11/07/2021
Cô giáo Trường tiểu học Trần Phú, TP Hà Tĩnh hướng dẫn học sinh lớp 1 tập viết
Để viết đúng, viết đẹp, bên cạnh sự gắng công luyện rèn của trẻ dưới sự dạy dỗ tận tình của thầy, cô giáo, cần có thêm sự giúp đỡ khoa học, đúng sư phạm từ các bậc phụ huynh.
Hai điều cần tránh
Không cho trẻ cầm bút bi, bút mực viết quá sớm. Cầm bút sai (kỹ thuật và khoảng cách) từ đầu sẽ trở thành cố tật hết sức khó khắc phục, chắc chắn sẽ dẫn đến viết chậm, viết xấu và ngại viết. Giai đoạn đầu, học sinh lớp 1 cần phải viết bằng bút chì (người lớn gọt). Mục đích là để các em hình thành thói quen viết nhẹ tay (hễ nặng tay là bị gãy bút chì) và cầm bút đúng khoảng cách (cầm bút trên lát gọt). Bởi vậy, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ mới vào lớp 1 viết bằng bút bi, bút mực khi chưa có sự tư vấn và hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm.
Không cho trẻ sử dụng bảng viết (bảng con) bằng chất liệu mica màu trắng, dụng cụ viết bằng bút dạ. Vì loại bảng và bút này có nhiều hạn chế: bảng trơn, viết không chủ động, mực ra đậm, nhạt không đều, khi xóa dễ gây bẩn, mất vệ sinh, bút to quá cỡ tay cầm bút của trẻ kiến các em khó điều khiển ngòi bút khi viết chữ.
Bốn việc nên làm
Thứ nhất, bảo đảm ánh sáng và kích thước bàn ghế ngồi học cho trẻ. Bàn ngồi học phải có đủ ánh sáng, tốt nhất là có đủ ánh sáng tự nhiên. Kích thước bàn ghế phải phù hợp với độ cao của trẻ. Tỷ lệ chiều cao của bàn và ghế phải tương xứng để khi ngồi, khuỷu tay của trẻ ngang với mặt bàn, hai mặt bàn chân bám mặt đất, ngồi thoải mái trên ghế.
Thứ hai, rèn luyện cho trẻ ngồi viết đúng tư thế. Ngồi viết đúng tư thế không chỉ giúp viết chữ đẹp mà còn có lợi cho sự phát triển bình thường của cột sống và bảo vệ thị lực cho trẻ.
Khi ngồi viết, trẻ phải ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, không tì ngực vào cạnh bàn, đầu hơi cúi, hai mắt cách mặt vở từ 25cm - 30cm. Cánh tay trái đặt trên mặt bàn bên trái vở, bàn tay trái tì vào mép vở giữ vở không xê dịch khi viết; cánh tay phải cùng ở trên mặt bàn. Với cách để tay như vậy, khi viết, bàn tay và cánh tay phải có thể dịch chuyển thuận lợi từ trái sang phải dễ dàng.
Phụ huynh cần thường xuyên để ý đến tư thế ngồi viết của trẻ, nếu sai phải kịp thời nhắc nhở để trẻ có ý thức rèn luyện.
Thứ ba, hướng dẫn trẻ cầm bút đúng cách. Khi viết, trẻ cầm bút và điều khiển bút viết bằng ba ngón tay (ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa) của bàn tay phải. Đầu ngón tay trỏ đặt ở phía trên, đầu ngón tay cái giữ bên trái, phía bên phải của đầu bút tựa vào cạnh đốt đầu ngón tay giữa. Ba điểm tựa này giữ bút và điều khiển ngòi bút dịch chuyển linh hoạt. Ngoài ra, động tác viết cần có sự phối hợp cử động của cổ tay, khuỷu tay và cả cánh tay.
Phụ huynh thấy con cầm bút sai phải kịp thời sửa chữa, kiên nhẫn chứ không được trách mắng hay dọa đánh vào tay, phạt trẻ. Điều này sẽ khiến các trẻ gặp áp lực, sợ hãi trong việc cầm bút. Thói quen cầm bút đúng sẽ giúp trẻ viết nhanh, viết đúng và đẹp.
Thứ tư, giúp trẻ tập viết đúng, đẹp các nét chữ cơ bản. Từ một số nét chữ cơ bản kết hợp với nhau theo những quy tắc nhất định tạo ra các chữ viết khác nhau. Nếu biết và viết được các nét chữ cơ bản, trẻ sẽ có kỹnăng phân tích cấu tạo chữ viết và thực hiện viết chữ theo một quy trình hợp lý, chủ động được nét bút của mình.
Do đó, để giúp trẻ lớp 1 viết đúng, viết đẹp thì việc đầu tiên là phải hướng dẫn các em viết được các nét chữ cơ bản bao gồm: các nét thẳng, các nét cong, các nét móc, nét khuyết, nét thắt. Các nét chữ cơ bản này được thiết kế trong vở tập viết theo các mức độ: tập tô theo nét chữ, tập viết theo mẫu nét chữ,… Đây là điều kiện để trẻ viết đúng mẫu, bảo đảm không nhầm lẫn các chữ cái với nhau, là cơ sở để viết nhanh và viết đẹp.
Tập viết chữ là cả một quá trình, vì vậy phụ huynh cần kiên nhẫn, đừng quá nôn nóng.
Theo Nhân dân