Bảo đảm thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ trong đại dịch

Xã hội - Ngày đăng : 10:13, 11/07/2021

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung và sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nói riêng.

Để bảo đảm người dân được tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đầy đủ, ngành dân số các cấp đã phải nỗ lực cố gắng, linh hoạt, chủ động đổi mới cách làm của cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.


Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe và tư vấn dinh dưỡng trẻ em cho đồng bào dân tộc xã Trọng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình)

Gián đoạn việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn thế giới, làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở nhiều quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Đại dịch khiến một số người trì hoãn sinh con trong thời điểm bất ổn về tài chính và khủng hoảng. Bên cạnh đó, gián đoạn trong việc cung cấp các phương tiện tránh thai cộng với lệnh phong tỏa, cách ly, dự kiến sẽ làm gia tăng mạnh mẽ số ca mang thai ngoài ý muốn của nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, ước tính 12 triệu phụ nữ đã gặp gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ KHHGĐ. Gián đoạn trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục lại càng trở nên trầm trọng hơn khi những dịch vụ này bị coi là không thiết yếu.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho rằng, COVID-19 đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng và sự yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe của một quốc gia và giữa các quốc gia. Khủng hoảng này đã làm cho nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải phải thu hẹp các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, vốn vẫn thường bị coi là không thiết yếu. Mặc dù các dịch vụ này là quyền con người, nhưng chúng đã bị bỏ qua vì những mối quan tâm "cấp bách" khác. Dưới áp lực kinh tế và cắt giảm ngân sách, có nguy cơ là nhiều quốc gia có thể sẽ không khôi phục lại những dịch vụ này.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia ưu tiên hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản cho mọi người thông qua việc bảo đảm tiếp cận thông tin và dịch vụ.

Tại Việt Nam, nhờ sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân nên tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát. Bên cạnh đó, nước ta cũng nỗ lực bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hóa gia đình có chất lượng đến người dân với phương châm an toàn – thuận tiện - hiệu quả.

Theo Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) Đinh Huy Dương, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mặc dù phải tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng Bộ Y tế vẫn có chủ trương đảm bảo các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung cấp các phương tiện KHHGĐ… cho người dân không bị đứt đoạn. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ở nước ta vẫn được duy trì.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, tư vấn

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, thậm chí hủy bỏ, công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ cũng như việc tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ của người dân gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục khó khăn, thời gian qua, ngành dân số các cấp đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương; có nhiều sáng kiến, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, lồng ghép tuyên truyền dịch bệnh với tuyên truyền về dân số phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tăng cường truyền thông trực quan bằng pano, áp phích, xe tuyên truyền lưu động; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã phường, thị trấn… phát huy hiệu quả tuyên truyền của mạng xã hội. Đây là sự chia sẻ thông tin, tạo hiệu ứng tuyên truyền rộng rãi.

Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục Dân số - KHHGĐ Đinh Huy Dương cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tổng cục Dân số - KHHGĐ đã chỉ đạo các địa phương sáng tạo các phương thức truyền thông, triển khai linh hoạt các hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tế. Tổng cục cũng hướng dẫn các địa phương chuyển đổi phương thức truyền thông trực tiếp sang sử dụng các kênh truyền thông trên nền tảng internet, mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok, Youtube. Đây là cách truyền thông mới rất hấp dẫn, phù hợp với thế hệ trẻ và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hình thức truyền thông hiện đại thông qua mạng xã hội, tại nhiều địa phương, ngành dân số đã thực hiện phương án "Dân vận khéo" – chia thành nhiều nhóm nhỏ, giao cán bộ, cộng tác viên dân số đến từng nhà để tuyên truyền, tư vấn cho người dân…

Trong đại dịch, việc tăng cường triển khai các phương pháp tuyên truyền mới để tiếp cận người dân là điều rất cần thiết, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu dân số, đồng thời giúp người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin, dịch vụ.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ thời kì đại dịch COVID-19 là vấn đề cần có sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, các ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ có chất lượng và không bị gián đoạn từ hệ thống dân số các cấp, cộng tác viên dân số, các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín để đảm bảo an toàn cho chính bản thân và gia đình mình.

Theo TTXVN