Cánh diều tuổi thơ

Các em viết - Ngày đăng : 14:45, 11/07/2021

Cứ mỗi buổi chiều, tôi cùng lũ trẻ trong xóm rủ nhau ra đường đất sau nhà thả diều. Vào mùa hè được thả diều trong cơn gió mát, lũ trẻ chúng tôi khoái chí lắm.



Ò ó o...! Tôi đang dọn vườn bỗng giật mình bởi tiếng gà trống gáy vang. Không biết đó là gà trống nhà ai mà đi lạc vào vườn nhà tôi. Tôi đưa mắt nhìn chú gà, dáng chú cao to, cái mào đỏ hỏn, bắp chân chắc nịch. “Chắc hẳn đây là giống gà đi chọi lâu năm”, tôi thầm nghĩ. Trong lúc mệt nhoài, được nghe tiếng gà tôi bừng tỉnh hẳn. Cũng chính tiếng gà ấy đã đưa ký ức tôi ngược thời gian về cái ngày thơ bé, về những ngày rong ruổi trên cánh đồng thi nhau thả diều.

Ngày đó, tôi mới chỉ là đứa trẻ chín, mười tuổi. Cứ mỗi buổi chiều, tôi cùng lũ trẻ trong xóm rủ nhau ra đường đất sau nhà thả diều. Vào mùa hè được thả diều trong cơn gió mát, lũ trẻ chúng tôi khoái chí lắm. Tầm 6 giờ tối, không cần gọi nhau í ới chúng tôi cũng tụ tập đông đủ dưới gốc cây xoài nhà bác Kim. Đặc biệt, chính chú gà trống nhà tôi được tụi nó lấy làm chiếc đồng hồ mà căn giờ ra thả diều. Điều này khiến tôi vô cùng hãnh diện trước mặt bọn trẻ con trong xóm. Do đó khi nghe tiếng gà trống, tôi lại nhớ về bác gà trống nhà tôi - chiếc đồng hồ nhỏ trong xóm.

Chưa đầy năm phút, bọn trẻ đã đến đông đủ. Chúng tôi chia nhóm ra bắt đầu cuộc thi thả diều. Phần quà cho nhóm thắng rất nhỏ nhưng với chúng tôi hồi đó nó là một thứ vô cùng lớn lao. Đó chính là những quả xoài nhà bác Kim. Đội thua sẽ phải trèo lên cây hái quả cho đội thắng. Dù có đôi phần ấm ức nhưng ai cũng vui đáo để. Nói xong luật chơi, chúng tôi bắt đầu vào cuộc chiến mang tên “thả diều”. Trên tay đứa nào cũng cầm một con diều, nào là diều sáo mini, diều cánh cốc... thậm chí còn có cả những chiếc diều giấy mà mấy đứa trẻ lên 3 vòi vĩnh bố mẹ làm cho.

Cuộc thi mà chúng tôi bày ra rất vui vẻ và kịch tính. Chốc chốc, diều đã thi nhau bay lượn trên bầu trời trong xanh. Gió cuối ngày hè sao mà mát thế! Gió cuốn đi cái oi bức, cuốn hương cỏ thơm nồng phả vào những gương mặt tuổi thơ háo hức trông theo những cánh diều. Chính những làn gió ấy, tôi không thể quên càng không thể nhầm lẫn được. Vừa được thả diều vừa được chạy trên bờ những thửa ruộng vừa gặt xong khiến chúng tôi thích thú vô cùng. Trên môi đứa nào cũng khanh khách cười. Cứ mỗi khi chiều đến, cánh đồng lại trở thành một bản hòa ca với tiếng gió, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ và cả tiếng bước chân chộn rộn trở về của những người nông dân sau một ngày làm đồng vất vả...

“Cuộc chiến” đua diều diễn ra khoảng 30 phút rồi kết thúc. Lũ trẻ chúng tôi phân thắng thua rồi mau mau cuộn dây để nhận thưởng trước khi trời tối. Công đoạn cuộn dây diều khiến tôi khó chịu vô cùng. Lúc thả lên dễ bao nhiêu thì lúc thu về lại khó gấp bội. Có lần tôi mải kéo bị dây cứa đứt tay lúc nào không hay. May thay, tụi trẻ con xúm lại kéo cùng tôi với điều kiện tôi phải chia xoài cho chúng nó. Hôm nào cũng như thế, dù là cuộc thi nhưng lúc về trong tay ai cũng có một quả. Quần áo lấm lem, chân dính đầy rơm mà không một ai kêu ca gì. Nhìn vào không biết là ai thắng, ai thua nhưng trên môi đứa nào cũng nở nụ cười tươi rói. Lúc ấy chỉ có tiếng cười, tiếng nói bao trùm cả một ngõ xóm, phá tan cái không gian tĩnh lặng của làng quê.

Giờ đây, dù cho những đứa trẻ ngày ấy đã lớn, dù cho việc thả diều không còn kịch tính như trước nữa nhưng tôi lại cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì được lớn lên trong sự hồn nhiên, vô tư của trẻ thơ chứ không phải là trong làn sóng internet như ngày nay.

NGUYỄN THỊ NGỌC MAI
(Lớp 11E, Trường THPT Nam Sách)