Người đứng đầu thờ ơ, thiếu quyết liệt thì khó giảm biên chế
Chính trị - Ngày đăng : 14:58, 11/07/2021
Câu chuyện về tinh giản biên chế đã được đề cập rất nhiều lần với nhiều giải pháp. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện khá quyết liệt việc tinh giản biên chế. Thế nhưng, trên thực tế hiệu quả của việc tinh giản vẫn chưa được như mong muốn. Trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm nay, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, bộ máy hiện nay còn quá cồng kềnh, tầng nấc trong tổ chức đầu mối bên trong, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao, một vấn đề được nêu ra với những quyết tâm rất lớn, lại không được thực thi một cách triệt để, hiệu quả? PGS.TS Ngô Thành Can, giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia bàn luận về câu chuyện này.
Việc tinh giản biên chế đã có những kết quả bước đầu khả quan
-Thưa PGS, TS Ngô Thành Can, ông nhìn nhận thế nào về những kết quả bước đầu trong việc tinh giản biên chế thời gian qua?
Kết quả bước đầu cho thấy, một số đánh giá trước đây như “9 người dân phải cõng một người hưởng lương hoặc có tính chất lương nhà nước” có thay đổi. Trong báo cáo của mấy năm gần đây thấy rõ, các đầu mối cũng đã giảm đi. Ví dụ như, giảm 4 đầu mối Trung ương, 6 tổng cục, 83 cục vụ. Hoặc, ngay cả cấp phòng cũng giảm đi 5889 đơn vị. Đơn vị hành chính chúng ta quan tâm là cấp tổ dân phố cũng đã giảm 20.910 đơn vị.
Hay như báo cáo của Bộ Tài Chính về tỷ trọng chi thường xuyên thời gian qua tiết kiệm được trên 10.000 tỷ đồng. Qua đó, khẳng định chúng ta đã thành công, có một kết quả đáng trân trọng.
-Theo Bộ trưởng Nội vụ, kết quả thực hiện Nghị quyết 18, 19 đã giúp 6 giảm và 6 tăng. Ông có bình luận gì về 6 giảm, 6 tăng đặc biệt là việc giảm đầu mối?
Đây là tổng kết khá lý thú, với 6 tăng và 6 giảm. Những "giảm" chúng tôi hay chú trọng đó là, giảm đầu mối trung gian, giảm biên chế và con người. Còn đối với tăng, chúng tôi hay chú ý vào tăng chất lượng đội ngũ, hiệu lực hiệu quả.
Rõ ràng, chúng ta phải khẳng định, kết quả thực hiện Nghị quyết 18,19 là cách làm tốt, phương hướng tốt và chúng ta đã làm quyết liệt và nhiều nơi thực hiện thận trọng trong thí điểm.
Nhiều địa phương khi thực hiện Nghị quyết 18,19 đã mạnh dạn có sáp nhập, kết hợp, hợp nhất như sở kế hoạch đầu tư và sở tài chính, sở giao thông vận tải với sở xây dựng, hoặc những đơn vị khác hệ thống ví như: ban tổ chức với sở nội vụ, ban kiểm tra với thanh tra…hay thống nhất các văn phòng như, văn phòng đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND.
Đặc biệt, thời gian qua, chúng ta bắt đầu thực hiện không tổ chức HĐND, ví như ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng…Các cơ quan, đơn vị đều đã xây dựng đề án để tinh gọn đầu mối, qua đó tạo được phong trào tốt. Tuy nhiên, vẫn còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
Một số nơi “trên nóng dưới lạnh”, nhưng một số nơi “dưới đã triển khai làm, nhưng trên còn thận trọng, nghiên cứu”. Ở đâu đó, còn có những văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ. Do vậy, giảm phần nào hiệu quả.
-Dù đạt được nhiều kết quả, nhưng Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, việc thực hiện các chủ trương còn một số hạn chế như, tổ chức bộ máy chưa khắc phục triệt để những chồng chéo. Nguyên tắc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ chưa được phát huy mạnh mẽ. Theo ông, nguyên nhân này do đâu?
Ở đây, theo tôi một phần do một số luật, quy định về chuyên ngành nhưng lại có quy định về tổ chức Bộ máy. Đó là khó khăn lớn trong phần tổ chức, thực hiện.
Cùng với đó, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã nảy sinh nhiều nhiệm vụ mới, phức tạp, được giao bổ sung và yêu cầu thực hiện ngay. Nhưng, có một điều chúng ta phải thừa nhận do người đứng đầu thiếu quyết liệt, thiếu quan tâm, tập trung vào công việc này.
Chúng ta cần lưu ý, đối với đội ngũ tham mưu, giúp việc. Đó là năng lực tham mưu, giúp việc cũng như ý thức trách nhiệm của một số cán bộ còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn chưa chủ động, chờ ý kiến bộ, ngành rồi mới triển khai. Sự phối hợp với bộ, ngành địa phương trong tổ chức bộ máy, đặc biệt những phần chúng ta phải thực hiện theo Nghị quyết 18 và kết luận 34 còn thiếu chặt chẽ.
Thêm lý do mà mọi người ít để ý đến đó là công tác tuyên truyền, phổ biến chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản.
Trong hai năm vừa qua, bệnh dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến vấn đề này. Công tác kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ, chúng ta xây dựng vị trí việc làm, khung năng lực, mô tả công việc cũng chưa triệt để, gây ảnh hưởng công tác chung này.
-Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc mô tả vị trí, việc làm. Theo ông, đây có thể là màng lọc tốt cho việc tinh giản biên chế hiện nay?
Đây là cách làm hay, tiến bộ, phản ánh năng lực thực thi công vụ và coi trọng sản phẩm, cũng như năng lực người thực thi. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, thời gian vừa qua mặc dù các đơn vị tổ chức đều xây dựng vị trí việc làm, khung năng lực và mô tả vị trí làm việc, nhưng còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, việc sử dụng trong thực tế những mô tả này chưa quyết liệt, chưa góp ích nhiều trong tinh giản biên chế. Như vậy, nếu chúng ta làm tốt, có thể chúng ta xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được nhu cầu.
Cùng với đó, chúng ta loại bỏ được những người không phù hợp với vị trí và phát triển được những người có năng lực phù hợp.
-Trong báo cáo tổng kết của các cơ quan đơn vị, có đến 99% cán bộ, công chức hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thói quen này đã được hình thành rất lâu trong cán bộ công chức và thói quen "làm đẹp con số". Theo ông, thói quen này phản ánh điều gì trong đánh giá cán bộ, công chức?
Đây là nhận định đúng. Thời gian vừa qua, một số bộ trưởng đã nói trên diễn đàn của Quốc hội rằng “Trong đánh giá chung, tổng hợp các đánh giá của các cơ quan, đơn vị gửi về chỉ có 0,1% không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại 99% là hoàn hành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với đó, đánh giá thi đua rất cao”.
Rõ ràng trong rất nhiều diễn đàn, người ta đều nói rằng "Cách đánh giá của chúng ta mang tính chất hình thức, trung bình, chủ nghĩa và chịu ảnh hưởng của lá phiếu bầu". Nhiều người mạnh mẽ cho rằng: "chừng nào còn chịu ảnh hưởng của lá phiếu bầu thì chừng đó còn bị chi phối việc nuôi dưỡng thói quen, hoặc cách suy nghĩ, quan niệm không đúng.
Ví dụ, họ dung túng quan niệm “anh bầu cho tôi, thì tôi bầu cho anh”, hoặc “nếu tôi xấu thì lãnh đạo xấu, cơ quan xấu”. Nhiều người thì chép miệng cho qua “xấu chàng hổ ai”, “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” hoặc hình thành thói quen “dựa dẫm vào nhau”, “người không làm được dựa người làm được”, “người làm việc ít, dựa vào người làm việc nhiều”,… tốt nhiều khi bị kéo xuống làm vừa vừa, thậm chí yếu đẩy lên để tập thể hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, tạo tâm lý nhân viên không sợ bị đuổi, lãnh đạo thường lấy lòng nhân viên không thì ảnh hưởng đến số phiếu. Do đó, không ít nơi, mượn danh tập thể để tranh thủ những ý đồ cá nhân.Ví dụ như, tạo dựng vị trí, tạo dựng cơ chế xin -cho,… Qua đó ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển chung.
Nhiều người còn lạ khái niệm “học thật, thi thật, người tài thật”
-Để giải bài toán tinh giản biên chế, cuối năm 2020 Chính phủ ban hành Nghị định 143 với những điều kiện cụ thể về tinh giản công chức, viên chức,.. những giải pháp này được kỳ vọng thế nào thưa PGS-TS Ngô Thành Can?
Nghị định này tác động nhất định đối với cán bộ, công chức, nhất là những người làm công tác tổ chức, biên chế.
Trước đây, chúng ta có Nghị định 108/2014. Nghị định 143 lần này sửa đổi, bổ sung thêm về chính sách tinh giản biên chế. Chúng ta thấy, Nghị định 134 có tác động lớn, ví dụ như, những người nào chưa đạt theo tiêu chuẩn, nghiệp vụ, những người chưa có chuyên ngành đào tạo không phù hợp, có những năm xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, ngày nghỉ nhiều, hoặc một số quy định nghỉ hưu trước tuổi,… những quy định này phần nào cũng giải tỏa và đáp ứng được tình hình thực tế khi chúng ta giải quyết được những trường hợp về tinh giản biên chế.
Nhiều người cũng nhận định, các chính sách thông thoáng hơn trước để giải quyết các vấn đề về tinh giản biên chế. Nhưng để đạt được kết quả cao hơn, có mấy phần cần lưu ý:
Thứ nhất, xác định vai trò, vị trí của người đứng đầu, chừng nào vai trò này được khẳng định và giao nhiệm vụ thì hiệu quả của việc tinh giản biên chế mới thấy rõ.
Thứ hai, đối với những người được tinh giản, cần động viên, khuyến khích, cần có thương thảo làm việc.
Thứ ba, phải vận dụng tốt chính sách, hỗ trợ đối tượng với tinh thần hỗ trợ để người ta vui vẻ tinh giản.
-Theo ông, trách nhiệm người đứng đầu thế nào khi thực tế hiện nay vẫn còn có những cán bộ công chức, không đủ khả năng, không có năng lực vẫn ung dung hưởng lương, vẫn chắc chân trong cơ quan nhà nước?
Mấy năm trước báo chí nói nhiều đến ý kiến của một số nhà lãnh đạo cho rằng: “Có đến 1/3 nhân viên có cũng được, không có cũng được, không đủ năng lực để làm”. Ở một đơn vị cấp tỉnh, thành phố, còn có một vị lãnh đạo nói rằng “40% bỏ đi cũng được, không dùng cũng được, nhưng không thể bỏ được”. Như vậy, ở đây, khi chúng ta nói đến vấn đề này là chúng ta nói đến vấn đề tuyển dụng, sử dụng và đánh giá… Nhưng nói đến vấn đề này là nói đến trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.
Do đó, cần có những quy định làm sao quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị đối với toàn bộ nhân viên. Họ làm sao quản lý được năng lực thực thi công việc, thái độ làm việc, quan hệ, trách nhiệm xử lý trong công việc,… Chừng nào họ chưa được giao một cách đầy đủ thì khó có thể, bởi còn có những mối quan hệ chúng ta khó có thể xử lý được.
-Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo VOV