Siết chặt quản lý khai thác khoáng sản

Môi trường - Ngày đăng : 17:42, 11/07/2021

Thời gian qua, tình trạng vi phạm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại đòi hỏi công tác quản lý trong lĩnh vực này cần được quan tâm thực hiện chặt chẽ hơn.


Một số mỏ trên địa bàn TP Chí Linh sau khi hết hạn khai thác đã không được chủ đầu tư hoàn thổ theo quy định

Tình trạng vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành chức năng.

Nhiều vi phạm

Từ đầu năm đến nay đã có nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân về tình trạng vi phạm khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo xác minh, làm rõ. Một số vi phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời hoặc đang kiến nghị xử lý theo quy định.

Đầu năm 2021, người dân khu dân cư số 2, phường Phú Thứ (Kinh Môn) phản ánh việc Công ty TNHH Hoàng An nổ mìn tại khu vực núi Thần làm đất đá văng vào nhà, vườn, gây bất an cho cuộc sống của người dân. Ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND thị xã Kinh Môn đã chỉ đạo, yêu cầu công ty dừng hoạt động nổ, bắn mìn tại mỏ đá vôi; rà soát, bồi thường khắc phục hậu quả. Sau đó, Sở Công thương đã ra quyết định xử phạt hành chính công ty 95 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp và tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp 6 tháng kể từ ngày 26.3.2021.

Tháng 5.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) nhận được phản ánh qua đường dây nóng về một số đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ở phường Văn Đức (Chí Linh). Vi phạm đã diễn ra từ năm 2020 đến nay nhưng chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Ngày 3.6.2021, Sở TNMT và Phòng TNMT TP Chí Linh làm việc, kiểm tra thực địa khu vực khai thác khoáng sản tại núi Đại Hàn thuộc phường Văn Đức. Kết quả cho thấy một phần diện tích khu vực núi Đại Hàn đã bị khai thác khoáng sản trái phép. Trung tâm TNMT (Sở TNMT) đo đạc khu vực bị khai thác có diện tích 38.171 m2. Qua đánh giá sơ bộ xác định có hơn 141.000 m3 núi Đại Hàn đã bị mất nhưng chưa xác định được trữ lượng của từng loại khoáng sản. Sở TNMT đã báo cáo UBND tỉnh sự việc này.

Qua kiểm tra, khảo sát thực tế trong tháng 6.2021, Sở TNMT cũng phát hiện có hoạt động khai thác đất, đá trái phép tại khu vực phía nam đồi ông Sao thuộc phường Hoàng Tân và khu vực xây dựng đường tránh thuộc phường Thái Học (Chí Linh). Sở TNMT đã đề nghị UBND TP Chí Linh chỉ đạo tổ chức kiểm tra, bắt giữ, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép và việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm vi phạm.

Theo UBND TP Chí Linh, thời gian đầu năm 2021 khi thành phố đang tập trung cao cho công tác phòng chống dịch Covid-19, một số đối tượng lợi dụng đặc thù khu vực bến Mú thuộc phường Văn Đức chỉ có một đường vào duy nhất nên đã khai thác, vận chuyển trái phép đất đồi. Lực lượng chức năng đã nhiều lần lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính. Đến tháng 3.2021, tình trạng khai thác, vận chuyển đất đồi trái phép tại khu vực này đã chấm dứt.

Quản lý chặt chẽ

Thị xã Kinh Môn đang có 8 doanh nghiệp khai thác khoáng sản với diện tích mỏ gần 660 ha. Những năm qua, Phòng TNMT thị xã đã chủ động tuyên truyền, kiểm tra việc khai thác khoáng sản theo giấy phép được cấp, kiểm tra ngoài thực địa. Phối hợp với các đơn vị hoàn thiện hồ sơ xin cấp, điều chỉnh gia hạn nội dung giấy phép, thủ tục đóng cửa mỏ. Tập trung giải quyết kiến nghị của người dân về khai thác khoáng sản.

Ông Đoàn Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty CP Khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương cho biết: "Trong quá trình khai thác một số mỏ trên địa bàn thị xã Kinh Môn, chúng tôi luôn tuân theo các quy định của pháp luật, khai thác đúng trữ lượng, giới hạn. Khối lượng khoáng sản khai thác đều được ghi chép đầy đủ. Đối với mỏ hết hạn, chúng tôi chủ động báo cáo cơ quan chức năng, làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định".

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên khoáng sản, nước, khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở TNMT), công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã được quan tâm, chỉ đạo sát sao góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động khoáng sản của tỉnh đi vào nền nếp. Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt, hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn những tồn tại như công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các ngành chức năng và chính quyền các cấp có lúc chưa chặt chẽ, sự phối hợp chưa đồng bộ, thường xuyên. Còn có doanh nghiệp lập báo cáo hoạt động khoáng sản, bản đồ hiện trạng mỏ chưa đúng quy định; chưa chấp hành đầy đủ quy trình, kỹ thuật trong khai thác... Qua tìm hiểu thực tế, trên địa bàn TP Chí Linh có một số mỏ khoáng sản sau khi hết hạn khai thác đã không được chủ đầu tư hoàn thổ theo đúng quy định. Những phần diện tích này trở thành ao, hồ để người dân tận dụng nuôi vịt, thả cá, ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu địa chất, làm hạ thấp mạch nước ngầm.

Để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, không gây bức xúc trong dư luận, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tích cực vào cuộc, phối hợp chặt chẽ hơn trong hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiên quyết yêu cầu dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường đối với các cơ sở giấy phép hết hạn, những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường...

NGUYỄN LAN-NGỌC THỦY