Xu hướng chiến thuật, khả năng cầm bóng của đội tuyển Tây Ban Nha và những điểm nhấn ở EURO 2020
Quốc tế - Ngày đăng : 14:38, 12/07/2021
Xu hướng hàng thủ 3 người
Khi tiếp quản Chelsea hồi tháng Ba năm nay, huấn luyện viên (HLV) Thomas Tuchel đã chuyển đổi hàng thủ từ 4 người sang 3 người để phù hợp với hệ thống chiến thuật 3-4-2-1. Với việc Chelsea lập tức thu được thành công mà đỉnh cao chính là thắng lợi trước Man City trong trận chung kết Champions League, rất nhiều đồng nghiệp đã làm theo cách của HLV Tuchel ở EURO 2020.
Thực tế thì hàng thủ 3 người đúng là trở thành trào lưu ở EURO 2020, nhưng nó lại vốn không phải là thứ mới mẻ ở Serie A. Mùa vừa rồi, Inter với sơ đồ 3-5-2 của HLV Antoino Conte mới lật đổ "ách thống trị" của Juventus để đăng quang một cách thuyết phục.
Trong khi đó, Atalanta của HLV Gian Piero Gasperini lại dùng hệ thống 3-4-2-1 hoặc 3-4-1-2. Với Hellas Verona và AS Roma, sơ đồ 2 câu lạc bộ này thường dùng là 3-4-2-1, riêng AS Roma lại thích đá với đội hình 3-4-2-1. Theo thống kê, ở mùa giải vừa qua có 28% thời gian các trận đấu ở các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu mà ở đó có một đội đá với hàng thủ 3 người, tức là cao hơn một chút so với con số 24% ở mùa giải 2019/20.
Nếu bạn có các mảnh ghép phù hợp, cụ thể là các trung vệ có khả năng phân phối bóng đáng tin cậy cùng các hậu vệ cánh làm tốt cả nhiệm vụ phòng ngự lẫn tấn công, sử dụng phòng tuyến 3 người sẽ mang đến hiệu quả rõ rệt.
Hà Lan là một trong những đội chơi với hàng thủ 3 người ở EURO 2020
Nên biết, ở EURO 2016 HLV Conte từng giúp Italia lọt vào tứ kết với sơ đồ 3-5-2. Đồng nghiệp HLV Chris Coleman cũng thành công với sơ đồ 3-4-3 hay 3-5-1-1 khi đưa Wales cũng vào đến tứ kết. Tuy nhiên, thời điểm ấy các đội đá 3 hậu vệ chỉ chiếm 13% thời gian, trong khi con số này ở EURO 2020 lên đến 40%. Những đội đã áp dụng chủ trương này tại EURO 2020 có thể kể ra hàng loạt những cái tên như Bỉ, Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Đan Mạch, Ukraine, Bắc Macedonia, Anh và Pháp.
Quá nhiều tình huống đốt lưới nhà
Các tình huống đốt lưới nhà chắc chắn phải là điểm nhấn ở EURO 2020. Người ta thống kê được rằng trong lịch sử các kỳ EURO, đã có 11 cầu thủ biếu không cho đối phương bàn thắng thì có đến 11 trong số đó đến ở giải đấu năm nay.
Ngoài những tình huống bất khả kháng, chẳng hạn như khi phải đối mặt với những quả căng ngang quá khó chịu, EURO 2020 cũng chứng kiến không ít những pha "đốt đền" cực kỳ vô duyên. Đơn cử như việc thủ môn Martin Dubravka của Slovakia đấm bóng vào lưới ở trận gặp Tây Ban Nha, hay thủ môn Simon của Tây Ban Nha đỡ hỏng tình huống chuyền về của Pedri trong trận gặp Croatia.
Tình huống đốt lưới nhà vô duyên của thủ môn đội tuyển Slovakia
Tây Ban Nha là bậc thầy kiểm soát bóng
Tuy phải dừng bước ở bán kết trước Italia sau những loạt đá luân lưu 11m, Tây Ban Nha vẫn gây ấn tượng mạnh bằng khả năng kiểm soát bóng thượng thừa. Ở EURO 2020, chỉ có 2 trong tổng số 24 đội tham dự có tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình đạt trên 55% và Tây Ban Nha chính là 1 trong số đó (71,9%, đội còn lại là Đức với tỷ lệ 61,8%).
Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng vô đối về số đường chuyền trung bình trong mỗi giai đoạn kiểm soát bóng (7,9). Xếp sau họ là Italia, đội bình quân thực hiện được 3,4 đường chuyền liên tục trước khi để mất bóng vào chân đối phương.
Về thời gian cầm bóng trung bình cho mỗi loạt phối hợp, Tây Ban Nha tiếp tục xếp thứ nhất (30,9 giây) và bỏ xa nhà vô địch Italia đứng ngay phía sau (17 giây). Chưa hết, đội bóng của HLV Luis Enrique còn là đội chuyền bóng nhiều nhất mỗi trận với con số trung bình đạt 908, trong khi Italia chỉ cán mốc 387.
Với khả năng kiểm soát bóng siêu hạng như vậy, Tây Ban Nha đã khiến ngay cả Italia vốn kiểm soát bóng không tồi cũng phải ngả mũ kính phục. Nếu ai đó còn nghi ngờ về chuyện này thì họ nên biết, trước trận bán kết Italia có thời lượng kiểm soát bóng trung bình 57%, mỗi trận có 551 đường chuyền và oanh tạc cầu môn đối phương 18,9 lần. Vậy mà trongmàn so tài với Tây Ban Nha, Italia chỉ cầm bóng được 31% và tung ra vỏn vẹn 7 cú sút.
Theo Bongdaplus