Gỡ nút thắt để gói hỗ trợ thực sự hiệu quả
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:00, 16/07/2021
Ngày 1.7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thông qua gói hỗ trợ có tổng trị giá 26.000 tỷ đồng. Từ những bài học với gói hỗ trợ lần 1, chương trình hỗ trợ lần này được mong mỏi sẽ là liều thuốc hiệu quả cho người lao động và doanh nghiệp đang "ốm nặng" do ảnh hưởng của đại dịch.
Đây không phải lần đầu tiên Đảng, Nhà nước ta có những quyết sách mang tính nhân văn, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch bệnh như vậy. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19 với gói hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Thống kê, đại dịch đã tác động mạnh tới thị trường lao động, khi trong quý I.2021 có tới 9,1 triệu lao động bị ảnh hưởng. Trong đó có hơn 500.000 lao động bị mất việc làm, hơn 2,8 triệu người phải tạm nghỉ việc không lương. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khởi phát vào cuối tháng 4 đã lây lan vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp và lao động, cũng như tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân số cao, khiến việc làm, đời sống thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì thế, chủ trương của Đảng, Chính phủ là phải hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn trong đợt dịch thứ tư này, với đồng bộ nhiều giải pháp vừa chia sẻ khó khăn đời sống với người lao động, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, lại vừa phải bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Chủ trương là vậy, nhưng thực tế triển khai là điều mà doanh nghiệp và người lao động đang rất quan tâm sau những vướng mắc với gói hỗ trợ lần thứ nhất. Sau hơn 1 năm triển khai gói 62.000 tỷ đồng an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mới chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương trên 22%. Đa số khoản tiền này là chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, lao động tự do mất việc làm, hộ kinh doanh… Các chỉ tiêu hỗ trợ còn lại đều không đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là khoản cho chủ sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động phải nghỉ việc, chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ chủ sử dụng đào tạo lại lao động. Những thủ tục, điều kiện cho doanh nghiệp vay để trả lương quá chặt, số tiền vay thấp đã khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng trong quá trình tiếp cận hỗ trợ.
Thực tế từ gói hỗ trợ an sinh xã hội lần 1 cho thấy có nhiều thủ tục, vướng mắc mà cơ quan chức năng cần tháo gỡ khi thực hiện các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Gói an sinh lần 1 đã truyền tải tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhưng các điều kiện đặt ra để được nhận hỗ trợ quá phức tạp, khó triển khai trên thực tế, đặc biệt là với nhóm cần được trợ giúp là lao động tự do, hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Lúc này, trong bối cảnh tác động của đại dịch đã kéo dài khiến sức chịu đựng của người lao động và doanh nghiệp ngày càng suy yếu, chương trình hỗ trợ tiếp theo phải khắc phục triệt để được những “nút thắt” ở gói 62.000 tỷ đồng. Gói an sinh xã hội mới cần được triển khai nhanh, với thủ tục đơn giản, hiệu quả, để tất cả người cần đều nhận được hỗ trợ một cách kịp thời.
Để gói hỗ trợ mới thực sự đến được tay người lao động và doanh nghiệp đang cần giúp đỡ, việc triển khai thực hiện cũng cần gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương nhằm bảo đảm tiếp cận hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch, tránh xảy ra tiêu cực làm mất lòng tin của nhân dân.
Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chính phủ, góp phần nâng cao niềm tin trong nhân dân, qua đó thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng đã hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứXIII về việc bảo đảm an sinh xã hội song hành với thúc đẩy kinh tế. Một gói hỗ trợ được triển khai thần tốc, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn ngặt nghèo này sẽ là nguồn trợ lực thiết thực về vật chất và cổ vũ tinh thần lớn cho toàn dân ta trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
THU HẰNG(TP Hải Dương)