Trồng khoai Ngọc Môn lấy ngó mỗi sào lãi 17 triệu đồng

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 13:29, 17/07/2021

Nếu được đưa vào trồng rộng rãi, khoai Ngọc Môn sẽ mở ra hướng mới trong phát triển kinh tế cho nông dân.

Phản biện đề tài "Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất rau an toàn phù hợp với địa bàn tỉnh"

Chiều 16.7, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu đề tài ''Xây dựng mô hình sản xuất giống khoai lấy ngó Ngọc Môn Thanh Miện theo hướng an toàn trên địa bàn huyện Thanh Miện'' do Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Thanh Miện thực hiện và đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất rau an toàn phù hợp với địa bàn tỉnh" do Viện Sinh học Nông nghiệp thực hiện.

Khoai Ngọc Môn có nguồn gốc Thái Lan, được đưa về trồng thử nghiệm trong năm 2019-2020 tại 2 xã Lê Hồng và Cao Thắng trên diện tích 10 ha. Do cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên sinh trưởng, phát triển tốt, dễ chăm sóc, chất lượng ngó thành phẩm an toàn, ăn ngon, giòn, ngọt.

Loại cây trồng này không có sâu, ít bệnh, tuy nhiên lại bị chuột gây hại mạnh. Sản lượng trung bình đạt từ 30-50 kg ngó/sào. Sau khi trừ chi phí cho thu lãi trung bình 17 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 2 lần so với cây khoai lang Hoàng Long đang được trồng tại địa phương.

Để thực hiện đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng trong sản xuất rau an toàn phù hợp với địa bàn tỉnh", Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng 3 mô hình trồng rau xà lách với diện tích 1,5 ha và 3 mô hình trồng cà rốt với diện tích 4,5 ha tại các xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, Đức Chính (Cẩm Giàng).

Xà lách sử dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng sinh trưởng phát triển tốt, số lá tăng, màu xanh đậm, dày. Cây không sử dụng chế phẩm có màu xanh nhạt. Củ cà rốt to và dài, mẫu mã đẹp hơn. Trên cả 2 loại cây, tỷ lệ bệnh chết cây con, thối nhũn, bệnh lở cổ rễ...  đều giảm so với diện tích đối chứng.  

Mô hình trồng cây xà lách có năng suất cao hơn từ 25-30% so với mô hình đối chứng, hiệu quả kinh tế tăng trên 38%, tương đương tăng 38,3 triệu đồng/ha. Mô hình cà rốt cho năng suất cao hơn trên 15% so với đối chứng, hiệu quả kinh tế tăng 26%, tương đương tăng 44,4 triệu đồng/ha. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh vật quang dưỡng còn góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.


PV