Nghe một cú điện thoại của nhân viên BIDV rởm, mất luôn 108 triệu đồng

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 06:48, 18/07/2021

Một người phụ nữ ở Hà Nội vừa bị mất oan 108 triệu đồng sau khi nghe một cuộc điện thoại lạ của người mạo danh là nhân viên ngân hàng BIDV.

Nghe một cú điện thoại của nhân viên BIDV rởm, mất luôn 108 triệu đồng - 1
Số điện thoại lạ gọi điện đến cho chị V.A, mạo danh bộ phận kỹ thuật của ngân hàng BIDV

Chị V.A (Hà Nội) cho biết, ngày 16.7, chị nhận được một cuộc gọi từ số điện thoại lạ, phía đầu dây bên kia tự xưng là bộ phận kỹ thuật của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Người này cho biết sẽ giúp chị hoàn lại khoản tiền đã chuyển khoản nhầm hôm trước để chị đỡ công phải đi lại ra văn phòng giao dịch.

"Thế là tôi tin sái cổ vì thời đại công nghệ 4.0, lại đang dịch dã. Lúc đó, tôi cũng đang bận hướng dẫn người giúp việc theo giờ vừa tới nhà, vừa hỗ trợ đội ngũ, xử lý công việc cho khách hàng. Chiêu của chúng lại cứ gọi xong nói vài câu lại ngắt, lại gọi lại, liên tục, hối hả (7, 8 cuộc) nên mình cũng bị cuống, mất cảnh giác. Bây giờ nhớ lại, tôi cứ thấy mình như bị ai che mắt, ma xui quỷ khiến làm theo như một cái máy" - chị kể.

Khi đó, chị V.A cũng khá thắc mắc và tự đặt ra câu hỏi tại sao đang giờ nghỉ trưa mà ngân hàng vẫn làm việc, app của BIDV sao hôm nay có vẻ lạ thế, sao nhân viên lại gọi tới cho chị vội vàng thế.

Đúng như lo lắng, một lúc sau, chị nhận được tin nhắn là toàn bộ 108 triệu đồng trong thẻ của chị đã không cánh mà bay.

Ngay lập tức, chị gọi đến số hỗ trợ của BIDV để báo mất tiền nhưng các máy đều bận liên tục. Sau đó, chị được một người bạn đang là nhân viên của BIDV khuyên nên báo công an.

Ngoài ra, chị V.A còn cho biết, sau khi chị bị lừa rút sạch tiền trong tài khoản, tiếp tục một người xưng là người của BIDV lại nhắn tin trên ứng dụng Zalo cho chị để hỗ trợ cấp mật khẩu mới. Nhưng lần này, chị đã tỉnh táo, cảnh giác hơn và nhận ra đây chính là kẻ lừa đảo.

Nghe một cú điện thoại của nhân viên BIDV rởm, mất luôn 108 triệu đồng - 2
108 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của chị V.A đã "bốc hơi"

Đại diện BIDV cho biết, khi gặp phải tình huống lừa đảo như trên, khách hàng cần liên hệ ngay đến bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được hỗ trợ, làm thủ tục báo bị lừa, báo mất tiền để phong tỏa tài khoản kịp thời, đồng thời trình báo sự việc cho cơ quan công an để vào cuộc xác minh. 

Phía ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng nên có những hiểu biết, kiến thức để bảo vệ tài khoản của chính mình. Đặc biệt, khách hàng nên hết sức cẩn trọng khi sử dụng các dịch vụ, công nghệ trên không gian mạng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Công văn 4893 gửi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cảnh báo một số hiện tượng liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán thời gian gần đây.

Theo đó, thị trường xuất hiện việc đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, kẻ gian yêu cầu khách đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ; thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn và yêu cầu khách đọc 6 số trong tin nhắn (thực chất là mã OTP để giao dịch thanh toán trực tuyến). Khách hàng làm theo yêu cầu của kẻ gian sẽ bị mất tiền trong tài khoản thẻ.

Một thủ đoạn khác được nêu là đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) cho khách hàng thông báo giao dịch chuyền tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường dẫn internet (đường link) trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền... Việc này nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó kẻ gian chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn lập trang web mạo danh ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng.

Nghe một cú điện thoại của nhân viên BIDV rởm, mất luôn 108 triệu đồng - 3
Sau khi bị lừa rút sạch tiền trong tài khoản, tiếp tục một người xưng bên ngân hàng BIDV lại nhắn tin trên ứng dụng Zalo cho chị

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, đối tượng gửi thư điện tử giả mạo ngân hàng (thư điện tử có chứa tên ngân hàng và chữ ký thư điện tử của nhân viên ngân hàng) thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp (file) hoặc đường link có chứa mã độc gửi kèm trong thư điện tử nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng.

"Khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay. Sau đó, đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền (tài khoản nhận tiền lúc này khác với tài khoản đã chuyền nhầm). Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay", công văn của Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ.

Trong một số trường hợp, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng thông báo có người chuyển nhầm tiền vào tài khoản của khách hàng và hướng dẫn thủ tục hoàn trả, gửi đường link yêu cầu khách hàng điền thông tin cá nhân (bao gồm các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử), sau đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Đối tượng gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng đến khách hàng (tin nhắn này được nhận, lưu trong cùng mục với các tin nhắn của ngân hàng trên điện thoại di động của khách hàng) để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu... thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn; qua đó lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) để sử dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng...

Đề đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chủ động nắm bắt, cập nhật các phương thức, thủ đoạn tội phạm nêu trên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng giao dịch tài chính an toàn; kịp thời cảnh bảo rủi ro trên các kênh thông tin liên quan nhằm giúp khách hàng nâng cao nhận thức về rủi ro, cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và thực hiện giao dịch tài chính an toàn, đảm bảo an toàn tiền và tài sản của khách hàng.

Theo Dân trí