Quy chế đào tạo tiến sĩ: Nới 2 nút thắt thực tiễn

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:49, 18/07/2021

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới đã tính toán và xử lý được 2 vấn đề vướng mắc trong thực tiễn một cách hợp lý và hài hòa.

Bản thân tôi là một nghiên cứu sinh (NCS) chịu sự "giao thoa" giữa 2 quy chế đào tạo tiến sĩ (TS) cũ và mới, tôi hiểu được phần nào những vấn đề tồn tại trong thực tiễn của công tác này đối với cơ quan quản lý, nhà trường và học viên. Như nhiều nhận định cho thấy: Quy chế đào tạo TS mới chưa hẳn là mới hoàn toàn. Nó cơ bản kế thừa rất nhiều quy định của quy chế cũ, do vậy tính cải tiến và những ưu điểm của quy chế cũ vẫn còn nguyên giá trị.

Yêu cầu ngoại ngữ "dễ thở" hơn

Theo đó, NCS đã thuận lợi hơn (chứ không phải dễ dàng) khi muốn dự thi vào cơ sở đào tạo. Nếu như quy chế trước yêu cầu tiếng Anh IELT 5.5 hoặc TOEFL IBT 46 điểm trở lên thì nay chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ bậc 4 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nhiều người nghĩ rằng thi chứng chỉ ngoại ngữ ở các Trường Đại học (ĐH) của Việt Nam được phép cấp chứng chỉ này vẫn "dễ chịu" hơn các tổ chức quốc tế (Hội đồng Anh, Cambrighe, IIG...). Tuy nhiên, cũng không "dễ nhằn" vì B2 là tương đối khó. Cũng chính vì ngoại ngữ B2 thi trên máy tính (theo Thông tư 23/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) do các trường ĐH trong nước tổ chức mà nhiều khóa NCS chúng tôi rất ít người đạt được. Quy định thi đánh giá năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo Thông tư 23/2017 đã siết chặt việc thi ngoại ngữ mà các năm trước đó rất dễ dàng thi được B2 khung châu Âu.

Khi không thể thi được tiếng Anh B2 thì một số NCS sẽ phải đi đường vòng, là mất khoảng 2 năm để theo học một văn bằng 2 tiếng Anh của một trường ĐH nào đó để thay thế. Vừa qua, sai phạm về đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh của một trường ĐH tư thực ở Hà Nội mà Bộ Công an điều tra là một ví dụ cho việc nhiều NCS đã đi khắp nơi tìm "đầu ra" để bảo vệ luận án của mình.

Nhìn xa hơn nữa về năm 2009, chúng ta có quy chế đào tạo TS theo Thông tư số 10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tuyển sinh đầu vào về ngoại ngữ là chuẩn trình độ B1 và đầu ra là chuẩn trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu. Khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2015, trong quá trình thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 của Chính Phủ thì có 10 đơn vị được phép cấp chứng chỉ theo khung này. Những năm 2012-2016, báo chí nói nhiều về các "lò đào tạo TS" cũng một phần vì đầu vào ngoại ngữ quá dễ và đầu ra cũng không quá khó. Ngày 13.7.2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Công văn số 2973 về việc xử lý sau thanh tra đối với một vài trường sai phạm trong 10 đơn vị được cấp phép này.


Trao bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Vừa sức về bài báo nghiên cứu

Về vấn đề bài báo nghiên cứu, quy chế đào tạo TS mới đã "cởi trói" hơn cho cả NCS và giáo viên hướng dẫn. Như chúng ta đã biết, tạp chí quốc tế thì cũng có 5-7 loại, có những loại "ăn thịt" (ăn tiền) thì cũng không thiếu để NCS của ta tìm đến đăng tải (mang tính chống chế). Quy đinh mới chỉ cần 3 bài nghiên cứu đăng trên tạp chí trong nước là vừa sức cho NCS (khóa của tôi quy chế cũ yêu cầu là 2 bài 2016-2019). Nếu NCS mà đăng bài trên tạp chí chuyên ngành của mình thì cũng không dễ (vì trong ban biên tập toàn là các chuyên gia hàng đầu). Vì vậy, không thể nói tạp chí trong nước là không uy tín, nếu NCS nào muốn khẳng định năng lực của mình thì không thiếu các tạp chí chuyên sâu của ngành để viết và đăng tải.

Việc đưa ra 3 bài viết tạp chí trong nước ở dạng "vừa vừa" cũng là tạo điều kiện cho nhiều học viên trong quá trình vừa làm vừa học tập và vừa "luyện" nghiên cứu. Khi "lên trình" thì họ sẽ tìm các tạp chí nặng cân hơn, đây là một nhu cầu bản năng trong tư duy của con người. Về việc này, tôi đánh giá quy chế mới phản ánh đúng thực tế khách quan về trình độ của NCS ở nước ta.

Giúp NCS quyết tâm hơn

Theo đánh giá của tôi, quy chế này xét về góc độ xã hội và tâm lý thì quy chế mới hợp lý, hiệu quả. Với góc nhìn như một chính sách thì nó tạo động lực cho các nhà trường trong việc tuyển sinh, sử dụng đội ngũ giảng sư hướng dẫn, đưa những "tinh túy" (thành quả của các nghiên cứu ở nhà trường) và những "tinh hoa" (đội ngũ PGS,GS) vào thực hiện ở bậc học này (GS được hướng dẫn thêm 2 học viên, PGS tăng thêm 1 học viên). Còn về góc độ tâm lý, nó giúp "xốc lại tinh thần" trong đa số những người đang có ý định học TS. Nhiều người sẽ tự tin hơn và quyết tâm hơn để theo đuổi con đường học tập, đam mê nghiên cứu. So với quy chế trước thì cả người học, người thầy và cơ sở đào tạo mất đi nhiều năng lượng vì một số trở ngại như đã nêu.

Đây là một bước cải tiến về xóa bỏ rào cản, vướng mắc ở khâu kỹ thuật nhưng cũng không "cải lùi" về chất lượng, thời gian và quy trình đào tạo.

Theo Người lao động