Cảnh giác với năm chu kỳ sốt xuất huyết
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:20, 18/07/2021
Phun thuốc diệt muỗi là biện pháp quan trọng để phòng bệnh sốt xuất huyết
Tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Từ đầu năm đến nay, Hải Dương đã có 4 ca mắc sốt xuất huyết. Tuy chưa nhiều nhưng nguy cơ bùng phát dịch này luôn hiện hữu nếu người dân không nâng cao ý thức phòng bệnh.
Không chủ quan
Gia Lộc có nhiều ca mắc sốt xuất huyết nhất tỉnh tính từ đầu năm đến nay với 2 ca mắc tại xã Yết Kiêu. Mặc dù các bệnh nhân đã được điều trị khỏi nhưng huyện không chủ quan. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, sau dịch Covid-19, sốt xuất huyết cũng được huyện quan tâm bởi nguy cơ bùng phát dịch theo chu kỳ khá cao. Thời điểm này mưa nắng xen kẽ, thời tiết nóng ẩm nên rất dễ xuất hiện muỗi lây truyền bệnh.
Ngoài các ca bệnh có yếu tố nội địa, đầu tháng 7 vừa qua, tại xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) đã ghi nhận thêm một ca mắc sốt xuất huyết có yếu tố ngoại lai. Người này từ tỉnh Bình Dương về ngày 26.4. Như vậy, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm dịch sốt xuất huyết từ nơi khác về tỉnh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các ca bệnh sốt xuất huyết có yếu tố ngoại lai tuy không nguy hiểm bằng nội địa nhưng người dân cũng như các cơ quan chức năng không nên chủ quan. Nắm được quy luật xuất hiện dịch sốt xuất huyết 4 năm/lần, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng chống bệnh này. Trung tâm Y tế các địa phương cũng đã cử cán bộ theo sát những địa bàn có nguy cơ cao; các trạm y tế phun diệt muỗi, hướng dẫn người dân vệ sinh, lật úp dụng cụ dễ đọng nước để muỗi không sinh sôi, phát triển, từ đó hạn chế được dịch sốt xuất huyết lây lan.
Tránh dịch chồng dịch
Hiện nay, dịch Covid-19 ở Hải Dương đã được kiểm soát nhưng nguy cơ bùng phát vẫn cao. Nếu phải đối phó cả hai dịch Covid-19 và sốt xuất huyết sẽ rất khó khăn cho các cơ sở y tế. Vì thế, các địa phương trong tỉnh cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống hai loại dịch song song. Một số nơi và một số thời điểm có thể ưu tiên phòng chống dịch Covid-19, do dịch này có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn nhưng cũng không quên phòng dịch sốt xuất huyết. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, các triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao kéo dài từ 5-7 ngày, phát ban, đau đầu, đau người, buồn nôn... Đa số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp diễn biến nặng có thể xảy ra tình trạng xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng... Đặc biệt, các trường hợp nặng hơn sẽ có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong. Bác sĩ Hải cũng lưu ý trong bối cảnh dịch Covid-19, các triệu chứng của sốt xuất huyết cần được phân biệt vì một số biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với bệnh này như sốt, đau mỏi cơ... Do đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra hậu quả khó lường.
Bộ Y tế vừa yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng. Các địa phương củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị bệnh khi cần thiết.
Các địa phương phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh đẻ trứng và phát triển để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh lưu hành hằng năm. Thông thường, cứ sau khoảng 4 năm dịch lại bùng phát mạnh ở miền Bắc với số ca mắc gia tăng. Theo quy luật, năm 2021 đúng vào chu kỳ đó nên sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn có thể bùng phát dịch. Dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh gần đây nhất vào năm 2017, cả nước đã có 30 trường hợp tử vong. Chu kỳ này có cơ sở khoa học liên quan đến sự phát triển của quần thể trung gian truyền bệnh. |
LAN ANH