Ai là người khai sinh 'dòng nhạc Mưa bụi'?
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 05:46, 20/07/2021
Trong âm nhạc Việt Nam, Mưa bụi đóng một vai trò khá đặc biệt. Mưa bụi từ chỗ là nhan đề một nhạc tập do Hãng phim Trẻ và Trung tâm Băng nhạc Kim Lợi phối hợp phát hành vào thập niên 1990 đã trở thành một dòng nhạc có tác động sâu sắc tới thị hiếu của công chúng, định hướng cho kỹ thuật chế tác âm nhạc Việt Nam hiện đại. Nói không quá, Mưa bụi đã góp phần làm thay đổi diện mạo nền giải trí Việt Nam.
Hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi như Tài Linh, Đình Văn, Kim Tử Long, Ngọc Sơn, Ngọc Hải, Cẩm Ly, Minh Tuyết, Lam Trường, Chế Thanh, Minh Thuận, Hồng Vân, Quốc Bảo, Phương Thanh... trưởng thành từ Mưa bụi hoặc gần gũi với công chúng hơn qua sản phẩm này.
Đầu thập niên 1990, khán giả muốn nghe nhạc hầu như chỉ có cách đến các tụ điểm sân khấu ngoài trời hoặc sân khấu tỉnh, các sản phẩm băng đĩa chỉ gói gọn trong chiếc băng catsette, video và những sản phẩm âm nhạc hải ngoại.
Nhạc sĩ Hữu Minh là người tạo nên sức bật cho thị trường âm nhạc thời điểm đó. Anh có cha là kỹ sư điện tử, mẹ là giáo viên. Khoảng 5- 6 tuổi, Hữu Minh đã được bố mẹ cho học nhạc.
Năm học lớp 11, Hữu Minh thành lập nhóm nhạc Dòng Biển Lặng đi lưu diễn ở nhiều nơi. Trong nhóm, anh vừa đánh keyboard vừa là ca sĩ. Xuất phát từ mong muốn lưu lại những ca khúc của nhóm Dòng Biển Lặng, anh mày mò kỹ thuật thu âm. Nhận được sự hỗ trợ của cha, Hữu Minh lập phòng thu ngay trong phòng ngủ gia đình. Đây chính là tiền thân của phòng thu Kim Lợi nổi tiếng sau này.
Lúc đó, Tài Linh chỉ biết hát cải lương, hoàn toàn toàn không có kỹ thuật hát nhạc nhẹ. Hữu Minh phải giúp chị làm quen với nhịp phách và tiết tấu của nhạc nhẹ. Anh cũng mời Đình Văn - một ca sĩ sáng giá lúc bấy giờ kết hợp với Tài Linh. Sản phẩm đầu tiên của họ mang tên Tùy hứng lý qua cầu bán được hơn 150.000 bản, làm rộn ràng khắp trong Nam, ngoài Bắc, từ thành phố tới nông thôn.
Trên đà thắng lợi đó, Hữu Minh và các cộng sự của mình nảy ra ý tưởng lồng ghép những cảnh đẹp của Việt Nam với giọng hát của các ca sĩ. Đây được coi là sự khởi đầu cho các MV của Việt Nam sau này. Trước đó, khán giả nếu được xem video thì chủ yếu xem các ca sĩ hải ngoại biểu diễn trên sân khấu.
Các MV Mưa Bụi được sản xuất chủ yếu trên công thức: Ca khúc mang âm hưởng dân ca, nhạc trữ tình, kết hợp với các hoạt cảnh hài và ca sĩ.
Còn cái tên Mưa bụi ra đời rất tình cờ. Nhạc sĩ Hữu Minh từng chia sẻ: “Một chiều buồn, cả đoàn đi quay cảnh làm karaoke trên Đà Lạt thì gặp …mưa bụi. Tôi cam đoan chỉ ở Đà Lạt mới có mưa bụi. Đó là những hạt mưa nhẹ và mỏng manh lạ lùng, chỉ làm mềm tấm áo, không làm người ta ướt sũng". Sự tình cờ này khiến anh quyết định đặt tên cho những sản phẩm của mình là Mưa bụi, đồng thời khai sinh ra dòng nhạc mới.
Các sản phẩm của Mưa bụi đánh trúng thị hiếu của công chúng thời điểm đó. Nó vượt qua biên giới trong nước để đến với thị trường hải ngoại. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới nôn nao đón nhận Mưa bụi vì thông qua các sản phẩm này, họ không chỉ nghe những ca khúc mang âm hưởng dân ca, trữ tình mà còn được ngắm nhìn lại mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Sau một thời gian phát triển huy hoàng, Mưa bụi dần không còn hấp dẫn người nghe. Âm nhạc Việt Nam sau đó bùng nổ dòng nhạc trẻ với sự xuất hiện hàng loạt ngôi sao mới như Lam Trường, Đan Trường, Mỹ Tâm, Hiền Thục...
Mưa bụi đã kết thúc sứ mệnh của mình, thế nhưng dấu ấn dòng nhạc này để lại không hề nhỏ khi nó đã từng thu hút hàng triệu người nghe, từng làm cho những cái tên mới tinh trở nên nổi tiếng, từng đi sâu vào tâm hồn nhiều người Việt Nam để từ đó, mỗi lần nhắc đến âm nhạc trong nước, người ta lại bồi hồi nhớ về thời kỳ Mưa bụi với những bài hát trữ tình quê hương làm lay động lòng người.