Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử
Tin tức - Ngày đăng : 14:02, 20/07/2021
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn đọc báo cáo
Sáng 20.7, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại đoàn kết toàn dân tộc- cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc
Về kết quả bầu đại biểu Quốc hội khóa XV, trong cuộc bầu cử ngày 23.5.2021, cử tri cả nước đã bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét xác nhận tư cách người trúng cử theo quy định của pháp luật, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì không bảo đảm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật đối với 1 trường hợp tại đơn vị bầu cử số 1 thuộc tỉnh Bình Dương. Do đó, đã có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (đạt 99,8%).
Trong đó, đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu: có 194 người trúng cử; đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu: có 301 người trúng cử; đại biểu tự ứng cử: có 4 người trúng cử.
Số đại biểu dự kiến hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.
Cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.
Lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội dự kiến hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội.
Các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất từ trước đến nay và đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội nước ta có thêm đại diện của hai dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu...
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội trúng cử là phụ nữ đạt 30,26% - cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây.
Với kết quả này, Việt Nam được nâng lên đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA) về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội.
Nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND cấp tỉnh bầu được 3.721 đại biểu; có 22.550 đại biểu HĐND cấp huyện; 239.788 đại biểu HĐND cấp xã được bầu.
Đánh giá chung về kết quả cuộc bầu cử, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, khoa học, kịp thời, chuyên nghiệp, sáng tạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cấp, các ngành, các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến địa phương, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp.
Cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thực sự là Ngày hội lớn của toàn dân.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên khai mạc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Cuộc bầu cử diễn ra trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ tư, với diễn biến rất phức tạp nhưng đã được tổ chức an toàn; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm nhiều so với các kỳ bầu cử trước; không có các tình huống bất thường xảy ra ngay cả tại một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng cho đến hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, việc tổ chức vận động bầu cử cũng như việc bỏ phiếu, kiểm phiếu.
Kết quả bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.
Cuộc bầu cử với quy mô lớn như vậy được tổ chức thành công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp càng khẳng định niềm tin vững chắc của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Đảng và Nhà nước ta trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Kết quả này có được chính là do sự đồng tâm, hiệp lực, sự đoàn kết, ủng hộ của toàn dân, ý thức và trách nhiệm cao trong thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Đại đoàn kết toàn dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam - bài học kinh nghiệm quý báu này đã được đúc rút qua lịch sử dân tộc và tiếp tục phát huy, khơi dậy trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử lần này còn một số hạn chế, liên quan đến công tác rà soát danh sách cử tri, nắm số lượng cử tri thường trú và tạm trú trên địa bàn ở một số đơn vị hành chính cấp xã còn chậm và gặp khó khăn do số lượng cử tri tạm trú thường xuyên biến động.
Việc xác định quyền bầu cử của cử tri cách ly y tế tập trung còn lúng túng, nhất là cử tri được cách ly y tế tập trung tại đơn vị hành chính cấp xã mình cư trú.
Ở một vài nơi, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là phụ nữ, người dân tộc thiểu số chưa đạt so với quy định.
Cơ cấu đại biểu trúng cử có nơi chưa đạt, một số trường hợp nhân sự do Trung ương giới thiệu về địa phương ứng cử nhưng không trúng cử; vẫn có nơi bầu chưa đủ số lượng đại biểu HĐND cấp xã.
Một số khu vực bầu cử còn để xảy ra nhầm lẫn trong việc đóng dấu phiếu bầu; sai sót trong in ấn tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên, danh sách chính thức người ứng cử không sắp xếp đúng thứ tự; phiếu bầu in sai tên đệm của một số ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã.
Một số ít đơn vị hành chính cấp xã chưa bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, phải tổ chức bầu cử thêm; còn 5 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã phải tổ chức bầu cử lại,...
Những hạn chế, bất cập trên đây xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào đúng thời điểm cận kề ngày bầu cử với diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh.
Việc tổ chức bầu cử với yêu cầu bảo đảm nghiêm ngặt về an toàn, đúng pháp luật trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ, tạo áp lực, thách thức rất lớn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và những người trực tiếp làm công tác bầu cử ở địa phương, dẫn đến một số nơi trong quá trình triển khai còn lúng túng.
Hướng dẫn về quy trình tổ chức rà soát, xét duyệt tiêu chuẩn chính trị của người ứng cử có nội dung chưa rõ ràng, thiếu ràng buộc trách nhiệm. Một số nơi chưa thực hiện tốt công tác giới thiệu người ứng cử nên chưa bảo đảm dự kiến về cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND…
Tuy nhiên, những sai sót, khiếm khuyết nói trên chỉ là cá biệt và đều đã được các cơ quan, tổ chức phụ trách bầu cử khắc phục, xử lý kịp thời theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử
Sau khi nêu 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc bầu cử, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nêu lên một số kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành tổng kết, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, địa phương về những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay, có hiệu quả trong cuộc bầu cử lần này để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bầu cử.
Chẳng hạn như việc đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; việc thành lập mới, duy trì hoặc giải thể khu vực bỏ phiếu do số lượng cử tri có biến động; việc phân luồng, điều tiết để cử tri đi bầu cử theo giờ; việc tổ chức bầu cử sớm ở một số địa bàn khó khăn,…
Đại biểu quốc tế tham dự phiên khai mạc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng thống nhất hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn chính trị, độ tuổi và sức khỏe của người ứng cử để bảo đảm kịp thời, thống nhất.
Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội cần có tiêu chí cụ thể hơn, bảo đảm sát với tình hình thực tế ở địa phương; cần có cơ chế phù hợp để các địa phương được tham gia ý kiến trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, dự kiến phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong các kỳ bầu cử sau, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các ứng dụng số trong việc lập, rà soát danh sách cử tri, phát thẻ cử tri, xác nhận cử tri đi bỏ phiếu, công tác tuyên truyền, vận động bầu cử, việc bỏ phiếu, kiểm phiếu, tổng hợp, báo cáo kết quả bầu cử,… để bảo đảm nhanh chóng, chính xác, tiện dụng và an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai phức tạp có thể xảy ra.
Báo cáo kết quả xác nhận tư cách 499 đại biểu Quốc hội khóa XV
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Phó Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.
Theo báo cáo, ngày 12.7.2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp phiên thứ 8 để xem xét, quyết định xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã nghe Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo báo cáo về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Tiểu ban Nhân sự báo cáo về việc xem xét tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đã được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín; bảo đảm yêu cầu dân chủ, đúng pháp luật.
Việc hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được tổ chức công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Các bước lập danh sách, công bố danh sách cử tri, danh sách những người ứng cử được tiến hành đúng quy trình, thời gian theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Cử tri cả nước bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội khóa XV tại 184 đơn vị bầu cử theo đúng nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định tại Điều 78 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Hội đồng Bầu cử quốc gia đã quyết định không xác nhận tư cách người trúng cử đại biểu Quốc hội đối với một trường hợp tại đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội số 1 của tỉnh Bình Dương.
Như vậy, có 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được công bố vào ngày 10.6.2021.
Đến ngày 12.7.2021, việc tiếp nhận xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo về người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV như sau: có 493 người không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh; có 6 người trúng cử đại biểu Quốc hội có đơn phản ánh.
Các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xem xét đơn phản ánh theo đúng quy định của pháp luật và kết luận các đơn phản ánh không đủ điều kiện để giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, với tinh thần thận trọng, lắng nghe, để giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét, quyết định xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác minh làm rõ thông tin trong các đơn phản ánh và khẳng định các thông tin nêu trong đơn là không có cơ sở.
Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Tiểu ban Nhân sự đã thống nhất báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia về việc 6 người có đơn phản ánh đều bảo đảm tiêu chuẩn, đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.
Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, với sự thống nhất cao, tất cả các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia có mặt 100% biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết xác nhận 499 người trúng cử đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.
Sáng cùng ngày, theo chương trình, Quốc hội thực hiện quy trình quyết định số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, số Phó Chủ tịch Quốc hội và số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự.
Chiều cùng ngày, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Theo TTXVN