6 tháng cuối năm, có nên đổ tiền vào bất động sản?
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 10:47, 21/07/2021
Để dự đoán kịch bản cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm, cần nhìn lại sự biến động trong 6 tháng đầu năm vừa qua.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CenGroup, nhận định, thị trường những tháng đầu năm có sự tăng trưởng vượt tốt, đến từ lo ngại kinh tế tăng trưởng thấp. Vì vậy, dòng tiền đổ vào các thị trường mang tính đầu tư dài hạn rất lớn, trong đó bất động sản cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, bất động sản tăng giá chủ yếu nhờ tăng giá đất, chứ không do công trình xây dựng.
Ở góc nhìn khác, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ, dù dịch bệnh COVID-19 đã bắt đầu từ năm trước nhưng những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có sự bật dậy. Tuy vậy, đến làn sóng COVID-19 thứ tư, các doanh nghiệp thực sự đối mặt kịch bản rủi ro cao nhất.
Với tình hình thị trường hiện tại, giao dịch giảm, nguồn cung giảm, bà Hương đánh giá, đây là “khoảng lặng” tất yếu của thị trường, là yếu tố bất khả kháng mà doanh nghiệp buộc phải chấp nhận.
Nhận định về kịch bản trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, thị trường tiếp tục gặp khó khăn.
Dù bất động sản không phải là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch COVID-19, nhưng dịch kéo dài sẽ khiến các thị trường khác tác động tới bất động sản, ví dụ như giá vật liệu xây dựng vừa qua tăng cao làm giá thành bất động sản tăng theo.
Đồng thời, các cơ chế về đất đai vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời, mặc dù các hoạt động đầu tư liên quan đến xây dựng đã thông thoáng hơn. Do đó, các vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng rất khó khăn.
“Sự thay đổi của nền kinh tế trong nước và thế giới đã tác động đến thị trường bất động sản và khó khăn này có thể sẽ kéo dài ít nhất là đến hết năm 2022”, ông Khởi nhấn mạnh.
Còn theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một trong những khó khăn của thị trường hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn cho thị trường nhà ở giá rẻ. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều quyết định hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay từ ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại nhưng đến nay nguồn vốn này vẫn khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về thị trường đất đai còn thiếu, dẫn đến việc thị trường xuất hiện rất nhiều dự án ma và tình trạng sốt đất vẫn diễn ra. Khi thông tin không đầy đủ, nhà đầu tư sẽ chỉ xuống tiền theo phong trào chứ không có sự tính toán kỹ. Theo đó, cần phải có kênh thông tin đáng tin cậy làm chỗ dựa vững chắc cho thị trường để ngăn chặn tình trạng này trong tương lai.
“Nếu dịch bệnh được kiểm soát, một số phân khúc bất động sản sẽ duy trì phát triển nhanh, điển hình đó là nhà ở. Tuy nhiên, đa phần sản phẩm tung ra thị trường là sản phẩm nhà ở cao cấp, sản phẩm mở bán tiếp ở giai đoạn mới, còn trong điều kiện hiện nay mở bán dự án mới là không có. Thị trường nhà ở giá rẻ vẫn sẽ phải trông đợi vào các chính sách của Nhà nước", ông Chiến cho hay.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khuyến cáo, người dân bình tĩnh, cẩn thận trước những thông tin đồn thổi. “Người dân khi thực hiện các giao dịch bất động sản cần xem xét cẩn thận các hồ sơ pháp lý và chỉ giao dịch với các dự án có pháp lý rõ ràng”, ông Sinh nhấn mạnh.
Các chuyên gia khác cũng tư vấn nhà đầu tư nên thận trọng, nghe ngóng thông tin thị trường trước khi quyết định đổ vốn nhàn rỗi vào bất động sản.
Theo VTC