Những lầm tưởng về vaccine COVID-19 khiến nhiều người không tiêm chủng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:09, 22/07/2021

Bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, song nhiều người lại không muốn hay do dự chủng ngừa vì những lầm tưởng về vaccine COVID-19.

Là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ tiêm chủng, song chính nước Mỹ cũng phải đối mặt với tâm lý do dự hay hoài nghi vaccine của người dân. Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho thấy, hơn 97% người nhập viện do COVID-19 hiện nay không được tiêm chủng. Trong số này bao gồm cả trẻ em và người lớn trẻ tuổi vốn trước đây khỏe mạnh.

Tại sao nên tiêm chủng ngừa COVID-19? 

- Trừ khi có nhiều người được chủng ngừa, chúng ta mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.

- Tình trạng do dự hoặc hoài nghi vaccine càng kéo dài lâu thì cơ hội để virus đột biến càng tăng, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều chủng nguy hiểm hơn có thể lẩn trốn vaccine.


- “Long COVID-19”, tạm dịch là “COVID-19 kéo dài” đã được chứng minh là một biến chứng nguy hiểm của COVID-19 khi sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề cả về thể chất lẫn tâm thần, một số bị suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Ngay cả những vận động viên trẻ cũng đã bị sương mù não, đau tức ngực và khó thở nhiều tháng sau khi nhiễm virus.

Tuy nhiên, những lầm tưởng và lo lắng không cần thiết đã khiến nhiều người do dự, thậm chí là tẩy chay vaccine. 

“Tôi không muốn nhiễm virus từ vaccine”

Điều này là không thể. Bởi nguyên lý của việc sử dụng vaccine là đưa vào cơ thể kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, làm cho cơ thể tự tạo ra tình trạng miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh (nghĩa là gây miễn dịch chủ động nhân tạo). Khi bạn được tiêm ngừa, các thành phần có trong vaccine sẽ kích thích cơ thể tạo ra “kháng thể” đặc hiệu. 

Chúng tôi không biết tác dụng phụ lâu dài của vaccine là gì?

Tiến sĩ Ashish Jha, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Brown, cho biết, bất kỳ tác dụng phụ bất lợi nào từ vaccine hầu như đều xuất hiện trong vòng 2 tuần đầu tiên và muộn nhất là 2 tháng đầu tiên sau khi tiêm.

Đó là lý do tại sao ông và nhiều chuyên gia y tế khác yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đợi ít nhất 2 tháng sau khi những người tham gia thử nghiệm được tiêm chủng trước khi xem xét có cấp phép khẩn cấp cho vaccine COVID-19 hay không.

Tiến sĩ Paul Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục về vaccine tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia và là thành viên của Ủy ban tư vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học liên quan của FDA cho biết các tác dụng phụ nghiêm trọng nhất trong lịch sử của vaccine đều đã được ghi nhận trong vòng 6 tuần. Theo chuyên gia này, có thể có những tác dụng phụ rất hiếm không được tìm thấy ngay trong các thử nghiệm lâm sàng. Nhưng đó là do những tác dụng phụ đó rất hiếm, chứ không phải vì đó là vấn đề lâu dài.

Tôi từng mắc COVID-19 và vì thế không cần phải tiêm phòng

Các chuyên gia y tế cho biết, ngay cả khi bạn đã bị nhiễm SARS-CoV-2, bạn vẫn nên tiêm phòng vì khả năng miễn dịch bạn nhận được khi tiêm chủng sẽ lâu hơn hoặc mạnh hơn khả năng miễn dịch mà bạn có được sau khi bị nhiễm.

Vaccine có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi?

Đây là điều hoàn toàn vô lý. Theo Tiến sĩ Paul Offit, không có bằng chứng cho thấy một người mất khả năng sinh sản vì vaccine COVID-19.

Vì vậy, sẽ là sai lầm khi cho rằng khi tạo ra phản ứng miễn dịch với protein tăng đột biến SARS-CoV-2, bạn cũng vô tình tạo ra phản ứng với protein nhau thai và sau đó sẽ khiến bạn ít có khả năng sinh sản hơn. Lợi ích của việc chủng ngừa nếu bạn đang mang thai hoặc đang cố gắng mang thai vượt xa những rủi ro, bởi mang thai khiến một người có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng cao hơn. 

Việc tôi có tiêm phòng hay không không liên quan đến người khác 

Việc từ chối vaccine COVID-19 thực sự ảnh hưởng đến rất nhiều người, không chỉ chính bạn, những người thân yêu mà thậm chí cả cộng đồng và đất nước của bạn.

Không có loại vaccine nào đạt hiệu quả ngừa bệnh 100%. Vì thế, ngay cả khi bạn bè và gia đình của bạn tiêm phòng, nhưng bạn không tiêm phòng, thì bạn vẫn có thể mang và lây truyền virus cho người thân.

Tôi còn trẻ và khỏe mạnh, vì vậy tôi không cần phải tiêm phòng

Việc tiêm chủng cho những người trẻ, khỏe mạnh là rất quan trọng. Bởi những người trẻ tuổi có thể bị biến chứng COVID-19 lâu dài, bị mệt mỏi mãn tính, đau ngực, khó thở và sương mù não nhiều tháng sau khi bị nhiễm trùng.

Tiến sĩ Jonathan Reiner, giáo sư y khoa và phẫu thuật tại Đại học George Washington cho biết, COVID-19 có thể không giết chết bạn, nhưng sẽ hủy hoại cuộc sống của bạn. Những người trẻ tuổi có thể dễ dàng truyền virus và đã có nhiều đợt bùng phát COVID-19 tại các trại hè dành cho thanh thiếu niên. Họ có thể trở thành nạn nhân của chính hệ thống miễn dịch mạnh mẽ của mình. Các bác sĩ đã nhận thấy một số bệnh nhân trẻ, trước đây khỏe mạnh bị bão cytokine COVID-19 . Về cơ bản, đó là khi hệ thống miễn dịch của ai đó phản ứng quá mức, có khả năng gây viêm nặng hoặc các triệu chứng nghiêm trọng khác.

Các loại vaccine COVID-19 hiện nay đều mới chỉ được cấp phép khẩn cấp

Đúng các loại vaccine như Astra Zeneca, Pfizer / BioNTech, Moderna hay Johnson & Johnson đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp, song đó là vì chưa có đủ thời gian để biết vaccine có hiệu quả trong bao lâu. Với đại dịch COVID-19 hiện nay, bạn không thể kéo dài việc thử nghiệm trong nhiều năm. Bởi vì virus đã giết chết rất nhiều người trên khắp thế giới. Việc vaccine được cấp phép khẩn cấp không có nghĩa là chúng kém an toàn hơn và vẫn được được xem xét với mức độ giám sát tương tự như khi được phê duyệt đầy đủ.

Điểm mấu chốt

Chìa khóa để chấm dứt đại dịch này không chỉ là tiêm vaccine, mà còn là được chủng ngừa càng sớm càng tốt, trước khi virus biến đổi thành các biến thể mà chúng ta không thể kiểm soát bằng vaccine hiện hành. Theo Tiến sĩ Vivek Murthy, Tổng bác sĩ phẫu thuật Mỹ, vaccine là con đường quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch này. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải đưa tất cả mọi người ở đất nước mình đi tiêm phòng.

Theo VOV