Mexico điều tra nghi án mua bán phần mềm gián điệp Pegasus

Tin tức - Ngày đăng : 13:06, 22/07/2021

Trong số các nhân vật bị phần mềm Pegasus theo dõi ở Mexico có 25 nhà báo và thậm chí cả với những người thuộc phe Tổng thống cánh tả Andres Manuel Lopez Obrador trước thời điểm ông nhậm chức.


Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador

Theo AFP, ngày 21.7, Mexico thông báo đang điều nghi án tham nhũng liên quan đến vụ mua bán phần mềm độc hại Pegasus trị giá 32 triệu USD vốn bị giới chức cáo buộc là được dùng để giám sát các đối thủ chính trị và nhà báo.

Trước đó, một cuộc điều tra của truyền thông quốc tế trong tuần này cho biết 15.000 số điện thoại thông minh của Mexico nằm trong danh sách hơn 50.000 số điện thoại được cho là bị theo dõi bởi phần mềm gián điệp Pegasus do công ty NSO của Israel phát triển.

Trong số các nhân vật bị theo dõi ở Mexico có 25 nhà báo và thậm chí cả với những người thuộc phe Tổng thống cánh tả Andres Manuel Lopez Obrador trước thời điểm ông nhậm chức.

Trả lời phỏng vấn truyền thông, người đứng đầu Cục Tình báo Tài chính Mexico (UIF) Santiago Nieto thông báo cuộc điều tra tập trung vào hai công ty Balam Seguridad Privada và Grupo Tech Bull, có trụ sở tại Mexico.

Công ty Grupo Tech Bull đã nhận được hợp đồng với văn phòng Tổng chưởng lý để mua phần mềm gián điệp Pegasus trị giá 32 triệu USD vào năm 2014, thời điểm ông Enrique Pena Nieto của Đảng Cách mạng Thể chế (PRI) là Tổng thống.

Cũng theo ông Santiago Nieto, công ty KBH liên kết với Grupo Tech Bull phụ trách việc chuyển tiền cho NSO và khoản tài chính cuối cùng được chuyển đến Italy, Mỹ và Israel, do đó Grupo Tech Bull bị nghi ngờ là một công ty bình phong.

Ngoài ra, Mexico đang điều tra nghi án rửa tiền, trốn thuế và sẽ phong tỏa tài khoản của 24 người có liên quan đến vụ việc này.

Theo cuộc điều tra về Dự án Pegasus, trong số các cơ quan chức năng Mexico đã mua phần mềm gián điệp này có Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo An ninh quốc gia.

Tuy nhiên, Tổng thống Mexico Lopez Obrador khẳng định các nhà chức trách hiện chỉ theo dõi tội phạm chứ không theo dõi các đối thủ chính trị hay phóng viên.

Trước đó, phần mềm Pegasus bị cáo buộc là dùng để giám sát hơn 10 nguyên thủ quốc gia và hàng trăm nhà báo, khiến Israel phải đối mặt với yêu cầu ngừng xuất khẩu công nghệ gián điệp.

Theo Vietnam+