"Đào tạo sao để tiến sĩ đừng chỉ là danh xưng!"
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 06:49, 23/07/2021
ới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa ban hành thông tư mới quy định về việc tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Ngay khi vừa ban hành, những nội dung trong thông tư này đã vấp phải nhiều ý kiến trái nhiều.
Linh động trong bài báo quốc tế
Một trong những điểm mới của thông tư này là bài báo quốc tế không còn là yêu cầu bắt buộc, thay vào đó chấp nhận các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước. Nói về nội dung này, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, nhiều nước trên thế giới quy định, nghiên cứu sinh phải có các bài viết đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, có chỉ số cho điểm. Chỉ khi các bài viết đó được các tờ tạp chí chấp nhận thì mới được công nhận là bài báo khoa học. Đây là cách để đo đếm chất lượng của các bài nghiên cứu khi làm luận án tiến sĩ. Thực tế đã rất nhiều nước áp dụng quy định này, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam muốn hội nhập với thế giới, thì nghiên cứu sinh cũng cần có các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng với một số chuyên ngành có thể đăng, nhưng cũng có những chuyên ngành lại rất khó. Nên chăng chúng ta nên chia ra những lĩnh vực nào cần có bài báo khoa học quốc tế, những lĩnh vực nào không cần thiết. Một số bài có những nội dung về chính trị, nghiên cứu về Đảng… thì không nên đăng ở các tạp chí nước ngoài. Chúng ta cũng cần tính đến có những lĩnh vực mang tính nhạy cảm, các nghiên không thể công bố rộng rãi.
Hơn nữa, các bài báo nếu được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế nhưng cũng không được ứng dụng góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy thịnh vượng văn hóa ở Việt Nam thì luận án đó cũng thiếu đi những giá trị nhất định. Một bài báo quốc tế nhưng lại không ứng dụng được vào thực tế Việt Nam thì cũng không giải quyết được vấn đề gì, như vậy lại đang mắc phải căn bệnh nghiên cứu, bảo vệ xong rồi lại cất đi. Cần tính đến việc làm sao cho những bài báo nghiên cứu ấy cần có ý nghĩa thiết thực và có thể ứng dụng vào thực tế”, GS.TS Dong nói.
Bên cạnh đó, GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho rằng, cách đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay còn hết sức “cổ lỗ, đơn giản, khuôn mẫu, đào tạo ra những tiến sĩ nói như nhau, viết như nhau”. Thầy Dong cho rằng, dù đào tạo theo bất cứ hình thức nào, thì những tấm bằng tiến sĩ đó cũng phải góp phần vào cải tạo thực tế của đất nước.
“Nếu chỉ đào tạo để có những bài báo quốc tế mà không giải quyết được vấn đề gì thì không được. Nhưng cũng có những ngành nghề, những vị trí việc làm đòi hỏi đào tạo theo yêu cầu chung của quốc tế, thì khi đó lại phải rất linh hoạt. Nên chăng phải kết hợp đào tạo, quốc tế hóa chương trình đào tạo đại học, đây là xu hướng chung của giáo dục đại học hiện nay. Đại học không chỉ là ao làng, đại học phải là biển lớn”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.
Một giáo sư không thể hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh
Nói thêm về quy định mới trong đào tạo tiến sĩ, GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho rằng, để 1 giáo sư hướng dẫn tối đa đến 7 nghiên cứu sinh là điều bất hợp lý. Quy định hiện nay, mỗi giáo sư hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh đã là quá tải. Thầy Dong cho rằng, đáng ra Bộ nên giảm số lượng này xuống còn 3 nghiên cứu sinh/giáo sư hướng dẫn.
“Nếu quy định 7 nghiên cứu sinh thì không thầy nào hướng dẫn nổi. Đáng ra khi ban hành quy định, Bộ nên tổ chức hội nghị lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là ý kiến từ những người đã tham gia đào tạo tiến sĩ nhiều năm”, GS.TS Phạm Tất Dong nêu ý kiến.
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Sóng Hiền cũng quan ngại về chất lượng đầu ra của tiến sĩ nếu áp dụng thông tư mới của Bộ GDĐT.
“Dù Bộ GDĐT lý giải “có một số quy định không còn phù hợp và “tăng cường quy định đảm bảo liêm chính học thuật, học thật, nghiên cứu thật”, thực tế cho thấy, so với thông tư năm 2017 thì thông tư 2021 đưa vào những quy định lỏng lẻo và phi khoa học”, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nói.
Lấy dẫn chứng cụ thể, ông Hiền cho rằng, việc tăng số lượng nghiên cứu sinh từ 5 lên 7 người đối với một giáo sư và theo Bộ GDĐT là “nhằm thu hút, tận dụng tri thức nhưng không làm giảm chất lượng đào tạo”, nhưng điều này hết sức nghịch lý.
Giáo sư cũng là một giảng viên, ngoài hướng dẫn nghiên cứu sinh còn phải tham gia giảng dạy, xuất bản công trình nghiên cứu, tham gia và điều hành các dự án nghiên cứu khác theo quy định.
Với lượng thời gian và công việc như vậy thì không thể đảm bảo chất lượng đầu ra nghiên cứu sinh khi hướng dẫn độc lập đến 7 người. Ngay cả những giáo sư có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu lâu năm ở Úc họ cũng không thể đảm đương cùng lúc 7 nghiên cứu sinh với tư cách là hướng dẫn chính.
Chuẩn đầu vào ngoại ngữ của tiến sĩ quá thấp
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền cũng cho rằng, ngay cả tiêu chuẩn đầu vào về ngoại ngữ cũng hết sức bất cập nếu không nói là khó hiểu khi bổ sung thêm các ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nga, Tiếng Đức... cho đầu vào bậc tiến sĩ.
Vì hơn 70% các tài liệu, công trình nghiên cứu trên thế giới đều bằng tiếng Anh. Các hội thảo quốc tế trong hầu hết các lĩnh vực nghiên cứu trên thế giới đều sử dụng tiếng Anh thì với những tiến sĩ Việt Nam công bố quốc tế bằng tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Hàn thì có thể công bố trên tạp chí uy tín nào? Đọc và tra cứu các công trình nghiên cứu của các học giả trên thế giới như thế nào? Tham gia các hội thảo quốc tế ra sao? Chưa nói tới quy định khung ngoại ngữ đầu vào quá thấp không theo quy chuẩn quốc tế nào.
Chẳng hạn, với tối thiểu IETLS 5.5 trong thang điểm đánh giá của Hội đồng Anh thì những người đạt mức điểm này các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết chỉ ở mức trung bình chưa đủ khả năng có thể đọc và hiểu các văn bản có tính nghiên cứu chuyên ngành.
“Ngay những học sinh vào trường chuyên Anh ở một số tỉnh trong nước điều kiện đầu vào IETLS đã là 6.5 thì để đào tạo một tiến sĩ tiếp cận với chuẩn quốc tế thì mức điểm ngoại ngữ đầu vào không thể quá thấp đến như vậy”, ông Nguyễn Sóng Hiền nói.
So sánh với một số quốc gia phát triển về đào tạo tiến sĩ, chuyên gia này cho rằng chuẩn đầu vào tại Việt Nam hiện nay còn quá thấp.
“Theo tôi, chúng ta thà chấp nhận số lượng tiến sĩ ít nhưng những người được xã hội tôn vinh cho học vị này phải thực sự xứng đáng với danh vị đó. Họ phải thực sự là những tinh hoa đất nước.
Chúng ta phải hướng đến đào tạo tiến sĩ là để tạo những người làm khoa học thực thụ, tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu chứ không phải tạo ra danh xưng”, ông Nguyễn Sóng Hiền nói.
Siết nạn “đạo” văn, tăng cường liêm chính học thuật
Ông Hiền cũng cho rằng, một vấn đề quan trọng nếu không nói là mang tính cốt lõi của đào tạo đội ngũ khoa học mà trong thông tư mới này hoàn toàn không đề cập tới đó là các quy định và nguyên tắc đạo đức và văn hóa nghiên cứu. Đó là về vấn đề đạo văn, vấn đề liêm chính trong học thuật.
Ở Australia, Chính phủ ban hành riêng các quy định và hướng dẫn về văn hóa và đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đạo văn được xem là một dạng tội phạm dù dưới hình thức nào và có thể bị truy cứu hình sự.
Chuyên gia Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh, trong nghiên cứu khoa học, vấn đề đạo đức nghiên cứu luôn luôn được xem như là một yêu cầu bắt buộc. Vì vậy, thông tư cần nghiên cứu và bổ sung mục này chứ không nên coi nhẹ nó.
Theo VOV