Đừng để "sinh con rồi mới sinh cha"

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:21, 23/07/2021

Quy hoạch là dọn đường cho mai sau nên phải được tính toán, xây dựng bài bản, kỹ lưỡng nhưng không thể vin vào cớ này để biện minh cho việc làm quy hoạch chậm, muộn.

Được ví như bộ khung để tạo đà cho sự phát triển nhưng câu chuyện về quy hoạch hiện nay còn nan giải khiến nhiều cấp, ngành loay hoay. Và vô hình trung biến quy hoạch từ lợi thế thành lực cản vì tình trạng "sinh con rồi mới sinh cha".

Quy hoạch là yếu tố then chốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc định hướng phát triển. Vì thế quy hoạch luôn phải đi trước một bước để có căn cứ triển khai các kế hoạch, phương án cụ thể phía sau. Mặc dù vậy, việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành vẫn chưa thật sự được quan tâm thấu đáo. Nhiều quy hoạch đi sau, thậm chí là sau cùng làm xáo trộn mọi hoạt động đang diễn ra, gây khó khăn cho việc quản lý, điều hành. Chính vì “sinh sau, đẻ muộn” nên có những quy hoạch buộc phải chấp nhận sự chi phối, tác động của điều kiện thực tế theo hướng không mấy tích cực, có khi ngược lại đường hướng đã được vạch ra từ trước.

Ban đầu, Hải Dương đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2020. Song sự chậm trễ trong thực hiện quy hoạch vùng huyện đã cản trở tỉnh đạt được mục tiêu này. Tuy đây không phải là lý do duy nhất nhưng lại là nguyên nhân quan trọng nhất và gợi ra những bất cập liên quan tới công tác quy hoạch. Trong xây dựng nông thôn mới cấp xã hay huyện thì quy hoạch là tiêu chí được xem xét đầu tiên. Vì phải có quy hoạch thì mới thực hiện được các tiêu chí khác như giao thông, thủy lợi, tổ chức sản xuất... Hiện tỉnh còn 4 huyện chưa được công nhận huyện nông thôn mới là Ninh Giang, Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành. Điểm chung của các địa phương này là đều chưa làm xong tiêu chí đứng đầu là quy hoạch trong khi 8 tiêu chí phía sau đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành. Nghịch lý này đã dẫn đến nghi ngại rằng các địa phương đang đặt quy hoạch ở đâu trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đáng lẽ ra quy hoạch phải đi trước mở đường thì giờ lại đuổi theo sau nhu cầu của thực tế.       

Quy hoạch là nền tảng, là cốt lõi nhưng nếu ít được đầu tư, chú trọng và về lâu về dài sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ, hệ lụy. Quy hoạch giúp các cấp, ngành có cái nhìn toàn diện về vấn đề đặt trong bối cảnh cụ thể để có định hướng phát triển phù hợp. Từ quy hoạch chung sẽ hình thành quy hoạch riêng và ngược lại những quy hoạch chuyên ngành được xây dựng trên cơ sở quy hoạch chung sẽ tạo ra một tổng thể phát triển phù hợp, hài hòa. Chính vì vai trò quan trọng này nên để một quy hoạch được phê duyệt, đưa vào cuộc sống phải qua nhiều khâu thẩm định, mất rất nhiều thời gian. Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, không ít những quy hoạch có sự chồng lấn hoặc thiếu sự liên kết với nhau vì được xây dựng chắp vá, hời hợt trong thời gian gấp gáp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy hoạch treo do không giải quyết được mâu thuẫn, bất đồng giữa các quy hoạch.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay không chỉ là thời điểm lập quy hoạch mà còn cả chất lượng của các quy hoạch. Không có quy định hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình mới. Song nếu điều chỉnh quá nhiều lần cũng chứng tỏ năng lực lập quy hoạch hạn chế khi những dự đoán, dự báo không sát thực tế. Điều này được thể hiện qua các quy hoạch bị phá vỡ hay những tình huống phát sinh ngoài quy hoạch. Ngoài ra, một vấn đề khác cần nhìn nhận, đó là nếu bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ hay lợi ích nhóm thì quy hoạch có thể bị chệch hướng.

Quy hoạch là dọn đường cho mai sau nên phải được tính toán, xây dựng bài bản, kỹ lưỡng nhưng không thể vin vào cớ này để biện minh cho việc làm quy hoạch chậm, muộn. Quản lý quy hoạch cần linh hoạt nhưng không tùy tiện, nhất là cần tăng cường tính minh bạch, sự đồng thuận của người dân. Có như vậy, các quy hoạch mới thật sự phát huy hiệu quả trong việc dẫn dắt, định hướng phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và bền vững.

HOÀNG LINH (Thanh Hà)