Điều cần biết về luật cư trú mới: Điều kiện đăng ký thường trú tại 63 tỉnh thành là như nhau

Tư vấn - Ngày đăng : 08:34, 23/07/2021

Luật cư trú mới quy định điều kiện Đăng ký thường trú (ĐKTT) ở 63 tỉnh, thành là như nhau.

Ngày 13.11.2020, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021.

Luật Cư trú năm 2020 gồm 07 chương, 38 điều, trong đó có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013).

Trong đó nội dung đáng chú ý trong các điểm sửa đổi, bổ sung có điểm thứ ba nêu rõ không quy định riêng điều kiện ĐKTT tại thành phố trực thuộc trung ương, điều kiện đăng ký thường trú ở 63 tỉnh, thành là như nhau.

Cụ thể, sẽ không còn quy định riêng đối với trường hợp ĐKTT tại thành phố trực thuộc trung ương, kể cả ĐKTT tại TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội.

Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

Theo đó, người dân chỉ cần có 01 trong các điều kiện theo quy định mới tại Điều 20 Luật Cư trú để ĐKTT, cụ thể:
(1) công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó (khoản 1 Điều 20);

(2) Khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đông ý trong các trường hợp vợ/chồng về ở với chồng/ vợ; con/ cha, mẹ về ở với cha/ mẹ, con; người cao tuổi về ở với anh/ chị/ em/ cháu ruột; người khuyết tật/ người không có khả năng lao động/ người bị tâm thần hoặc bệnh khác… về ở với ông nội/ bà nội/ ông ngoại/ bà ngoại/ anh ruột…; người chưa thành niên được cha/ mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha/ mẹ về ở với ruột thịt (cụ nội, cụ ngoại, ông nội, ông ngoại…); người chưa thành niên về ở với người giám hộ thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình;

(3) được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nếu bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08m2/sàn/người (điểm b khoản 3 Điều 20). Đồng thời, phải được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ.

PV