Hiệu quả Quỹ Phòng chống thiên tai
Môi trường - Ngày đăng : 11:51, 23/07/2021
Nhiều sự cố đê điều trên địa bàn tỉnh được xử lý bằng nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai
Những năm qua, Quỹ Phòng chống thiên tai (PCTT) đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác PCTT trên địa bàn tỉnh. Đây là nguồn lực tài chính quan trọng để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý các sự cố đê điều, thủy lợi do thiên tai gây ra.
Xử lý nhiều sự cố đê điều khẩn cấp
Trong mùa mưa bão năm 2020, từ km26+990 - km28 đê tả sông Kinh Môn đoạn qua xã Minh Hòa (Kinh Môn) xuất hiện nhiều vết nứt ở mái đê phía đồng, một số vị trí sạt lở lấn vào mặt đê. Đây vừa là mái đê phía đồng vừa là bờ kênh trung thủy nông Minh Hòa đoạn hạ lưu cống Nải nên nguy cơ cao tiếp tục xảy ra sự cố. Để bảo đảm an toàn công trình, UBND tỉnh đã quyết định xử lý khẩn cấp sự cố này và giao Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư. Hiện công trình đã thi công được 40% khối lượng công việc.
Đây là 1 trong 4 công trình đang được xử lý bằng nguồn Quỹ PCTT do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư. Công ty cũng đang tổ chức thi công xử lý gia cố kênh thượng lưu cống An Bài; xử lý chống sạt lở kênh dẫn và cống Ông Cận trên kênh T2 - 1 Ngọc Trì; gia cố kênh thượng, hạ lưu cống Cầu Đông trên kênh tiêu chính trạm bơm Thanh Lang B. Cả 4 công trình có tổng mức đầu tư khoảng 11 tỷ đồng.
Năm 2020, UBND tỉnh quyết định trích hơn 17 tỷ đồng từ Quỹ PCTT để xử lý 6 sự cố đê điều khẩn cấp gồm kè: Thanh Lang (Thanh Hà); An Điền, Minh Tân (Nam Sách); Thăng Long (Kinh Môn); Hiệp Lực (Ninh Giang) và Thanh Kỳ (Tứ Kỳ). Các công trình đều được bàn giao và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay góp phần bảo đảm an toàn cho các tuyến đê.
Những năm trước, nhiều đợt mưa bão lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, UBND tỉnh đã trích Quỹ PCTT hơn 5,2 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai năm 2017 và hỗ trợ thị xã Kinh Môn chi trả kinh phí xử lý sự cố công trình đê điều theo phương châm "4 tại chỗ" của năm 2017. Năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục trích hơn 9,1 tỷ đồng từ Quỹ PCTT để hỗ trợ khôi phục sản xuất thiên tai của năm 2018; kinh phí xử lý các sự cố đê điều... Đến nay, tỷ lệ chi cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra đạt gần 76%.
Sự cố sạt lở bờ kênh trung thủy nông Minh Hòa đoạn hạ lưu cống Nải (mái đê phía đồng, đê tả Kinh Môn) được xử lý bằng nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai đã thi công đạt 40% khối lượng công việc
Giảm áp lực ngân sách
Quỹ PCTT được thành lập theo Nghị định 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là nguồn bổ sung kinh phí quan trọng giúp khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó sự cố do thiên tai gây ra. Hằng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu Quỹ PCTT cho các địa phương thực hiện. Năm 2021, UBND tỉnh giao cho các địa phương thu 14,3 tỷ đồng, tương đương năm 2020. Đến nay, các địa phương đã thu nộp Quỹ PCTT năm 2021 đạt khoảng 50% chỉ tiêu được giao.
Theo ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiệu quả lớn nhất mà Quỹ PCTT mang lại là giúp các địa phương chủ động nguồn kinh phí để hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước. Các huyện, thành phố và thị xã căn cứ vào kế hoạch PCTT của địa phương để chủ động dự phòng kinh phí xử lý sự cố trong trường hợp thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, theo quy định mới, Quỹ PCTT có thể điều chỉnh kinh phí linh động giữa các tỉnh, thành phố để hỗ trợ các địa phương khắc phục, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.
Hiện hoạt động thu, chi và quản lý quỹ trên địa bàn tỉnh bảo đảm công khai, minh bạch. Việc huy động nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác PCTT bước đầu đạt hiệu quả. Toàn bộ nguồn kinh phí của Quỹ PCTT quản lý qua hệ thống Kho bạc Nhà nước. Chủ tịch UBND tỉnh là người quyết định toàn bộ các khoản chi từ quỹ cho hoạt động PCTT. Dù vậy, việc triển khai công tác thu, chi của quỹ cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Một số tổ chức, cá nhân còn chây ỳ, trốn tránh không nộp quỹ đầy đủ, đúng hạn. Việc thu quỹ ở các tổ chức, doanh nghiệp còn gặp khó khăn, một số đơn vị chưa tự giác xây dựng chỉ tiêu thu quỹ theo quy định; khó xác định tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp để tính mức thu... đã gây thất thoát không ít cho Quỹ PCTT.
Trên thực tế, thiệt hại do thiên tai ngày càng lớn đã tạo áp lực trong điều tiết ngân sách. Việc duy trì và phát triển Quỹ PCTT là hết sức cần thiết nhằm huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ công tác PCTT. Để việc thu, chi quỹ đạt kết quả cao, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và toàn thể xã hội về nộp quỹ, các địa phương cần xây dựng kế hoạch chỉ tiêu thu quỹ hằng năm để bảo đảm tiến độ thu nộp.
TRẦN HIỀN