Thị trường vàng trong nước trồi sụt bất nhất, tìm kiếm động lực mới
Thị trường - Ngày đăng : 16:35, 24/07/2021
Vàng trang sức bày bán tại Công ty Vàng bạc đá quý Doji trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Trong bối cảnh đồng USD mạnh lên, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hạ và đợt bùng phát dịch COVID-19 mới với biến thể Delta của SARS-CoV-2 làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế toàn cầu, thị trường vàng được cho rằng đang phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Tuần qua, theo xu hướng thị trường vàng thế giới, thị trường vàng trong nước cũng ghi nhận giao dịch trồi sụt bất nhất.
Tính chung cả tuần 24.7, giá vàng bán ra trong nước giảm 100.000 đồng/lượng.
Chốt phiên cuối tuần, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,9-57,57 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Sáng 23.7, các doanh nghiêp vàng bạc đá quý điều chỉnh giá vàng bán ra với mức tăng 50.000 đồng/lượng.
Sáng 22.7, giá vàng gần như đi ngang trong khi giá vàng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra trong sáng 21.7 trước đó. Sáng 20.7, giá vàng được điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng.
Phiên giao dịch đầu tuần 19.7, giá vàng trong nước biến động trái chiều trong khi giá vàng thế giới tiếp tục tăng tuần thứ 4 liên tiếp.
Trên thị trường thế giới, khép lại phiên giao dịch cuối tuần với giá vàng giảm.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.800,72 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn mất 0,2%, xuống 1.801,8 USD/ounce.
Cả tuần qua, giá vàng đã giảm 0,7% sau khi chạm mức đỉnh của 1 tháng hồi tuần trước khi lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 gây ra bởi biến thể Delta đã dịu bớt.
Nhà đầu tư cũng chuyển ra khỏi các tài sản trú ẩn an toàn khi sức hấp dẫn từ các tài sản rủi ro quay trở lại.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff tại Kitco Metals nhận định: “Thị trường vàng đang tìm kiếm một động lực cơ bản mới và hiện chưa có một động lực nào thực sự”.
Ông Wyckoff đồng thời lưu ý lãi suất thực suy yếu và sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 không đủ đẩy giá vàng tăng cao.
Nhân tố khác cũng góp phần gây sức ép giảm lên kim loại quý này là đồng USD mạnh hơn, với chỉ số đồng USD dao động gần mức đỉnh 3,5 tháng và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vững chắc hơn.
Lãi suất cao hơn có xu hướng gây áp lực lên vàng, vốn không mang lại lợi suất khi nó làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý.
Hiện thị trường đang tập trung vào cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra vào tuần tới, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 22.7 cam kết giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong một thời gian.
Trước đó, giá vàng đi xuống phiên đầu tuần 19.7 rồi phục hồi ngay trong phiên giao dịch liền sau đó ngày 20.7.
Sáng 21.7, giá vàng thế giới chạm mức thấp nhất hơn một tuần giữa bối cảnh nhu cầu đối với các kênh đầu tư mạo hiểm đã gia tăng trở lại với sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ.
Tuy nhiên, mặt hàng này đã tăng trở lại trong phiên 22.7 khi thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm đã “lấn át” sự tăng giá của đồng USD, đồng thời khôi phục sự hấp dẫn của kim loại quý này như là kênh đầu tư an toàn.
Theo TTXVN