Tập luyện – phương pháp giúp trị thoái hóa khớp không dùng thuốc
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:53, 25/07/2021
Đạp xe - môn thể thao thích hợp cho người bị thoái hóa khớp.
Thoái hóa khớp đối với các khớp ngoại vi biểu hiện ở các tổn thương nứt vỡ, mòn, bong sụn khớp; đặc, xơ xương dưới sụn; gai xương tân tạo; viêm màng hoạt dịch không đặc hiệu; các tổn thương phần mềm khác như sụn chêm, dây chằng, bao khớp, điểm bám gân quanh khớp.
Đối với cột sống, ngoài các thương tổn ở sụn khớp, gai xương tân tạo quanh các đốt sống, khớp liên mấu, dây chằng dọc trước - sau cột sống, có thể có những tổn thương của đĩa đệm cột sống, rễ thần kinh.
Thoái hóa khớp thường gặp ở các khớp chịu tải của cơ thể, lần lượt là các khớp gối, khớp háng, cột sống thắt lưng, cột sống cổ. Ít gặp hơn ở các khớp cổ chân, các khớp liên đốt ngón xa, khớp vai, khớp cổ tay, khớp khuỷu.
Yếu tố nguy cơ và biểu hiện của thoái hóa khớp
Tuổi tác và sự lão hóa là yếu tố hàng đầu gây thoái hóa khớp nguyên phát. Nữ gặp nhiều, thường tiến triển nhanh và nặng hơn nam giới. Bên cạnh đó các yếu tố nguy cơ như: Thừa cân, béo phì; quá tải khớp do đặc thù nghề nghiệp lao động thể lực nặng; luyện tập thể dục thể thao, do thói quen lao động sinh hoạt như thường xuyên ngồi xổm, khoanh chân, leo cầu thang...
Thoái hóa khớp thứ phát có thể gặp sau chấn thương xương, khớp; sau mắc các bệnh lý khớp, bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh nội tiết…
Biểu hiện của thoái hóa khớp: Đau là triệu chứng chính. Thoái hóa khớp thường đau cơ học, nghĩa là chỉ đau khi vận động, khác với tình trạng đau liên tục cả khi nghỉ do viêm. Các biểu hiện khác thường gặp như cứng khớp buổi sáng, cứng khớp khi bắt đầu vận động; khớp sưng nề, có thể có biến dạng lệch vẹo khớp, cột sống; “lạo xao” khi gấp duỗi khớp. Một số trường hợp thoái hóa cột sống có thể có chèn ép rễ thần kinh gây đau, tê lan tỏa vai tay, chân.
Tập luyện góp phần điều trị thoái hóa khớp
Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp là kiểm soát đau; hạn chế và làm chậm tiến triển của quá trình thoái hóa; duy trì và tăng khả năng vận động, ngăn ngừa biến dạng khớp; hạn chế tác dụng phụ của thuốc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Khi khớp bị thoái hóa cần tránh những bài tập làm tăng tải trọng cho khớp như tập tạ, đi bộ, lên xuống cầu thang, chạy, nhảy, các môn thể thao đòi hỏi di chuyển, vận động khớp nhiều như tennis, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ… thay vào đó nên tập đạp xe, tập dưới nước, bơi, các bài tập cơ khớp ở tư thế ngồi, nằm.
Một số bài tập cho cột sống cổ, cột sống thắt lưng có thể dễ dàng thực hiện trong không gian hẹp gồm các động tác cúi - ngửa – nghiêng - xoay nhẹ nhàng, nằm ngửa chống hai chân ưỡn cong lưng, treo xà đơn kéo giãn cột sống.
Các bài tập cho khớp gối có thể thực hiện các động tác ngồi co - duỗi gối, nằm ngửa đạp xe ngược, gồng cơ đùi, cẳng chân…
Lưu ý thực hiện một số động tác khởi động, xoa xát day nắn da cơ vùng cổ gáy, thắt lưng, quanh khớp trước khi tập. Cũng nên thận trọng khi tập một số động tác yoga khó đòi hỏi phải gấp gối, quỳ gối trong thời gian dài, các động tác cúi - ưỡn –xoay - vặn cột sống quá mức.
Thay đổi thói quen sinh hoạt không phù hợp như: Không được ngồi xổm, ngồi khoanh chân; hạn chế lên xuống cầu thang; dùng xe kéo để di chuyển đồ thay vì bê xách. Chú ý ngồi đúng tư thế khi làm việc, thay đổi tư thế thường xuyên, nên thực hiện một vài động tác vận động nhẹ nhàng sau khoảng thời gian nhất định hoặc khi thấy mỏi.
Theo Sức khỏe và Đời sống