Đình Mới - di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Nguyễn
Di tích - Ngày đăng : 07:12, 25/07/2021
Đình Mới được nhân dân xây dựng vào thời Nguyễn còn khá nguyên vẹn, có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật
Tọa lạc trên mảnh đất bằng phẳng, đình Mới ở thôn Mạc Thủ, xã Liên Mạc (Thanh Hà) là công trình tín ngưỡng được nhân dân xây dựng vào thời Nguyễn còn khá nguyên vẹn, có giá trị cao về kiến trúc nghệ thuật.
Kiến trúc cổ kính
Văn bia tại di tích ghi nhận, đình Mới xây dựng từ thời Nguyễn vào năm Bính Thân (1896) và có tên là đình Mạc Thủ gắn với địa danh của làng. Ban đầu ngôi đình tọa lạc ở cuối làng trên mảnh đất chật hẹp, vì thế đến năm Bảo Đại 11 (1936), các hương lý, kỳ hào, bô lão và nhân dân trong làng quyết định di chuyển ngôi đình về phía bắc, cách ngôi đình cũ khoảng 500 m. Theo quan niệm dân gian, vị trí ngôi đình mới được dựng trên thế đất đắc địa là doi đất hình rồng của làng Mạc Thủ theo hướng đông tây, giữa ao có một hòn đất tròn như hòn ngọc tự nhiên. Bên phải có một gò đất được coi là hổ phục. Bên trái có giếng và ao nhỏ tục truyền là mắt rồng. Phía sau có đống Tường Vân và ao nhỏ tạo thành cảnh quan thiêng liêng. Tên gọi đình Mới có từ đó và tồn tại đến nay.
Đương thời, khu di tích khá lớn, có đình, dải vũ ở phía đông, phía tây và nghi môn. Trải qua chiến tranh và thiên nhiên, một số công trình bị xuống cấp và hư hại nay chỉ còn đình chính, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái xây đao tàu déo góc và 3 gian hậu cung xây bít đốc. Từ xa nhìn về, đình Mới có hai lớp mái nối liền nhau từ thấp đến cao, ẩn hiện trong các lùm cây xanh càng tăng vẻ đẹp cổ kính.
Tòa đại bái dài 17,43 m, rộng 8,16 m xây đao tàu déo góc, tứ trụ lòng thuyền gồm 4 hàng cột ngang, 4 hàng cột dọc liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành bộ vì hoàn chỉnh, chất liệu gỗ lim chắc chắn. Kết cấu khung vì theo kiểu giá chiêng xen lẫn chồng rường, các cột đều tạo dáng đầu cán cân, chân quân cờ kê trên đá tảng tròn. Lòng mái kết thượng tứ hạ ngũ, bốn khoảng trên lắp đặt con rường đấu vuông soi chỉ kép, năm khoảng dưới sử dụng con rường chống đấu đĩa chạm hoa văn cánh sen. Trên đầu các con rường chạm hình lân cách điệu và lá lật mềm mại. Gối đỡ câu đầu là hệ thống đầu dư được chạm khắc tinh xảo, miệng rồng ngậm ngọc, đao tóc bay tỏa ra phía sau, thân rồng luồn qua đầu cột cái để lộ đuôi xoáy đặc trưng điêu khắc thời Nguyễn rõ nét...
Để tăng vẻ đẹp của di tích, các nghệ nhân còn trang trí thêm hai con rồng kìm chầu mặt trời trên bờ nóc, 4 đôi nghê tại góc chối bờ dải và 4 cặp rồng phượng gắn liền đao mác. Hai đầu nóc là hai lạc long trong tư thế quay đầu vào nhau, bờm tóc dài, đuôi cuộn tròn đặt trên trụ đấu. Các linh vật đều được tạo dáng ở những tư thế khác nhau rất sống động.
Hậu cung dài 7,58 m, rộng 7,28 m, tuy kiến trúc có phần đơn giản nhưng chắc chắn. Đình còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị, trong đó có bia Tứ Mặc tiên hiền bi ký ghi tên các vị tiến sĩ người địa phương và bia Hậu Hiền bi ký ghi tên những người công đức tiền, ruộng cho đình. Ngoài ra còn một số bức chạm có giá trị về nghệ thuật.
Cụ Phạm Văn Điều, đại diện Ban Quản lý đình cho biết đình thờ Thành hoàng làng có tên hiệu là Phả Chiêu cảm ứng Thái thượng cư sĩ đại vương. Đây là một vị thần có công bảo vệ làng xóm tránh mọi tai ương trong cuộc sống, giúp cho mưa thuận, gió hòa trong sản xuất nông nghiệp, làm nên những mùa màng tốt tươi, gia súc gia cầm không lo bệnh dịch. Do có công với dân làng, Phả Chiêu cảm ứng Thái thượng cư sĩ đại vương được triều Nguyễn ban nhiều sắc phong nhưng do chiến tranh và biến cố thời gian, các sắc phong đến nay không còn.
Hằng năm, ngoài các ngày lễ sóc, vọng, tại di tích diễn ra lễ hội lớn từ ngày 14 - 16.11 âm lịch, trong đó ngày 15 là chính hội. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, lễ hội diễn ra long trọng. Ngày 14 mở cửa đình, lễ cáo yết. Ngày 15, tổ chức rước kiệu Thành hoàng từ đình ra miếu tế lễ. Lễ vật thường là mâm xôi, gà, trầu rượu, hoa quả. Những năm phong đăng hòa cốc, lễ hội kéo dài 5 ngày, lễ vật sửa lớn hơn gồm một con lợn luộc chín hoặc một con trâu thui vàng để tế thần. Ngày 16, tế lễ đóng cửa đình, kết thúc lễ hội. Trong những ngày diễn ra lễ hội, một số trò chơi dân gian được tổ chức như đánh vật, cờ người, bịt mắt bắt dê… riêng buổi tối 15 có hát chèo. Hiện nay, lễ hội vẫn duy trì như xưa nhưng cách ba năm một lần, dân làng lại tổ chức rước thần quanh làng và mở hội lớn.
Bức chạm rồng trên đầu bảy hiên
Nhân dân phát tâm công đức tôn tạo
Với những giá trị độc đáo về nghệ thuật còn lưu giữ, năm 2011, đình Mới được công nhận là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật. Trong những năm gần đây, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp công sức, tiền của trùng tu, tôn tạo di tích, mở rộng sân vườn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.
Ông Phạm Văn Đậm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Mạc Thủ cho biết tòa hậu cung xưa cũng cổ kính, có một số bức chạm rồng, lá lật khá đẹp. Năm 1968, bão lớn quật đổ cây đa cổ thụ bên trái đình làm sập toàn bộ hậu cung. Tòa đại bái cũng bị xuống cấp, đặc biệt là phần ngoại thất, tường nứt, mái dột, cột, vì kèo bị mối thông tâm, một số mảng chạm khắc bong tróc. Năm 1996, được sự cho phép của các cấp, chính quyền và nhân dân địa phương đã phục dựng 3 gian hậu cung, trùng tu, tôn tạo tòa đại bái, đảo lại ngói, trám vá tường, thay một số hoành rui, hệ thống cửa, lát sân, xây dựng nghi môn tứ trụ và hệ thống tường bao với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. Hiện ngôi đình có không gian rộng rãi, thuận lợi cho việc tổ chức lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
ĐẶNG THU THƠM