Tránh ''sập bẫy'' khi đi chợ ảo

Pháp luật - Ngày đăng : 08:13, 25/07/2021

Không ít khách hàng khi đặt mua hàng online đã bị lợi dụng thông tin để chiếm đoạt tài sản, hàng nhận về không đúng với hình ảnh, chất lượng đã đặt.


Lực lượng Quản lý thị trường triệt phá kho hàng giầy dép nghi giả mạo nhãn hiệu ở Hà Nội vào tháng 3.2021

Lộ thông tin cá nhân khi mua hàng online

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ và trở thành kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, loại hình kinh doanh này ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng không ít người nhận “trái đắng” từ loại hình thương mại này.

Chị Nguyễn Thu Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, do thấy các livestream bán quần áo, mỹ phẩm trên facebook với mẫu mã đẹp nên chị cũng đã thử đặt hàng của một shop có đông người theo dõi, lượng chốt đơn lên tới hàng trăm mỗi tối.

Chị Huyền phải canh livestream xem mất 2 tiếng, nhanh tay comment sớm để được chốt đơn mua hàng vì số lượng ít. Cuối cùng, chị đặt được hai bộ váy, một áo sơ mi mà shop quảng cáo là hàng thiết kế.

“Mong mỏi chờ đợi sau 2 tuần thì có người giao hàng, tôi muốn xem hàng trước khi nhận thì nhân viên nói hàng này không được kiểm tra trước. Cuối cùng, lúc mở ra đồ đều không dùng được, khác xa so với hình ảnh khi livestream. Tiếc 800.000 đồn nên tôi liên hệ lại shop nhưng không hề có phản hồi”, chị Huyền kể.

Một số trường hợp thì bị đánh cắp thông tin cá nhân. Anh N.H.T.A cư trú tại TP Hồ Chí Minh đặt mua 1 đôi giày trên gian hàng của một sàn TMĐT với giá 689.000 đồng vào tháng 6.2021. Khi đơn hàng đã đặt chưa được giao cho anh thì có một đơn vị khác lợi dụng thông tin cá nhân của anh để giao cho anh đơn hàng với đúng địa chỉ, đúng tên người nhận và cùng giá trị.

Anh N.H.T.A đã không biết việc này và tin tưởng  rằng đây là đơn hàng của mình, nên đã nhận hàng và thanh toán tiền. Khi bóc kiện hàng ra, anh phát hiện đôi giày không đúng với quy cách, chất lượng mà anh đã đặt. Ngay lập tức anh N.H.T.N đã liên hệ với bên giao hàng để trả lại thì không được đồng ý, đồng thời khi liên hệ với gian hàng thì bị chặn số. Anh đã phản ánh với sàn TMĐT và kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình thì thấy đơn hàng đã bị hủy.

Một vụ việc tương tự, anh N.V.T cư trú tại Vĩnh Long. Anh N.V.T đã đặt mua hàng của một shop trên sàn TMĐT. Sau khi nhận hàng và trả tiền, Anh N.V.T phát hiện thấy sản phẩm giao không đúng với đơn hàng mà anh đã đặt. Kiểm tra tiến độ đơn hàng của mình trên sàn TMĐT thì anh thấy đơn hàng vẫn đang trong tình trạng đóng gói, chờ chuyển đi. Như vậy, thông tin cá nhân, thông tin về đơn hàng của anh N.V.T đã bị đối tượng nào đó thu thập và sử dụng cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đại diện Cục Cạnh tran và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, tổng đài Tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 và Hệ thống tiếp nhận, giải quyết yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng của Cục đã nhận được rất nhiều cuộc gọi, đơn thư phản ánh về việc bị một số đối tượng lừa gạt người tiêu dùng khi thực hiện giao dịch mua sắm trên các gian hàng TMĐT.

Chọn nơi giao dịch mua hàng hóa uy tín

Trước những rủi ro trên khi giao dịch qua TMĐT, để tránh việc quyền lợi người tiêu dùng của mình bị xâm phạm, đại diện Cục Cạn tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng không chia sẻ, tiết lộ các thông tin cá nhân, các thông tin về đơn hàng của mình cho các đối tượng không có liên quan, hoặc đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để lừa đảo, xâm hại người tiêu dùng.

“Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; có thể thông qua các công cụ tìm hiểu, các review đánh giá về cửa hàng và sản phẩm… để tăng mức độ hiểu biết, hỗ trợ cho quyết định đặt hàng của mình”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.

Người tiêu dùng cũng nên lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT có uy tín, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng: Trước khi mua hàng qua TMĐT, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ đó. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền lợi khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng có thể liên hệ với nhà bán hàng, sàn TMĐT để giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp cần tư vấn hoặc phản ánh, khiếu nại, người tiêu dùng liên hệ tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng: 1800.6838 (miễn phí cước gọi) hoặc gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo địa chỉ: 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: bvntd@moit. gov.vn.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, dự báo trong vòng hai đến ba năm tới, tỉ lệ gian lận thương mại trên mạng sẽ chiếm khoảng 50 - 60 % so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. 

Theo báo Tin tức