Chuyện cổ tích về cậu học trò tự kỷ giành huy chương toán quốc tế
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 10:43, 25/07/2021
Ngày 23.7 là một ngày đặc biệt nhất với gia đình cậu học trò Đinh Vũ Tùng Lâm (học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Nhận được tấm huy chương bạc trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) năm 2021, Tùng Lâm nói em muốn giành tấm huy chương này cho mẹ - người đã giành 18 năm để kiên trì đồng hành và chở che cho con trai mắc chứng tự kỷ.
“Người xứng đáng với tấm huy chương này nhất chính là mẹ. Nếu không phải là con của mẹ, chắc chắn em sẽ không làm được những điều như ngày hôm nay.
Mẹ đã đồng hành cùng em trong suốt 18 năm qua, là người bạn cùng em đến trường. Có mẹ bên cạnh, em cảm thấy mọi thứ đều không còn đáng sợ. Em cũng hiểu rằng, sau những thành công của mình luôn là những giọt nước mắt âm thầm, sự nhẫn nại và yêu thương của mẹ", Lâm xúc động.
Sở thích đặc biệt với môn toán
Chị Hải Yến - mẹ Lâm - nhớ mãi cảm giác đau đến quặn thắt khi biết con trai mình mắc phải chứng tự kỷ. Nhưng cũng như rất nhiều người mẹ có con tự kỷ khác, dù day dứt, nhưng chị biết mình càng không thể suy sụp mà phải tìm mọi cách để đồng hành cùng con.
Con quậy phá, ngỗ ngược, không chịu ngồi yên… Đó là quãng thời gian cho đến tận bây giờ, chị vẫn cảm thấy sợ mỗi lần nhớ lại.
Năm Lâm lên 4 tuổi, con mới bắt đầu biết nói. Nhưng Lâm lại tỏ ra đặc biệt thích những con số. Chị Yến nghĩ bằng mọi giá con phải được tới trường.
Nhưng không giống như các bạn khác, lên lớp 1, Lâm vẫn nói u ơ. Không ngôi trường nào dám nhận cậu bé vì cho rằng “Lâm không thể theo được nội quy của trường”.
Phải rất cố gắng, chị Yến mới có thể xin Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho con học tập tại đây với lời hứa “sẽ đồng hành cùng con đi học”.
Nhưng việc cho Lâm đi học cũng không phải dễ dàng. Nhiều lần chị Yến rơi nước mắt khi nhìn thấy con đứng giữa sân trường, xin các bạn cho cùng đá bóng, nhưng không có người bạn nào chịu chơi cùng con.
“Thế rồi, Lâm cứ ôm gốc cây khóc mãi. Lúc đó, có một sự trào dâng khiến mình quyết tâm phải đồng hành cùng con, bằng mọi giá”, chị Yến nhớ lại.
Suốt quãng thời gian sau đó là hành trình hai mẹ con cùng nhau mọi lúc, từ những buổi học đánh vần chật vật, đến những bài ca dao mẹ dạy con ngay cả khi đang đi trên đường, hay những buổi hai mẹ con đèo nhau đi khắp phố phường để con tập quan sát và làm văn miêu tả…
Nhưng cũng vì thế, chị Yến phát hiện ra Lâm có sở thích đặc biệt với môn toán. Cậu bé có thể tính nhẩm rất nhanh và có khả năng ghi nhớ đặc biệt. Tới năm lớp 3, Lâm thi Violympic Toán và đoạt giải. Kể từ đó, cái tên Đinh Vũ Tùng Lâm bắt đầu trở nên quen thuộc với các giải thưởng toán học. Mắc chứng tự kỷ, Lâm lớn lên trong sự tự ti trước bạn bè và cuộc sống. “Tất cả những gì các bạn biết, Lâm đều không biết. Do đó, những giải thưởng này với con đều có rất nhiều ý nghĩa”. Năm 2020, khi còn học lớp 11, Tùng Lâm đã lọt vào đội tuyển dự thi IMO. Nhưng Lâm là người duy nhất trong đoàn không giành được huy chương. Thời điểm đó, theo chị Yến, Tùng Lâm đã phải trải qua quãng thời gian “kinh khủng”. “Ngay khi đi thi về, con đã sống trong cảm xúc hoảng loạn. Lúc biết kết quả, con vỡ vụn rồi bật khóc vì cho rằng, vì con mà thành tích quốc gia bị tụt. Con tự trách bản thân, sau đó xin mẹ số điện thoại của các thầy trong trường và trong đội tuyển để gọi điện cho từng thầy để xin lỗi. Nhưng có một điều rất may mắn là xung quanh con luôn có các thầy yêu thương. Được các thầy động viên, con đã lấy lại tinh thần sau một tháng”. Ngày tuyên dương những học sinh đoạt giải quốc tế, mặc dù chị Yến sợ con chạnh lòng, nhưng Tùng Lâm vẫn xin mẹ cho tới vì muốn chúc mừng các bạn. “Lâm là một đứa trẻ có tâm trong sáng, mặc dù khi ấy con rất buồn. Đến khi về nhà, con nói mình rất vui. Trong buổi tuyên dương đó, con gặp được Giáo sư Ngô Bảo Châu, lại được giáo sư tặng cho một cuốn sách”. "Nếu kịch bản giống năm ngoái, con vẫn chấp nhận" Năm nay, khi Tùng Lâm bày tỏ mong muốn được tiếp tục đi thi quốc tế, chị Yến thương con, không muốn Lâm đi thi nữa. Chị không đành nếu con tiếp tục đi thi và kết quả không được như mong đợi. “Năm ngoái, khi biết kết quả, con khóc khiến mẹ cũng thương đến thắt từng khúc ruột. Tâm lý của Lâm không vững, nên mình không muốn gây sức ép cho con. Nhưng con quyết tâm, hứa với mẹ rằng sẽ tự tin và vững vàng. Nếu kịch bản giống như năm ngoái xảy ra, con vẫn sẽ chấp nhận”. Đêm trước ngày diễn ra kỳ thi, hai mẹ con ôm lấy nhau và tự hứa, dù kết quả có thế nào, đi thi về con cũng không được buồn và khóc. “Con hãy cứ coi đây không phải cuộc thi mà con đang được đắm chìm với những bài toán mà con yêu thích”, chị Yến nói với Lâm. Lâm cho biết năm nay, em đi thi với tâm trạng thoải mái. Mục tiêu của em đơn giản chỉ là được giải những bài toán hay trong đề thi, chứ không phải là tấm huy chương. "Đối thủ duy nhất của em lúc ấy, không phải các bạn, mà chính là các bài toán”. Kết quả, Tùng Lâm giành được tấm huy chương bạc và người có điểm số cao thứ 2 của đoàn Việt Nam. Nhận được kết quả của con, chị Yến cũng rơi nước mắt vì thương. “Một đứa trẻ như con, để đi học đội tuyển đã phải đánh đổi rất nhiều. Kết quả này, với gia đình là điều quá đỗi hạnh phúc. Còn với Lâm, đây là món quà ý nghĩa không có gì bằng”. Với chị Yến, Lâm vừa là nguồn sống, vừa là nguồn năng lượng. Đã có nhiều lúc, chị từng rơi xuống vực thẳm vì cảm giác “không còn lối thoát”. Đó là thời điểm khi Lâm học lớp 10, chị Yến phát hiện mình bị ung thư tuyến giáp. Dưới Lâm vẫn còn một em gái bị bại não. “Mình tuyệt vọng nhưng vẫn phải kìm nén để mạnh mẽ hơn trước mặt bọn trẻ và cố gắng truyền năng lượng tích cực cho các con. Do đó, mỗi lần Lâm đạt được một kết quả nào đó, dù nhỏ thôi nhưng cũng khiến mình quên đi hết mệt mỏi và có thêm động lực sống tiếp”. Mơ ước làm thầy giáo Là người đã đồng hành cùng Tùng Lâm từ khi còn học lớp 10, thầy giáo Nguyễn Vũ Lương, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên đánh giá Lâm là học sinh có năng khiếu đặc biệt về môn toán và có “sức công phá” rất lớn. “Chữ Lâm rất xấu, có những khi đọc bài giải của con, mãi các thầy mới hiểu. Cho nên, nếu không quan sát kỹ càng, các thầy có thể sẽ bỏ sót tài năng của Lâm. Nhưng Lâm có một người mẹ tuyệt vời, là người bạn đồng hành và luôn hết mình ủng hộ con. Điều đó làm tôi bắt đầu chú ý đến con nhiều hơn. Và quả thực, Lâm đã chứng mình được khả năng của mình qua từng bài toán”. Theo thầy Lương, Lâm là một cậu bé rất chân thật và trong sáng. Nhiều khi Lâm sẵn sàng “phê phán” các thầy nếu bài giảng chưa hay. “Do đó, khi dạy Lâm, các thầy cũng phải rất gương mẫu”. Cuối mỗi buổi dạy đội tuyển, thầy Lương luôn phát đáp án để học sinh tự chấm bài mình trước khi thầy công bố người đạt điểm cao nhất. Sau khi công bố điểm, chính thầy Lương cũng phải ngồi chấm lại bài của từng học trò. “Lâm luôn tự chấm bài mình rất sát và tự đánh giá được mình thiếu gì. Đôi khi thầy có thể chấm cho Lâm hơi cao quá, chắc chắn con sẽ “đấu tranh” để được chấm đúng. Con là một cậu bé trung thực”. Với cậu học trò “đặc biệt” này, theo thầy Lương phải rất tâm lý để “làm công tác tư tưởng” trong quá trình học tập. “Những đứa trẻ như thế, quan trọng người thầy phải tin vào chúng. Năm ngoái, khi đi thi không đoạt giải, Lâm đã gọi điện xin lỗi các thầy. Tôi nói với con rằng: “Không việc gì phải khóc, con về học tiếp đi”. Thực tế, khi làm toán, ngay chính chúng tôi trước đây, không phải cứ giải là sẽ ra. Tôi nghĩ rằng giá trị của học trò không nằm ở tấm huy chương, bởi một kỳ thi không thể đánh giá được cả chặng đường dài. Điều quan trọng, các con phải kiên trì và biết đứng dậy sau thất bại. Đó mới là điều giá trị hơn cả”. |
Chị Yến nói từ lớp 9, Lâm luôn chỉ ước mơ sẽ trở thành một thầy giáo dạy Toán và được nghiên cứu về Toán. Điều đó khiến chị Yến phần nào nhẹ nhõm hơn. Chị nghĩ, đây là nghề “thuần” và hợp với con nhất.
“Mình tin rằng, nếu Lâm trở thành một thầy giáo, con sẽ giúp ích được cho rất nhiều người, bằng cái tâm trong sáng của chính con”.
Theo Zing