Rưng rưng nỗi niềm người lính sau chiến tranh

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 12:46, 25/07/2021

Đề tài người lính sau chiến tranh luôn có sức hấp dẫn với những cây bút từng qua một thời trận mạc.

Gặp bạn ở chợ Bến Thành

Ơ này, quen quá, ai ơi!
Hóa ra ông bạn từ thời chiến tranh
Lơ ngơ giữa chợ Bến Thành
Bán mua gì để phong phanh thế này?
Dễ gì nhận được nhau ngay
Mắt nhìn trờn trợn, bắt tay trờn trờn (!).

Thợ cày chán lại con buôn
Giờ làm cửu vạn có buồn nhau không?
Một thời đánh Bắc, dẹp Đông
Chiến tranh kết thúc, dở ông dở thằng
Dại nào bằng cái dại hăng
Coi ông trời bé không bằng mảnh vung!
Áo cơm là thứ lạnh lùng
Có khi vũng nước, anh hùng sa cơ…

Phô răng cười giữa ngã tư
Vèo vèo xe cộ, lừ đừ bạn tôi
Gốc cây, quán cóc ta ngồi
Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang
Tay run, mắt đỏ, ly tràn
Rót vào trăm nỗi ngổn ngang, vơi đầy…

Chúng mình sống đến hôm nay
Còn bao nhiêu đứa gửi thây rừng già
Ơn trời đất, ơn mẹ cha
Đội ơn vợ đã vì ta mà nghèo!
Rượu cho chồng, cám cho heo
Tình tang cho nợ, bọt bèo cho thơ
Thương đàn con dại ngẩn ngơ
Di truyền cả cái khù khờ của cha!
Long đong ở giữa quê nhà
Quẩn quanh ở chỗ người ta cờ tàn…

Bạn ngồi bạn uống rượu khan
Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

HOÀNG ĐÌNH QUANG

Đề tài người lính sau chiến tranh luôn có sức hấp dẫn với những cây bút từng qua một thời trận mạc. Người lính viết về người lính vừa giàu tính chân thực, vừa có sự trải nghiệm, đem đến những bài thơ xúc động lòng người, Gặp bạn ở chợ Bến Thành của Hoàng Đình Quang là một bài thơ như vậy.

Hoàng Đình Quang sinh ở Phổ Yên (Thái Nguyên), ông từng chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, sau đó ông hoạt động báo chí, xuất bản và văn nghệ. Ông được biết đến nhiều hơn với truyện ngắn và tiểu thuyết, đã sở hữu rất nhiều giải thưởng ở Trung ương và TP Hồ Chí Minh. Về thơ, mặc dù mới xuất bản hai tập Nói thầm, Hát chẳng theo mùa nhưng thơ Hoàng Đình Quang luôn để lại ấn tượng khó quên trong lòng bạn đọc bởi sự chân thành, dung dị, giàu chất thế sự. Gặp bạn ở chợ Bến Thành là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hoàng Đình Quang.

Khổ đầu, nhà thơ khái quát tình huống cuộc gặp gỡ, mang tính tự sự kể lại việc nhà thơ gặp lại người bạn thời chiến tranh giữa chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh) đông đúc, nhộn nhịp. Người trông quen quá đó chính là ông bạn lính từng vào sinh ra tử, giờ lơ ngơ giữa nơi nhộn nhịp bán mua. Ông bạn với dáng phong trần, mắt trờn trợn… cứ thế những câu thơ hé lộ dần về một người bạn của nhà thơ: Ơ này, quen quá, ai ơi!/Hóa ra ông bạn từ thời chiến tranh/Lơ ngơ giữa chợ Bến Thành/Bán mua gì để phong phanh thế này?/Dễ gì nhận được nhau ngay/Mắt nhìn trờn trợn, bắt tay trờn trờn (!)

Nếu khổ thơ thứ nhất là tình huống thì khổ thứ hai là tình cảnh dẫn đến cuộc gặp. Người lính sau chiến tranh với bộn bề công việc mưu sinh, những khó khăn của cuộc sống hậu chiến khiến anh phải vật lộn với cơm áo đời thường, cày ruộng không đủ sống lại đi buôn, làm cửu vạn. Người lính của một thời trận mạc từng đánh Bắc dẹp Đông, nhưng giờ vấp cuộc sống đời thường trở nên lạc lõng, dở ông dở thằng, trở nên bi kịch "Có khi vũng nước, anh hùng sa cơ". Những lời thơ ngậm ngùi đắng chát cho thân phận người bạn, cho nỗi đau nhân thế. Mặc dù vậy, người lính vẫn sáng lên những phẩm chất đáng quý, dám đấu tranh với cái ác, cái xấu đến tận cùng dù có chịu nhiều thua thiệt: Thợ cày chán lại con buôn/Giờ làm cửu vạn có buồn nhau không?/Một thời đánh Bắc, dẹp Đông/Chiến tranh kết thúc, dở ông dở thằng/Dại nào bằng cái dại hăng/Coi ông trời bé không bằng mảnh vung!/Áo cơm là thứ lạnh lùng/Có khi vũng nước, anh hùng sa cơ…

Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng giữa nơi phố phường nhộn nhịp lại làm lộ rõ ra dáng vẻ, phẩm chất người lính: chân thật, lạc quan, coi thường mọi khó khăn, gian khổ. Họ ngồi quán cóc bên đường cùng nhớ lại một thời vinh quang, trận mạc cùng trăm nỗi ngổn ngang: Phô răng cười giữa ngã tư/Vèo vèo xe cộ, lừ đừ bạn tôi/Gốc cây, quán cóc ta ngồi/Rượu suông ta nhắm với thời vinh quang/Tay run, mắt đỏ, ly tràn/Rót vào trăm nỗi ngổn ngang, vơi đầy…

Bên chén rượu những kỷ niệm xưa lại ùa về, họ còn sống đến hôm nay cũng là may mắn hơn so với những người nằm lại rừng già. Họ cùng nhau chia sẻ nỗi cơ hàn cuộc sống, chuyện vợ con, gia đình mỗi người một hoàn cảnh và cảm thông hơn với người bạn lính. Có những câu thơ đầy đắng chát của cuộc sống nhọc nhằn, lam lũ nhưng với một giọng thơ nhẹ nhàng, tưng tửng làm mủi lòng người đọc, cái nghèo đeo bám, đàn con dại ngẩn ngơ, nợ nần chồng chất mãi. Cũng từ đó mà ngời sáng lên phẩm chất người lính luôn vững vàng qua mọi sóng gió, bình thản vượt qua khó khăn, không hề kêu ca, phàn nàn, ỷ lại xã hội. Người lính bước ra từ chiến tranh không có sự nhạy bén với cuộc sống mới nên có chút long đong, lận đận trong công cuộc mưu sinh: Chúng mình sống đến hôm nay/Còn bao nhiêu đứa gửi thây rừng già/Ơn trời đất, ơn mẹ cha/Đội ơn vợ đã vì ta mà nghèo!/Rượu cho chồng, cám cho heo/Tình tang cho nợ, bọt bèo cho thơ/Thương đàn con dại ngẩn ngơ/Di truyền cả cái khù khờ của cha!/Long đong ở giữa quê nhà/Quẩn quanh ở chỗ người ta cờ tàn…

Hai câu kết làm bừng sáng tình bạn, tình đồng chí, chất lính trong trẻo của hai con người, lời thơ dung dị mà làm xúc động lòng người bởi sự sẻ chia, đồng cảm giữa những người từng qua khói lửa chiến tranh. Hai câu thơ khép lại bài thơ nhưng gợi bao suy ngẫm cho người đọc: Bạn ngồi bạn uống rượu khan/Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

Bài thơ Gặp bạn ở chợ Bến Thành viết theo thể thơ lục bát truyền thống, không có nhiều dụng công về nghệ thuật, lời thơ thủ thỉ, nhẹ nhàng khiến bài thơ như câu chuyện kể nhưng không khỏi làm người đọc cảm động, suy tư về cuộc sống người lính thời hậu chiến. Gặp bạn ở chợ Bến Thành là bài thơ mang giá trị nhân văn sâu sắc.

NGUYỄN QUỲNH ANH