"Nhân chứng" lịch sử một thời

Tin tức - Ngày đăng : 18:26, 25/07/2021

Ở Tứ Kỳ hiện còn một số cây thị có tuổi thọ hàng trăm năm, chủ yếu bám rễ vươn cành ở các di tích lịch sử, văn hóa, vừa là biểu tượng của làng vừa mang giá trị lịch sử sâu sắc.


Cây thị ở chùa Sùng Khánh là một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ của địa phương

Biểu tượng của làng

Một trong những cây thị lâu năm nhất ở Tứ Kỳ nằm sát cạnh chùa Tông, thôn Vũ Xá (xã Quang Khải). Cây thị này cao khoảng 12-15 m, phần gốc 3 người ôm mới hết. Vỏ cây sù sì, mốc meo, rễ cây tạo thành những gân cục nổi đầy mặt đất nhưng cành lá vẫn xum xuê, tỏa bóng mát khắp sân chùa. Năm nào cây thị này cũng đơm hoa kết trái. Tháng 7 là lúc những quả thị đầu mùa bắt đầu chín thơm. Chiều chiều, nhiều người dân trong thôn ra ngồi ở ghế đá đặt dưới tán thị, hít hà không khí trong lành giữa chốn linh thiêng, cảm giác nhẹ nhàng, thư thái.

Không có người dân nào ở làng Vũ Xá biết chính xác cây thị ở chùa Tông có từ bao giờ. Có người bảo cây được trồng cách đây hơn 200 năm, người lại đoán phải có từ 300 - 400 năm trước. Cụ Vũ Ngọc Uyên (85 tuổi), một người dân ở làng Vũ Xá nhớ từ khi còn nhỏ ra chùa đã thấy có cây thị rất to. “Lúc ấy cây thị đã to gần bằng thế này rồi nhưng cành lá xanh tốt hơn giờ, quả to bằng nắm tay người lớn, nhiều quả như cái bát ăn cơm”, cụ Uyên cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Min (73 tuổi), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vũ Xá nhớ hồi còn nhỏ ông được sư thầy Đàm Thị Đắc, trụ trì chùa Tông quý mến, thường tin tưởng giao nhiệm vụ trèo cây thị hái quả chín để cúng Phật rồi mang biếu các chức sắc trong làng. Cây thị gắn bó với cả cuộc đời ông và nhiều người dân địa phương, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của làng. Với nhiều người con xa quê, cây thị bên cạnh ngôi chùa là hình ảnh đã ăn sâu vào tâm trí. Mỗi lần có dịp về thăm quê hương họ không quên ghé qua vãn cảnh chùa và nhớ lại những kỷ niệm đẹp đẽ thuở ấu thơ dưới gốc thị này.

Ở thôn Tứ Kỳ Thượng (xã Ngọc Kỳ) cũng không có người dân nào biết cây thị nằm cạnh chùa Sùng Khánh có từ bao giờ. Giống như cây thị ở chùa Tông, cây thị chùa Sùng Khánh đã già cỗi, vỏ bên ngoài đã nhuốm màu rêu phong nhưng bên trong vẫn tràn đầy nhựa sống để nuôi dưỡng cho những cành lá tốt tươi. Năm nay cây thị ra nhiều quả, hương thơm lan tỏa khắp khu vực sân chùa. Cụ Nguyễn Thị Phụ, người trông chùa kể từ khi còn nhỏ đã theo chúng bạn ra chùa xin thị chín. Thị nhiều đến mức những trẻ em trong làng phải bưng bằng vạt áo, gói trong lá chuối mang về. “Cây thị là biểu tượng ở chùa Sùng Khánh, nó ăn sâu vào tâm thức của các thế hệ người dân làng tôi. Giờ đang mùa thị chín, một số người lập nghiệp ở xa khi về quê không quên ra chùa thắp hương, xin về một vài quả thị mang đi như một thứ quà quê quý giá”, cụ Phụ cho hay.


Không một ai ở làng Vũ Xá biết cây thị cổ ở chùa Tông có từ bao giờ

Giá trị lịch sử

Cả hai cây thị cổ trên đều nằm trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp tỉnh. Không chỉ góp phần tô điểm cho không gian di tích thêm cổ kính, những cây thị này còn có giá trị về mặt lịch sử.

Cụ Lê Văn Tụ (84 tuổi) ở thôn Tứ Kỳ Thượng là người am hiểu về lịch sử chùa Sùng Khánh. Theo cụ Tụ, chùa Sùng Khánh là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Hoàng Diệu (Gia Lộc). Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, phía dưới ngôi tam bảo chùa Sùng Khánh có một đường hầm chứa vũ khí của bộ đội tỉnh. Ở khu vực gốc cây thị hiện nay và một số vị trí khác cũng có hầm chứa vũ khí hoặc làm nơi ẩn náu của cán bộ cách mạng. Trụ trì chùa Sùng Khánh khi ấy là sư thầy Thích Minh Thai, một đảng viên và một nhà hoạt động cách mạng.

Cây thị ở chùa Tông cũng là "nhân chứng" cho lịch sử của một thời đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông Nguyễn Xuân Min cho biết thêm thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới gốc cây thị có một hầm bí mật, làm nơi đi lại, ẩn náu của bộ đội. Bởi vậy ngày ấy cây ít đất ăn, rễ trơ trọi, không được xum xuê như bây giờ. Chùa Tông là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Quang Khải... Năm 2018, một công dân trong làng đã phát tâm đầu tư xây quây gốc thị, bón thêm chất dinh dưỡng. Dưới tán cây đặt thêm mấy chiếc ghế đá để dân làng có nơi ngồi chơi hóng mát.

Cây thị ở chùa Sùng Khánh giờ cũng tươi tốt hơn những năm trước do được dân làng quan tâm chăm sóc, bảo vệ. Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, trong các chương trình dã ngoại, học sinh địa phương thỉnh thoảng lại được giáo viên đưa lên tham quan, nghe giới thiệu về lịch sử ngôi chùa và cây thị. Người cao tuổi trong làng chỉ mong sao cây thị sẽ luôn được tươi tốt, đều đặn ra hoa kết trái, vừa tô đẹp cho di tích, vừa góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 TIẾN MẠNH