Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực lên sức khỏe tinh thần của con người

Tin tức - Ngày đăng : 18:41, 25/07/2021

Tham gia thảo luận tại hội trường trong phiên họp chiều 25.7 Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề xuất một số giải pháp trong công tác phòng chống dịch Covid-19.


​​​Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận tại hội trường

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ sự đồng tình với các nội dung đã được nêu trong báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Chính phủ. Báo cáo đã dành một phần nội dung quan trọng để nêu về tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Những giải pháp quyết liệt đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt, kịp thời.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dường như đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến những thiệt hại về mặt kinh tế và những tác hại trên lĩnh vực sức khỏe thể chất mà dịch bệnh Covid - 19 gây ra cho con người. Còn một thiệt hại lớn lao và sâu sắc khác – thiệt hại và tổn thất về sức khỏe tinh thần thì chưa đề cập đúng mức. Những tổn thương về tâm lý, về tinh thần mà dịch bệnh gây ra cho con người khó nhận biết hơn, khó tính toán cụ thể, nhưng đó là những tác động ngầm gây ảnh hưởng đến tư duy và nhận thức của nhiều bộ phận xã hội mà hậu quả của nó để lại không kém những tổn thất về kinh tế, thậm chí còn nghiêm trọng và sâu sắc hơn!

Đại dịch Covid-19 đã phá vỡ thói quen sinh hoạt, làm việc, học tập, vui chơi, thư giãn, tận hưởng cuộc sống của người dân. Để kiềm chế sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh, chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa... Những nhu cầu đơn giản của cuộc sống bình thường trước kia trở thành xa xỉ, không thể thực hiện khi dịch bùng phát, như đi du lịch, thăm hỏi, gặp gỡ nhau, thậm chí đến trường, đến cơ quan, làm việc trực tiếp.

Học, làm việc trực tuyến, giãn cách xã hội, cách ly… là những giải pháp cần thiết, cấp bách, bắt buộc và hiệu quả để chống dịch. Thế nhưng điều này có phần tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người. Sự mệt mỏi, lo lắng, bất an khi chứng kiến dịch bệnh kéo dài. Nỗi buồn, lo đối với những người mất người thân do dịch bệnh. Sự u uất, chán chường của những người bị mất việc làm, mất thu nhập, bị phá sản do dịch bệnh. Những kế hoạch cho cuộc sống bị đảo lộn, thậm chí không thể thực hiện được trong thời kỳ dịch bệnh… Tất cả những điều này tạo thành tâm lý nặng nề cho con người, mà nếu không được quan tâm đúng mức sẽ để lại nhiều hệ lụy tiêu cực. Đã nhiều nước trên thế giới có những khảo sát, nghiên cứu công phu, nghiêm túc về tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid -19 lên sức khỏe tinh thần của con người và những hệ lụy đáng báo động. Tại Việt Nam tuy chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này nhưng ngay trong báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp này cũng nêu rất rõ một trong những kiến nghị của cử tri là: trong bối cảnh phải cách ly, giãn cách xã hội để bảo đảm an toàn dịch bệnh, một bộ phận trẻ em không được đến trường, không được vui chơi tương thích với lứa tuổi trong thời gian dài có thể ảnh hưởng tới tâm sinh lý, nhất là ở các khu đô thị, khu chung cư. Việc này cần sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu để có giải pháp giải quyết phù hợp, không thể xem thường.

Trên thực tế, thời gian gần đây, chúng ta đã chứng kiến việc dịch bệnh Covid-19 tạo nên sự rối loạn, thay đổi tiêu cực về mặt tâm lý như hình ảnh người dân lo lắng, chen chúc, xô đẩy mua thực phẩm, tích trữ hàng hóa trước thông tin bùng phát dịch bệnh; kỳ thị những người có lịch sử dịch tễ có nguy cơ; hoang mang, lo sợ trước những thông tin sai lệch về sự thiếu hụt thiết bị y tế... Hay việc giãn cách xã hội, không được vui chơi, giải trí, du lịch, sinh hoạt cộng đồng tạo nên cảm giác bị gò bó, dễ dẫn đến trầm cảm. Những vụ việc cá nhân không chấp hành quy định phòng chống dịch, chống lại cơ quan chức năng một cách quyết liệt và liều lĩnh, bên cạnh việc thể hiện sự thiếu ý thức của bộ phận rất nhỏ công dân, còn thể hiện sự bức xúc bột phát do những thay đổi tiêu cực về tâm lý dưới tác động của dịch bệnh.

  Thêm nữa, khi con người bị hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc cùng thói quen sử dụng internet gia tăng đã tiếp tục dẫn đến những hệ lụy trên không gian mạng. Để thỏa mãn nhu cầu được thể hiện, khẳng định bản thân, được giao tiếp, được chia sẻ trong bối cảnh giãn cách người ta tìm đến mạng xã hội. Bên cạnh mặt tích cực của việc kết nối, chia sẻ thông tin, tâm tư, tình cảm còn là việc có những phát ngôn tiêu cực, gây sốc để lôi kéo sự chú ý của cộng đồng mạng, để chứng tỏ bản thân… Có thể thấy, bên cạnh những thiệt hại về kinh tế, Covid-19 đã tác động đến những nhu cầu cơ bản của con người để đạt được một cuộc sống chất lượng bao gồm nhu cầu an toàn về sức khỏe, nhu cầu giao lưu xã hội, nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Sự thiếu hụt những nhu cầu này có tác động tiêu cực sâu sắc đến tâm lý, tình cảm, suy nghĩ, lối sống của con người.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch Covid-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của nhiều tầng lớp, trong đó có những vấn đề cần đặc biệt quan tâm, cả trước mắt, cả trong giai đoạn 5 năm tới. Trong đó cần quan tâm, bảo đảm nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội sau đại dịch; lắng nghe, rà soát, kịp thời xử lý các dư luận xã hội tiêu cực, sai lệch, gây chia rẽ, mất đoàn kết, mất niềm tin trong nhân dân; định hướng dư luận xã hội phù hợp, đúng đắn; tăng cường triển khai các chương trình, hoạt động truyền thông truyền cảm hứng để lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin và sự kỳ vọng của nhân dân.

Trước tình hình Covid-19 hiện nay, trong việc chuẩn bị kịch bản cho việc dịch bệnh sẽ bùng phát mạnh trên phạm vi cả nước với những tổn thất, thiệt hại có thể nặng nề hơn, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực phòng dịch, theo đại biểu cần chuẩn bị cả về mặt tâm lý của nhân dân để khi rơi vào tình huống đó vẫn có thể chủ động về vật chất, con người và vững vàng, tỉnh táo về mặt tâm lý.

PV