Trung Quốc tuyên bố ''giới hạn đỏ'', không chấp nhận bị Mỹ ép buộc
Tin tức - Ngày đăng : 18:55, 26/07/2021
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng (trái) và bà Wendy Sherman. Ảnh: Caixin
Chia sẻ với báo giới sau cuộc gặp với đồng cấp người Mỹ Wendy Sherman tại TP Thiên Tân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng cho biết ông đã trao cho phía Mỹ hai bản danh sách gồm kế hoạch hành động sửa sai đối với Washington trong quan hệ với Trung Quốc và một loạt quan ngại chủ chốt của Bắc Kinh trong quan hệ song phương.
Danh sách công việc phía Mỹ cần sửa sai gồm dỡ hạn chế thị thực (visa) của Mỹ đối với các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng gia đình họ, bỏ hạn chế visa với sinh viên, lưu học sinh học tại Trung Quốc; bỏ trừng phạt nhằm vào quan chức, viên chức chính phủ và các cơ quan, bộ ngành Trung Quốc; dỡ rào cản nhằm vào các viện Khổng tử, công ty Trung Quốc; ngừng ngay việc trừng phạt, hạn chế truyền thông Trung Quốc tại Mỹ và cuối cùng là bỏ yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei từ Canada về Mỹ.
Những quan ngại chủ chốt được Trung Quốc nêu ra trong trao đổi với bà Sherman gồm đối xử bất công của Mỹ đối với công dân Trung Quốc tại Mỹ, việc đe nẹt, uy hiếp đại sứ quán, cơ quan lãnh sự Trung Quốc ở Mỹ cũng như làn sóng bài người gốc Á, bài người Hoa, bạo lực nhằm vào người gốc Trung Quốc.
Đây gần như là lần đầu tiên Bắc Kinh đưa ra yêu cầu về “giới hạn đỏ” trước Mỹ trong quan hệ song phương, phát đi tín hiệu Trung Quốc sẽ không chấp nhận kiểu hành xử bề trên, gây sức ép từ Washington. Ngay trước thời điểm bà Sherman đáp xuống Thiên Tân, Trung Quốc cũng đã công bố quyết định áp lệnh trừng phạt nhằm vào 7 cá nhân Mỹ, trong đó có cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Rossn nhằm đáp trả việc Mỹ cấm vận một số quan chức Trung Quốc tại Hong Kong. Nó cho thấy hố sâu ngăn cách không dễ san lấp trong quan hệ Mỹ-Trung.
Trong sáu tháng cầm quyền tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden phát đi thông điệp cứng rắn với Trung Quốc, không ngần ngại trừng phạt Bắc Kinh liên quan đến nhiều vấn đề. Ông Biden hy vọng chiến lược này kết hợp với điều phối hợp tác cùng đồng minh sẽ giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến mang tính quyết định trước Trung Quốc.
Oriana Skylar Mastro, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Stanford (Mỹ) nhìn nhận ông Biden đã thành công trong thể hiện sự bất bình của Mỹ trước Bắc Kinh, không chỉ giới hạn trong khung phản kháng của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Mỹ thuyết phục được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình thay đổi tiến trình hành động.
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên với Mỹ trung tuần tháng 3 vừa qua ở Alaska đã tuyên bố Bắc Kinh giờ không chấp nhận việc Mỹ ứng xử theo cách người ở thế “cửa trên”.
Bắc Kinh sau đó tiếp tục phản kháng trước sức ép của Washington. Trung Quốc trong tháng trước đã thông qua "Đạo luật chống lại lệnh trừng phạt của nước ngoài". Theo đó, cá nhân và tổ chức tham gia quá trình xây dựng cũng như thực thi các biện pháp phân biệt đối xử đối với công dân và các tổ chức của Trung Quốc sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt.
Theo Eric Sayers, chuyên gia về an ninh châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), một tổ chức nghiên cứu độc lập có tiếng trong giới bảo thủ Mỹ, ông Biden đã đạt một số thắng lợi bước đầu khiêm tốn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẽ phải đối diện với “nhiệm vụ khó khăn” khi biến lo ngại của đồng minh, đối tác ở châu Á, châu Âu thành hành động chung trước Trung Quốc, đơn cử như việc áp đặt hạn chế xuất khẩu.
Trung Quốc thể hiện quan điểm phản kháng ngày một rõ trước Mỹ, nhưng một số chuyên gia cho rằng đó có thể chỉ là động thái chuẩn bị trước cho trường hợp có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 trong tháng 10 tới tại Rome, Italy. Đây là một nội dung mà bà Sherman sẽ thảo luận với phía Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm hai ngày từ 25-26.7.
Theo báo Tin tức