Tiết kiệm phải thành phẩm chất, lối sống của mỗi công dân
Tin tức - Ngày đăng : 09:23, 27/07/2021
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu thảo luận tại hội trường
Góp ý vào Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, đại biểu Việt Nga đánh giá báo cáo đã nêu rất rõ công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả khả quan ở hầu hết các lĩnh vực: đầu tư công, quản lý tài sản công; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra để thu hồi tài sản công sử dụng sai; tiết kiệm trong khai thác, sử dụng tài nguyên… Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như một số địa phương, bộ, ngành còn chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chậm báo cáo kết quả…
Tuy nhiên, với việc tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nga trăn trở, đó là làm sao cho việc tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ nằm trong kế hoạch, định lượng bằng các chỉ tiêu bắt buộc hằng năm mà phải trở thành thói quen, lối sống, phẩm chất của mỗi con người. Nhìn sang nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới, ta đều thấy lối sống của mỗi công dân của họ rất tiết kiệm, như Nhật Bản chẳng hạn. Người Nhật có lối sống tiết kiệm, không lãng phí, từ những việc nhỏ nhất trở đi, đến những phát minh vĩ đại nhất của người Nhật cũng vẫn đề cao tính tiết kiệm, chống lãng phí. Bởi vậy, tiết kiệm, chống lãng phí phải được nâng lên thành ý thức sống, thành lối sống của từng cá nhân mà mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người nêu gương đầu tiên.
Tiết kiệm, chống lãng phí phải bắt đầu từ nhận thức đúng đắn về tiết kiệm. Hiện tại, có nhiều người hiểu chưa đúng về tiết kiệm, chống lãng phí khi cho rằng chỉ nguồn chi từ ngân sách nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ mới cần tiết kiệm. Có những dự án được đầu tư rất nhiều tiền nhưng hiệu quả chưa cao, khi bị chất vấn thì chủ đầu tư lại nêu lý lẽ không dùng ngân sách nhà nước cho dự án mà dùng tiền từ nguồn xã hội hóa. Dù từ nguồn lực nào đi chăng nữa cũng cần tiết kiệm, không được lãng phí.
Muốn tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn cần có sự thay đổi từ trong nhận thức, trong giáo dục lối sống. Điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc, chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành có liên quan, điển hình là ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch, chứ không đơn thuần chỉ nằm ở những báo cáo hằng năm việc cắt giảm bao nhiêu phần trăm kinh phí trong dự toán. Nếu tiết kiệm chưa thành phẩm chất, lối sống của mỗi công dân thì có lúc kế hoạch tiết kiệm chống lãng phí chỉ mang tính hình thức chứ chưa đi vào thực chất.
Với chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nga cho rằng có những chỉ tiêu chưa được định lượng cụ thể như “tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả kinh phí nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào taọ, sự nghiệp y tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả đơn vị sự nghiệp công lập”. Thực ra đây là các giải pháp chứ không phải những mục tiêu cụ thể.
"Chỉ tiêu năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp so với năm 2015 không phải chỉ tiêu cho 1 năm, vì so với năm 2015 là kết quả của cả một giai đoạn. Cần phải có chỉ tiêu cụ thể so với năm 2020 mới rõ kết quả của năm 2021", đại biểu Nga nói.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước. "Trong năm 2021 giảm 10% liệu có thực hiện được không, và có ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị không? Vì hiện nay có một số ngành đang thiếu biên chế, thiếu người làm việc như ngành giáo dục và đào tạo, ngành y tế", đại biểu Nga nhấn mạnh.
Thêm nữa, muốn thực hành tiết kiệm chống lãng phí đạt hiệu quả cao còn liên quan rất mật thiết đến năng lực cán bộ cho nên cần chú trọng nâng cao năng lực cán bộ cũng là một giải pháp hữu ích cho việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí!.
LINH AN