Quyết sách nhiều nội dung quan trọng cho giai đoạn 5 năm tới
Tin tức - Ngày đăng : 21:27, 27/07/2021
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025
Sáng 27.7, trước khi bắt đầu chương trình làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có bài phát biểu nhân 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27.7.1947 - 27.7.2021).
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Nhận thức sâu sắc được điều đó, Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là trong công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách ưu đãi người có công, giám sát tổ chức thực hiện, để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Để giảm nghèo một cách thực chất hơn, một số đại biểu đề xuất, cần tiếp cận theo tư duy là chuyển những người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể và phải quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ, nhóm hộ, coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo. Sự đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi là một hướng cần tiếp cận trong vấn đề này. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng vươn lên. Các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo. Ngoài ra, cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, Chính phủ sẽ hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa nội dung ba chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; xây dựng nông thôn mới) đang triển khai hiện nay.
Thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhiều đại biểu đề xuất cần tăng cường nguồn lực, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho khu vực nông thôn, góp phần hỗ trợ người dân ở khu vực này vượt qua những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh để ổn định đời sống, tăng thu nhập một cách bền vững và đóng góp xây dựng quê hương.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng mục tiêu cuối cùng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là làm sao để đưa khu vực nông thôn “trở thành những nơi đáng sống, nơi để chúng ta tìm đến, chúng ta quay về”.
Theo bộ trưởng, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng, tạo điều kiện, nâng cao tiện ích cho người nông dân, phải chú trọng hơn tới những “phần mềm”, những giá trị mới, làm sao để gắn kết, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba yếu tố trụ cột không thể tách rời, bộ trưởng cho rằng việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp chính là động lực để xây dựng nông thôn mới, tạo nền tảng để nông dân là chủ thể.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Một số lĩnh vực đầu tư vừa nhằm gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội là vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có vấn đề đầu tư nhà ở cho công nhân.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Khang (Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), một trong những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay của công nhân lao động cả nước là vấn đề nhà ở. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng chính sách đủ mạnh để có thể thu hút các nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, đặt mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Đồng thời, Chính phủ cũng rất cần thiết phải bố trí một phần vốn ngân sách nhà nước để làm “vốn mồi” cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân vì theo đại biểu, "chúng ta không thể khoán trắng nhà ở xã hội cho các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước".
Cũng trong chiều 27.7, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Nghị quyết đã đề ra một số mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP...
Quốc hội khóa XV cũng thông qua các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Theo TTXVN