Công đoàn doanh nghiệp nước ngoài chăm lo người lao động
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:31, 28/07/2021
Các cấp công đoàn hỗ trợ kinh phí xây nhà cho gia đình chị Mạc Thị Thì, công nhân Công ty TNHH Michigan Hải Dương
Quan tâm thiết thực
Chị Mạc Thị Thì ở khu dân cư Bờ Đa, phường An Lạc (Chí Linh) xúc động khi được các cấp công đoàn quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây ngôi nhà mới rộng 60 m2. Chị Thì là công nhân Công ty TNHH Michigan Hải Dương, 100% vốn Hàn Quốc, ở phường Tân Dân (Chí Linh). Chị một mình nuôi 3 con, hoàn cảnh rất khó khăn. Công đoàn công ty đã đề xuất với Ban Giám đốc, Liên đoàn Lao động TP Chí Linh giúp đỡ chị xây nhà vì ngôi nhà cấp 4 rộng vỏn vẹn 12 m2 của mẹ con chị đã xuống cấp trầm trọng. Các cấp công đoàn đã hỗ trợ 50 triệu đồng, nhiều doanh nghiệp ở TP Chí Linh ủng hộ gạch, riêng Ban Giám đốc và Công đoàn Công ty TNHH Michigan Hải Dương ủng hộ chị 10 triệu đồng...
Anh Mạc Đình Tú, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết mặc dù công ty gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng lãnh đạo luôn tìm nhiều giải pháp để bảo đảm việc làm cho người lao động (NLĐ).
Tại Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên Hải Dương Việt Nam (Kinh Môn), NLĐ cũng được hưởng nhiều lợi ích từ thỏa ước lao động tập thể. Ông Trần Văn Lưỡng, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết ngoài thực hiện tốt pháp luật lao động thì doanh nghiệp có nhiều chính sách chăm lo cho NLĐ. Hằng năm, NLĐ đều được nhận tháng lương thứ 13. Vào các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10, lao động nữ đều được nhận quà. Lao động có con nhỏ dưới 6 tuổi được hỗ trợ 50.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, công đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho NLĐ...
Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên Hải Dương có chủ doanh nghiệp là người Trung Quốc nên việc đề đạt nguyện vọng của NLĐ gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Vì thế, vai trò của tổ chức công đoàn ở đây rất quan trọng. "Sau khi nghe ý kiến, kiến nghị của NLĐ, chúng tôi đã đề nghị Ban Giám đốc có những chính sách hỗ trợ công nhân phù hợp", ông Lưỡng cho biết.
Cầu nối quan trọng
So với loại hình doanh nghiệp khác thì công đoàn trong doanh nghiệp FDI có vị trí rất rõ ràng. Họ đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của công nhân, NLĐ trước các nhà quản lý doanh nghiệp là người nước ngoài. Vì thế, giữa NLĐ, công đoàn luôn có mối quan hệ khăng khít, bền chặt. Ông Liu Chien Ming, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Oriental Sports Việt Nam (ở Nam Sách, 100% vốn đầu tư của Đài Loan) cho biết: "Chúng tôi rất coi trọng tổ chức công đoàn và NLĐ. Nhờ có công đoàn, chúng tôi thực hiện tốt các chính sách chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp".
Tại nhiều doanh nghiệp, công đoàn còn thành lập các nhóm Zalo để trao đổi, hỗ trợ NLĐ tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời tư vấn pháp luật, chính sách, kỹ năng thương lượng tập thể khi đối thoại trực tiếp với chủ doanh nghiệp. Với sự đồng hành của công đoàn, những bản thỏa ước có lợi hơn cho NLĐ như chế độ thưởng, phụ cấp, ăn ca, thăm hỏi... trong doanh nghiệp nước ngoài đều có xu hướng tăng. Hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng nội quy, quy chế nội bộ, quy chế phối hợp giữa Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở với giám đốc doanh nghiệp.
Nhận thấy vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi đi vào hoạt động đã cho thành lập ngay tổ chức này. Chị Đàm Thị Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì vật liệu mới Mộc Dương (Nam Sách) có vốn đầu tư 100% của Trung Quốc cho biết doanh nghiệp vừa đi vào hoạt động từ đầu tháng 3 nhưng đến đầu tháng 7 đã thành lập tổ chức công đoàn. "Chúng tôi muốn thông qua công đoàn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ", chị Quyên nói.
Ông Mai Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết toàn tỉnh hiện có 248 công đoàn cơ sở thuộc doanh nghiệp FDI với trên 100.000 đoàn viên công đoàn.
HƯƠNG GIANG