Chọn bằng cấp hay chọn thực chất?
Tin tức - Ngày đăng : 11:00, 28/07/2021
- Tôi vừa đọc trên báo thấy có bài phản ánh rằng 49% số công chức tại Bộ Nội vụ có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Tỷ lệ này ở 63 Sở Nội vụ là gần 28% và ở các Phòng Nội vụ trong cả nước là 18%. Tỷ lệ công chức toàn ngành nội vụ có trình độ từ cử nhân trở lên đến tiến sĩ là 96,6% - ông Thái mở đầu câu chuyện.
- Trình độ công chức ngành nội vụ như vậy cao thật. Đáng mừng! Nhưng tôi thấy ở nhiều cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ nhiều ngành nghề khác ở Hải Dương cũng có nhiều người có bằng thạc sĩ lắm, chứ không riêng gì ngành nội vụ - ông Cường nói.
- Liệu có đáng mừng thật hay nó chỉ phản ánh việc chạy theo bằng cấp, chạy tiêu chuẩn? - ông Cảnh băn khoăn.
- Tôi thấy xu thế này là đáng ghi nhận. Giờ cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chứ không như hồi trước, một thế hệ cán bộ do chiến tranh, kinh tế khó khăn nên ít được học tập, rất thiệt thòi - vẫn là ý kiến của ông Cường.
- Anh Cường nói cũng chỉ đúng một phần thôi. Tôi đồng tình là nhiều người muốn học cao học, cao cấp lý luận chính trị để nâng cao trình độ, để làm việc tốt hơn. Tuy nhiên, cũng nhiều người đi học không thực chất, lười học, chỉ cốt lấy tấm bằng để sau này có đủ điều kiện lên chức, thậm chí họ sẵn sàng mua bằng, chạy điểm - ông Thái nêu quan điểm.
- Ở nhiều nước, các thạc sĩ, tiến sĩ chủ yếu làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, ít cán bộ, công chức, viên chức cần đến bằng thạc sĩ. Ở ta thì ngược lại, rất đông cán bộ, công chức, viên chức học để lấy tấm bằng thạc sĩ, mà công việc của họ lại không cần cái bằng này. Nhiều người làm nghề này nhưng lại có bằng thạc sĩ ngành khác chẳng liên quan gì - ông Cảnh chia sẻ.
- Đúng thế đấy. Tôi thấy ngay tại Hải Dương, nhiều cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có đến 30-40% số cán bộ, công chức có bằng thạc sĩ và bằng cao cấp lý luận chính trị. Thậm chí có những người chỉ là chuyên viên nhưng cũng có 2 loại bằng này mà nhiều người đi học cao học, cao cấp lý luận chính trị theo kiểu "đánh trống ghi tên", chứ thấy có học hành gì tử tế đâu - ông Thái nói thêm.
Nghe ông Thái, ông Cảnh phân tích, xem chừng ông Cường cũng nghe ra.
- Có bằng cấp chuyên môn, lý luận chính trị ở trình độ cao nhưng phải thực sự giúp ích cho công việc, giúp ích cho nhân dân. Tôi thấy nhiều người không phải là thạc sĩ, hoặc có bằng cao cấp gì nhưng họ vẫn làm việc tốt hơn người có bằng cấp cao. Chạy theo bằng cấp mà không thực chất thì chỉ là háo danh, háo chức quyền thôi - ông Cường chốt lại câu chuyện.
ĐỒNG CHÍ